Du lịch Hội An- nơi gặp gỡ của kinh tế và văn hoá

Thứ sáu, 18/01/2008 00:00

Sự gắn kết văn hoá, du lịch và phát triển kinh tế

(Cadn.com.vn) - Không phải cho đến bây giờ chúng ta mới khẳng định mối liên hệ chặt chẽ, cộng sinh giữa văn hóa và du lịch mà cơ bản vẫn là vấn đề nhận thức. Việc nhận thức chưa đầy đủ về sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch đã làm cho hoạt động kinh tế du lịch Hội An nói riêng và cả nước nói chung chưa phát triển một cách bền vững, thậm chí tiềm ẩn những nguy cơ nếu không kịp thời điều chỉnh. Ngày nay, có nhiều quốc gia nhận thức rằng du lịch đang trở thành yếu tố quan trọng nhất trong đời sống nhân loại. Việc lựa chọn mô hình phát triển của mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều hướng đến du lịch, xem di sản văn hóa là tài sản thật sự trong khai thác kinh tế du lịch.

Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng: du lịch Việt Nam sở dĩ phát triển nhanh và hiệu quả như vậy là nhờ biết khai thác tốt các di sản văn hóa, các giá trị và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Có 70% số du khách cho rằng họ đến Việt Nam vì sự hấp dẫn của văn hóa Việt Nam, muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa truyền thống của các dân tộc. Hấp lực của Hội An đối với du khách chính là phố cổ độc đáo mang đầy đủ hơi thở của cuộc sống mỗi ngày, với những cư dân hiền hòa dễ mến.

Lưu ý nhiều hơn đến hiệu ứng tiêu cực của du lịch

Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã từng cảnh báo: Du lịch sưởi ấm nhà bạn nhưng nó cũng có thể đốt cháy nhà bạn. Đây chính là bài học kinh nghiệm trong khai thác kinh tế du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Du lịch đã tạo nên những điểm nóng về sinh hoạt, tạo nên sự cung cầu lớn hơn bình thường vì vậy sẽ kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường là điều tất yếu. Hội An nổi tiếng là có môi trường xanh, sạch, thế nhưng tại Hội thảo về môi trường Hội An (tháng 8-2006, với sự tham dự của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản), ông Maeda, chuyên gia Nhật Bản cho rằng sông Hội An bẩn hơn sông Hồng và sông Sài Gòn 5 lần. Không những thế, hầu như các bãi tắm, khu du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung đều rơi vào tình trạng ô nhiễm bởi sự thiếu ý thức của khách du lịch cũng như thiếu trách nhiệm của chính quyền và người dân địa phương.

Một dạng thức ô nhiễm khác, trầm trọng và nguy hiểm hơn là ô nhiễm môi trường xã hội. Có những mâu thuẫn nhất định khi tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm, ma túy tăng theo tỷ lệ thuận với phát triển du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà điều tra xã hội học gần đây cho thấy người dân rất quan tâm về vấn đề này. Đây là bài toán khó giải bởi không phải bất cứ nhu cầu nào của “thượng đế” cũng lành mạnh. Đây cũng là vấn đề mà các nhà quản lý văn hóa, xã hội không thể tránh né mà phải có cách để can thiệp. Một số người cho rằng TX Hội An đã từng quét sạch tệ nạn xã hội, làm lành mạnh, trong sạch môi trường nhưng điều đó lại “đánh mất nguồn thu”! Tuy nhiên, nhất thiết không thể vì thế mà đánh mất thương hiệu Hội An - Thị xã Văn hóa đầu tiên trong cả nước, một trong những môi trường văn hóa lành mạnh và trong sạch nhất của cả nước.

Hoạt động kinh tế du lịch không chỉ gây ô nhiễm môi trường tự nhiên và xã hội mà trong sâu xa còn làm biến đổi lối sống. Bên cạnh sự vận động tích cực của lối sống như tính năng động, nhạy bén với cái mới thì sự lây nhiễm các lối sống thực dụng, lai căng, hiện sinh ngày càng phát triển, đặc biệt là giới trẻ. Các tụ điểm du lịch không chỉ là nơi gặp gỡ, cọ xát của các khuôn mẫu ứng xử mà còn là môi trường để một số người trục lợi, chèo kéo, nâng giá vì lợi nhuận từ đó sản sinh ra lối sống giả dối. Một điều đáng quan tâm hơn nữa là, hoạt động du lịch tạo ra sự giao lưu văn hóa thường xuyên mà ở đó có thể học tập được nhiều điều tốt nhưng cũng có thể đánh mất bản sắc. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc đã bị biến thái do thương mại hóa, do chiều theo ý muốn của du khách. Chẳng hạn lễ hội Bà Thu Bồn ở Quảng Nam đã bị biến đổi khá nhiều do có sự can thiệp quá sâu của địa phương. Đặc biệt, ở Hội An hiện nay, do tính chất thương mại mà chủ nhân của những ngôi nhà cổ không còn gắn bó với ngôi nhà mình nữa, hoặc họ bị lạc lõng, cô đơn ngay trong ngôi nhà của chính mình.

