Đu dây vượt sông dữ

Thứ sáu, 01/08/2014 08:00

(Cadn.com.vn) - Tại một số huyện vùng sâu ở tỉnh Đắc Lắc như Buôn Đôn, Krông Bông, hệ thống sông ngòi dày đặc đã chia cắt khu dân cư với khu rẫy. Để lên nương, người dân tự chế tạo hệ thống cáp treo để đu dây qua sông, đe dọa đến tính mạng của người dân nơi đây.

Vừa đu dây vừa run

   Nhiều năm nay, khoảng 2.000 ha rẫy của người dân thôn 7 và 8 (xã Ea Huar, H. Buôn Đôn) nằm bên kia sông Ba Tư. Để qua sông, người dân sáng kiến dùng bộ cáp treo, có cấu tạo gồm sợi dây cáp cố định ở 2 đầu và 1 rọ sắt được nối trực tiếp với dây cáp bằng bánh xe quay. Để qua sông, người dân chỉ việc ngồi trên rọ sắt trượt dài từ đầu dây đến cuối dây.

Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đã có mặt tại xã Ea Huar và chứng kiến mỗi ngày có khoảng 200 lượt người gồm già trẻ, lớn bé đu dây vượt sông đi làm. Anh Phạm Thành Luân (thôn 7, xã Ea Huar) cho biết, sáng kiến đu dây qua sông xuất phát từ "cái khó ló cái khôn". Theo đó, sông Ba Tư rộng khoảng 10m, nước chảy xiết nên người dân không thể bơi thuyền qua, buộc phải góp tiền chế tạo bộ cáp treo để đu dây. "Đu dây qua sông rất nguy hiểm, lỡ đứt dây cáp thì sẽ rơi thẳng xuống sông, rất dễ mất mạng. Biết thế nhưng nếu không đu dây thì không đi làm rẫy được, lúc đó chỉ có chết đói thôi", anh Luân nói.

    Sông Krông Na chảy qua xã Hòa Lễ (H. Krông Bông) chia cách khu rẫy của người dân 2 thôn 3 và 6 (xã Hòa Lễ). Để lên rẫy, người dân cũng sử dụng cách đu dây như xã Ea Huar. Tại thôn 3, hệ thống cáp treo cũng tương tự như ở xã Ea Huar, nhưng ở thôn 6 thì cáp treo có cấu tạo đơn giản hơn. Vẫn có sợi dây cáp cố định ở 2 đầu nhưng không có rọ sắt. Người dân khi sử dụng thì buộc một đầu dây vào người rồi trượt dài trên hệ thống dây cáp.

Theo ông Mai Văn Năm (thôn 3, xã Hòa Lễ): "Lúc đầu mới đu dây, người dân ai cũng lo, người run bần bật, không dám mở mắt nhìn. Cực chẳng đã tôi mới đu dây qua sông, chứ thật tình chẳng ai dám đánh cược tính mạng mà sử dụng cách vượt sông nguy hiểm này đâu". Trung bình có hàng chục người đu dây để vượt sông mỗi ngày, nhưng đến mùa vụ, con số này lên đến hàng trăm người. Không những thế, người dân còn sử dụng cáp treo này để vận chuyển hoa màu.

Hiểm nguy rình rập

Hệ thống cáp treo mà người dân thiết kế để đu qua sông được xây dựng từ khá lâu, phần lớn dây cáp, ốc vít đều đã bị rỉ rét, ăn mòn nghiêm trọng. Những trụ gỗ được chôn ở 2 đầu sông dùng để cố định dây cáp đều đã mục, mềm, rất dễ gãy. Trong lúc mùa mưa lũ đang đến, nước sông càng chảy xiết nên nếu có sự cố đứt cáp, gãy trụ gỗ thì tính mạng người dân sẽ gặp nguy hiểm. Theo một số người dân, tại những điểm vượt sông bằng cách đu dây ở 2 xã Ea Huar và Hòa Lễ nêu trên, đã từng xảy ra những vụ tai nạn gây thương tích cho nhiều người.

Cụ thể, vào tháng 6-2014, anh Tiêu (thôn 7, xã Ea Huar) cùng vợ và con sử dụng cáp treo để đu qua sông. Trong lúc vợ và con anh Tiêu đang đu dây thì bất ngờ dây cáp đứt, khiến 2 mẹ con ngã xuống sông. Anh Tiêu tri hô người dân cùng nhảy xuống sông vớt kịp thời nên nạn nhân may mắn thoát chết. Còn tại thôn 3, xã Hòa Lễ, vào năm 2012 xảy ra vụ đứt cáp khiến ông Nguyễn Ngọc Phương (47 tuổi, trú thôn 2) rơi tõm xuống dòng nước nhưng may mắn được người dân cứu thoát nhưng bị chấn thương lưng, phải nhập viện điều trị. Mất một năm trời, sức khỏe ông Phương mới hồi phục để đi làm trở lại.

Ông Mai Văn Năm nói: "Việc đu dây chỉ là bất đắc dĩ. Thấy nhiều vụ đứt dây cáp khi đu dây, chúng tôi rất sợ. Vào tháng 2-2014, cầu treo Chu Va 6 (xã Sơn Bình, H. Tam Đường, tỉnh Lai Châu) bị sập do đứt cáp treo càng làm chúng tôi lo lắng, thấp thỏm. Tôi lo bây giờ đã đến mùa mưa lũ, nước chảy cuồn cuộn, nếu xảy ra sự cố nữa thì không biết chúng tôi còn sống được nữa không".

  Trao đổi với chúng tôi, cán bộ 2 xã Hòa Lễ và Ea Huar xác nhận việc người dân nhiều năm đánh đu tính mạng để đu dây qua sông. "Việc đu dây rất nguy hiểm, nhưng đó là cách để người dân qua sông thay vì không thể sử dụng thuyền. Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên cấp trên xây dựng cầu nhưng chưa được", ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ nói. Còn ông Nguyễn Duy Tư, Phòng Kế hoạch giao thông thủy lợi xã Ea Huar thiết tha: "Rất muốn có cây cầu để người dân trên địa bàn yên tâm sản xuất, không còn sống cảnh phải thấp thỏm khi đu dây vượt sông nữa".

Hữu Phúc