Dự án Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Tây Viên: Treo đã hơn 10 năm rồi!
Khi Tỉnh lộ 610 nối H. Duy Xuyên và H. Nông Sơn (Quảng Nam) đưa vào khai thác, chính quyền địa phương cũng như tỉnh Quảng Nam kỳ vọng về một “mùa gặt” du lịch khi gom ba địa điểm du lịch nổi tiếng gồm: Thánh địa Mỹ Sơn – làng trái cây Đại Bình – Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng (KDLSTNKN) Tây Viên thành một tam giác du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn.
Dự án khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng treo hơn 10 năm. |
Tuy nhiên, hơn 10 năm qua dự án KDLSTNKN Tây Viên vẫn “án binh bất động” dù đã có quyết định triển khai và tiến hành giải tỏa đền bù khiến giấc mơ thu hút du lịch, phát triển kinh tế vùng “phá sản”.
Từ tháng 12-2004 UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo về việc đạt thỏa thuận với doanh nghiệp triển khai xây dựng dự án du lịch sinh thái, tận dụng nguồn nước khoáng nóng do thiên nhiên ban tặng trên địa bàn H. Nông Sơn. Đến ngày 16-5-2007, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 19-45/QĐ-UBND cho Cty TNHH Thương mại Du lịch và dịch vụ Sông Hàn (gọi tắt Cty Sông Hàn) thuê đất để triển khai dự án KDLSTNKN Tây Viên (xã Sơn Viên, H. Nông Sơn) với tổng diện tích 102.000m2, thời hạn sử dụng là 50 năm. Ngay sau đó, Cty Sông Hàn đã tiến hành áp giá đền bù đối với những hộ dân có đất ruộng, đất ở và nhà trong vùng giải tỏa. Theo đó, có tổng cộng 42 hộ được hỗ trợ di dời về nơi tái định cư, kinh phí đền bù 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng từ đó Cty Sông Hàn “quên” dự án khiến người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng không có kết quả. “Người dân cũng như chính quyền địa phương kỳ vọng bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu bởi hơn 10 năm trời dự án vẫn treo lơ lửng. Đa phần người dân trên địa bàn huyện làm nông nghiệp, đời sống còn khó khăn nên họ hy vọng khi dự án triển khai, đưa vào khai thác sẽ “kéo” cuộc sống họ khấm khá hơn nhưng giờ tất cả đều vỡ mộng”, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Sơn Viên chua chát.
Cũng theo ông Dũng, mong muốn của người dân là khi họ đã chấp thuận bàn giao đất dự án sẽ nhanh chóng được thi công nhưng vì chờ mãi vẫn không động tĩnh gì nên người dân phản đối. Bởi, khi dự án không được triển khai không chỉ nguồn tài nguyên bị lãng phí mà cuộc sống người dân càng trở nên khó khăn hơn. “Nhiều hộ dân bàn giao đất sản xuất, nhà ở đến khi dự án “phủ bạt” họ lại quay về canh tác, sinh hoạt nhưng lại không dám đầu tư đẩy mạnh sản xuất cũng như xây dựng nhà cửa kiên cố hơn do không biết bao giờ doanh nghiệp lại đến lấy đất của họ”, ông Dũng phân trần. Còn ông Đặng Văn Sanh (trú xã Sơn Viên) cho hay: “Gia đình tôi cũng nằm trong diện giải tỏa và đã nhận tiền đền bù. Tuy vậy, không hiểu sao doanh nghiệp vẫn không có động thái gì nên tôi quay về tiếp tục sản xuất. Cái khó là vì bây giờ đất là của người ta nên mình cứ thấp thỏm, không dám đầu tư vì không biết bao giờ lại bị thu hồi”. Không những thế, với nguồn nước khoáng nóng tự nhiên đến 80 độ C không được đưa vào phục vụ du lịch nên người dân tận dụng để giết mổ gia súc gây cảnh nhếch nhác, tồn tại ô nhiễm môi trường rất khó kiểm soát.
Dự án du lịch sinh thái giờ trở thành cánh đồng cằn cỗi. |
Trên thực tế, nguồn nước khoáng nóng tại xã Sơn Viên được thiên nhiên ban tặng do người dân phát hiện từ rất lâu. Tại đây, đã có một đơn vị đầu tư xây dựng hai bể chứa nước liền kề rộng khoảng 20m2 từ nhiều năm trước. Với nguồn nước nóng sôi và bốc hơi liên tục nên nơi này được nhiều đơn vị đưa vào “tầm ngắm” biến thành khu Resort nghĩ dưỡng và spa suối nước nóng mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Nhưng rồi, do dự án treo, hiện tại nơi đây vẫn chỉ là một cánh đồng cằn cỗi, hai bể chứa nước đầy củi mục, cuộc sống người dân xung quanh lâm cảnh khó khăn.
Trước tồn tại trên, UBND H. Nông Sơn đã nhiều lần mời đại diện Cty Sông Hàn lên làm việc, đốc thúc; UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã gia hạn thời gian thuê đất cho Cty nhưng việc khởi công xây dựng vẫn chây ì, chưa có dấu hiệu triển khai. Hiện, có nhiều doanh nghiệp khác quan tâm đề xuất triển khai dự án với địa phương, UBND H. Nông Sơn cũng đã có đề xuất gửi Sở TN&MT, UBND tỉnh Quảng Nam nhưng chưa có phản hồi. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cty Sông Hàn cho hay không có bất cập, khó khăn gì trong quá trình tiến hành đền bù giải tỏa. Bởi, thực tế thì người dân và chính quyền địa phương luôn ủng hộ. Tuy nhiên, đại diện Cty không đưa ra lý do vì sao dự án lại bị treo đến hơn 10 năm? Chắc chắn, người dân và chính quyền địa phương cũng rất muốn biết lý do thực sự của vụ “treo” này. Ít ra, họ cũng chờ câu trả lời đó được hơn 10 năm rồi!
PHI NÔNG