Bản sắc Hội An và những câu hỏi về sự phát triển

Đây là nỗi băn khoăn của tất cả những ai quan tâm đến Hội An, bởi lẽ không có những thành tựu nào không đi liền với những biến đổi và sự mất mát văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể. Có một người bạn phàn nàn với tôi về việc không xây được bức tường rào bằng gạch thay cho hàng chè tàu trong khuôn viên của nhà mình để bảo vệ tài sản vì cán bộ văn hóa và quy tắc đô thị Hội An không đồng ý. Câu hỏi đặt ra là vẫn chưa có tiếng nói chung giữa người dân với chính quyền ở những khía cạnh nhỏ nhất để đừng dẫn đến sự ngộ nhận trong nhân dân rằng chính di sản văn hóa Hội An “cản trở” sự phát triển. Trường hợp này ở Hội An không nhiều như Huế - khi người dân than phiền là không có nhiều cơ hội xây dựng và bày biện cho ngôi nhà của mình; không đến độ một lãnh đạo đã tuyên bố sẽ xin rút khỏi sự công nhận di sản văn hóa như Khánh Hòa. Nhưng những tình huống đó đã vô tình làm méo mó tính tích cực của văn hóa với tư cách là động lực của sự phát triển - điều mà Đảng ta đã khẳng định trong Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII).

Những sự kiện và tình huống đó cho chúng ta có cái nhìn đúng và xa hơn trong trường hợp Hội An khi đưa ra vấn đề: Ai sẽ hưởng lợi từ di sản? Người dân bản địa có bị đẩy ra ngoài không khi trong lịch sử, họ chính là chủ nhân, là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa Hội An? Hằng năm, du lịch Hội An đạt được nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhưng điều quan trọng là tâm trạng của người dân ở đó ra sao, họ nghĩ gì khi những người “xa lạ”, những “đại gia” với sức mạnh của tiền bạc từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh về Hội An kinh doanh, mua bán đất đai đã và đang từng bước đẩy người dân bản địa ra xa hơn, từng bước tách dần khỏi môi trường văn hóa Hội An và chia cắt các giá trị văn hóa phi vật thể. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ phần hồn của di tích Hội An có nguy cơ bị khô kiệt.

 

Đêm khai mạc lễ hội "Hành trình di sản văn hoá Quảng Nam" tại Hội An. Ảnh: Xuân Quảng

 

Có một thực tế là mọi hoạt động du lịch đều hướng đến “thượng đế” để tăng lợi nhuận, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Hội An không quan tâm đến cộng đồng dân cư bản địa với tư cách là những người đã sáng tạo và lưu giữ văn hóa Hội An và lẽ ra họ phải được hưởng thụ những giá trị văn hóa đó? Một điều có vẻ như nghịch lý là người Hội An sẽ mơ hồ về vốn văn hóa của mình nếu như chính quyền sở tại không có kế hoạch tuyên truyền, quảng  bá, chuyển giao, bồi đắp những tri thức và giá trị văn hóa. Một nghịch lý khác là những người kinh doanh ở Hội An, vì trượt theo quán tính phục vụ khách du lịch, đặc biệt là cứ tưởng ai cũng là... khách quốc tế cho nên nâng giá các sản phẩm văn hóa, các mặt hàng mỹ nghệ khiến cho khách nội địa không có nhiều cơ hội để tiếp cận các sản phẩm văn hóa do chính cộng đồng của họ tạo ra.

Ngay cả việc quy hoạch các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khách sạn ven sông hay dọc bờ biển ở Hội An cũng phải hướng đến người dân địa phương, bởi lẽ nhiều nơi (như Mũi Né - Bình Thuận) đã không tính đến điều này cho nên người dân nghèo bản địa luôn bị thiệt thòi, thậm chí muốn tắm biển phải đi xa hàng ki-lô-mét mới có chỗ để dành cho họ tắm. Đó là lúc họ bắt đầu cảm thấy xa lạ với ngay cả nơi mình đã sinh ra.

Một vấn đề nữa đặt ra trong hoạt động văn hóa du lịch là không nên nhìn bản sắc văn hóa Hội An một cách ngưng đọng với biểu tượng duy nhất là chùa Cầu mà phải tìm kiếm biểu tượng mới mà một trong nhiều cách là vật thể hóa các giá trị văn hóa phi vật thể ở Hội An. Điều này đối với Hội An là rất thuận lợi vì đã có một truyền thống văn hóa đậm đặc và đa dạng. Tại sao Hội An lại không giữ gìn và phát huy bản sắc của mình thông qua việc sáng tạo những kịch bản điện ảnh nói về Hội An, trong đó những cuộc hôn nhân Việt - Nhật trong quá khứ vô cùng thú vị. Chính điện ảnh sẽ mở rộng biên độ bản sắc Hội An và đó là cách để “sức mạnh mềm” trong văn hóa Hội An phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, quá trình vật thể hóa các giá trị văn hóa phi vật thể không phải là một việc làm tùy tiện, mang tính thương mại hóa mà phải thật sự khoa học và đam mê, nếu không sẽ gây phản cảm. Chúng ta nghĩ gì khi một công ty kinh doanh ở Đà Nẵng đã vật thể hóa rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say (phi vật thể) của văn hóa Quảng Nam thành một sản phẩm đồ uống rượu Hồng Đào (vật thể) chưa đạt chất lượng đã làm mất đi sự lung linh của biểu tượng văn hóa Quảng Nam? Những câu hỏi đó là cần thiết cho hành trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Hội An.

T.S Nguyễn Ngọc Hoà

(Trưởng khoa Văn hoá và phát triển Học viện Chính trị khu vực III)