Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi): Có kịp thông xe kỹ thuật ngày 30-6?

Thứ bảy, 23/06/2018 18:30

Mặc dù Bộ GT-VT giao Ban Quản lý (BQL) dự án (DA) hoàn thành đoạn cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) trước ngày 30-6 để thông toàn tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng nên đến thời điểm này nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, ảnh hưởng đến tiến độ.

Đoạn đầu cầu vượt Tam Thái còn dang dở do người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 140km, tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. Đây là DA trọng điểm quốc gia, tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác. DA thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 120km/giờ. Sau 4 năm thi công, 65km đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đã chính thức được thông xe vào đầu tháng 8-2017. Riêng đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi dài 74,204km, Bộ GT-VT giao BQL DA hoàn thành vào ngày 30-6 để đồng bộ với đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa được bàn giao mặt bằng khiến DA có nguy cơ chậm tiến độ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến ngày 20-6, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua địa phận 2 xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ) và Tam Thái (H. Phú Ninh) vẫn còn hơn 100m chưa được thi công do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Tại khu vực thôn 5 (xã Tam Ngọc), gần 50m đường cao tốc bị ông Đoàn Văn Lâm (70 tuổi) rào chắn, ngăn cản thi công. Ông Lâm lý giải: “Việc áp giá đền bù chưa rõ ràng và đơn vị chưa giao đủ số tiền đền bù nên chưa được phép thi công. Đơn vị thu hồi của tôi 3.217m2 đất, trong đó 1.437m2 là đất trồng cây lâu năm như tiêu, cau, đào, chanh... áp giá 33,6 ngàn đồng/m2 là chưa hợp lý, bởi theo quy định đơn giá loại đất trên là 46.000 đồng/m2. Bên cạnh đó, hiện tại tôi còn 386,6m2 trong tổng số 3.217m2 đất được thu hồi nhưng chưa bồi thường”.

Ông Lâm lập bờ rào ngăn cản thi công vì cho rằng áp giá đền bù chưa thỏa đáng.

Tại đầu cầu vượt giáp giữa xã Tam Thái và Tam Ngọc còn 5 căn nhà chưa bàn giao mặt bằng dẫn đến gần 100m đường đầu cầu vượt vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Các hộ này cho rằng việc áp giá đền bù chưa thỏa đáng và chưa có chích sách hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho người dân. Bà Trần Thị Đạo (45 tuổi, trú xã Tam Ngọc) trình bày, địa phương thu hồi của bà 77,5m2 đất từ lề đường vào đến trong nhà. Hiện trạng vật kiến trúc nhà bà xây đã hơn 10 năm nay, nhưng đơn vị thi công áp giá chỉ có 20m2 đất ở, còn lại áp giá đất trồng cây lâu năm. Chủ đầu tư chỉ đền bù 310 triệu đồng là quá thấp, diện tích đất ở còn lại chỉ 20m2 không đủ để sinh hoạt nhưng không được bố trí đất TĐC nên tôi chưa đồng ý bàn giao mặt bằng”.

Còn trường hợp gia đình ông Trần Triều (50 tuổi, trú xã Tam Thái) bị thu hồi 400m2 đất, gồm 4 căn nhà liền kề, trong đó có 140m2 đất ở với tổng áp giá đền bù gần 700 triệu đồng. Ông Triều cho rằng giá đó đã thấp, lại không hỗ trợ TĐC nên không đồng ý. “Vừa qua, phía lãnh đạo UBND H. Phú Ninh ra thông báo sẽ cưỡng chế, nhưng tôi không đồng ý, bởi giá đền bù quá thấp, số tiền đó chỉ đủ xây dựng lại 1 căn nhà, không đủ cho gia đình 3 thế hệ gồm 15 người sinh sống. Bên cạnh đó, chúng tôi không được hỗ trợ TĐC và đến thời điểm này cũng chưa nhận được tiền đền bù” - ông Triều bức xúc nói.

Nhà ông Trần Triều chưa được giải tỏa, cản trở việc thi công DA.

Chiều 20-6, trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo xã Tam Thái (H. Phú Ninh) cho rằng, hộ ông Trần Triều chưa bàn giao mặt bằng vì ông này cho rằng giá đền bù thấp. Hiện tại UBND H. Phú Ninh đã ra quyết định cưỡng chế đối với hộ ông Trần Triều, dự kiến ngày 26-6 sẽ tiến hành. Còn lãnh đạo UBND xã Tam Ngọc cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục vận động 2 hộ trên, sẽ sớm giải quyết để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tiến hành các hạng mục cuối cùng.

Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Tiến Thành - Trưởng BQL DA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng, giai đoạn 2 gồm 5 gói thầu xây lắp từ A1 đến A5 đã hoàn thành đạt trên 82% sản lượng, chậm trên 2% so với kế hoạch. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực trong việc giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa đồng ý dẫn đến nhiều hạng mục chưa được thi công. Cũng theo ông Thành, thời điểm một số công trình giao thông khác trên địa bàn ở trong giai đoạn hoàn thành nên việc huy động nguyên vật liệu đang khó khăn dẫn đến chậm tiến độ. “Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục những vướng mắc, ngày 30-6 tới quyết tâm thông xe kỹ thuật theo kế hoạch của Bộ GT-VT nhằm đưa DA vào hoạt động và phát huy hiệu quả. Chúng tôi cũng cam kết sẽ đảm bảo chất lượng công trình trọng điểm quốc gia quan trọng này” - ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận trên chậm tiến độ cũng gây nhiều áp lực về ATGT cho QL40B (đoạn nối từ QL1A lên tuyến cao tốc Tam Kỳ - Đà Nẵng). Theo Trung tá Nguyễn Hồng Tâm - Đội trưởng Đội CSGT CATP Tam Kỳ, từ khi đoạn cao tốc Tam Kỳ - Đà Nẵng thông tuyến, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện có tải trọng lớn như xe container, xe khách, ô-tô tải... lưu thông trên tuyến QL40B gây mất ATGT. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra nhiều vụ TNGT, trong đó có 2 vụ tai nạn làm 2 người tử vong tại chỗ. Nguyên nhân là do lòng đường hẹp, bên cạnh đó các phương tiện di chuyển lên tuyến cao tốc gặp phương tiện từ các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước... lưu thông hướng ngược lại làm ùn tắc giao thông. “Khi đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông tuyến, lượng phương tiện di chuyển đường dài sẽ lưu thông trên tuyến này. Lúc đó, phương tiện lưu thông trên tuyến QL40B sẽ giảm, tình trạng mất ATGT được giải quyết đáng kể” - Trung tá Tâm nói.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan cần khẩn trương hơn nữa để sớm giải quyết các điểm nghẽn trên. Qua đó sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, góp phần thông tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đúng dự kiến cũng như đảm bảo ATGT tại địa phương.

LÊ VƯƠNG