Dự án đường gom dân sinh dọc đường sắt: Thay đổi diện mạo, đời sống hàng ngàn hộ dân

Thứ ba, 31/03/2015 09:43

(Cadn.com.vn) - Những ngày đầu năm 2015, hàng ngàn hộ dân P.Hòa An và P.Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có nhà ở dọc theo đường sắt rất phấn khởi khi nghe chính quyền thông báo chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường gom dân sinh dọc đường sắt từ Ngã ba Huế đến Cầu vượt Hòa Cầm. Đây là chủ trương hợp lòng dân, không chỉ có ý nghĩa về việc cải thiện đời sống văn hóa văn minh đô thị mà còn tạo cơ hội để người dân làm ăn phát triển kinh tế.

Nói về sự cần thiết phải đầu tư dự án này, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ cho biết, nằm dọc theo tuyến đường sắt Bắc- Nam và đường Trường Chinh, tuyến đường gom đóng vai trò kết nối khu vực dân cư phía Nam đường Tôn Đản ra đường Trường Chinh, đi về trung tâm thành phố và các vùng khác.

Trên tuyến hiện nay lượng xe lưu thông nhiều, mật độ lớn, nhưng bề rộng nhỏ (từ 2,5 đến 3,5m), hạ tầng giao thông hầu như chưa có nên không đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, gây mất mỹ quan đô thị. Việc triển khai dự án sẽ đảm bảo an toàn chạy tàu trên đường sắt Bắc- Nam, xóa bỏ các đường ngang dân sinh dễ gây ra TNGT, góp phần nâng cấp bộ mặt đô thị và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hiện trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường sắt qua Cẩm Lệ.

Theo UBND Q.Cẩm Lệ và đơn vị khảo sát là Cty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng và chuyển giao Công nghệ B&R, dự kiến tuyến đường này sẽ được xây dựng mới có bề rộng nền đường 8m, trong đó mặt đường 5m, vỉa hè mỗi bên 1,5m. Tim đường cơ bản chạy song song với đường cũ, cách mép trong của đường hiện trạng 3m. Với thiết kế này, ranh giới giải phóng mặt bằng mở rộng về bên phải tuyến (phía KDC), cách mép đường hiện trạng từ 5,6m đến 6,1m. 

Chủ trương chung là dự án sẽ triển khai theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm theo 2 phương án. Phương án 1, dân hiến đất, cây cối hoa màu, Nhà nước đền bù công trình kiến trúc trên đất. Phương án 2, dân hiến đất, cây cối hoa màu, Nhà nước đền bù công trình kiến trúc trên đất và hỗ trợ 50% giá trị diện tích đất bị giải tỏa.

Theo khảo sát khối lượng giải phóng mặt bằng sơ bộ, nếu triển khai dự án, số lượng thu hồi gồm: 31.005m2 đất ở, 3.000m2 đất nông nghiệp, 10.600 ngôi nhà cấp 4, 1.050 ngôi nhà 2 tầng, 4.404m tường rào xây. Tính theo đơn giá phương án 1, số tiền giải phóng mặt bằng là hơn 25,1 tỷ đồng, phương án 2 là hơn 34,4 tỷ đồng. Về tổng mức đầu tư của dự án theo 2 phương án sẽ dao động từ trên 93,7 tỷ đồng đến trên 103 tỷ đồng.

Từ những ngày đầu năm 2015, UBND Q.Cẩm Lệ cùng UBND 2 phường Hòa An và Hòa Phát đã tiến hành họp dân, thông báo chủ trương đến từng hộ gia đình bị ảnh hưởng dự án mở đường gom dọc đường sắt từ Ngã ba Huế đến Cầu vượt Hòa Cầm. Hầu hết người dân 2 phường ủng hộ chủ trương này, chỉ có một số hộ còn băn khoăn về mức hỗ trợ, đền bù sao cho thỏa đáng.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Cẩm Lệ vào trung tuần tháng 3-2015, đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương và khẳng định, nếu Q.Cẩm Lệ triển khai được dự án này sẽ là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vì từ sau giải phóng đến nay, đời sống người dân ở khu vực này chịu rất nhiều thiệt thòi vì bị đường sắt ngăn cách với tuyến đường Trường Chinh, mọi sinh hoạt đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo nguyên tắc 100% người dân đồng thuận, có cam kết rõ ràng bằng văn bản. Nếu thuận lợi thì UBND Q.Cẩm Lệ xúc tiến nhanh, đề xuất dự toán kinh phí vào 6 tháng cuối năm 2015 để sớm triển khai thực hiện.

Bài, ảnh: Nguyên Thảo