Du lịch Tây Nguyên: Những điều trông thấy (2)

Thứ ba, 14/10/2014 09:05

* Bài 2:  “Căn bệnh trầm kha” tại các điểm du lịch

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm nay, các doanh nghiệp làm du lịch mãi mê kinh doanh mà “bỏ quên” công tác đảm bảo an toàn, khi kinh doanh du lịch sinh thái như để môi trường bị tàn phá nghiêm trọng; tình trạng buôn bán hàng giả tràn lan  làm du khách mất niềm tin, quay lưng.

Tàn phá môi trường

Hơn 1,3 nghìn ha rừng sinh thái giao cho Khu du lịch sinh thái-văn hóa Bản Đôn (xã Krông Na, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc) khai thác du lịch từ năm 2005 nhưng hiện không được quản lý, bảo vệ hợp lý, thường xuyên bị lâm tặc “xẻ thịt” theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”. Trước kia, rừng ở đây được bao phủ bởi hàng loạt cây gỗ quý, to bằng 2, 3 người ôm nay “đốt đuốc” tìm không ra. Vào rừng sinh thái, không khó để phát hiện ra các điểm lâm tặc khai thác gỗ. Cách trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty CP Thương mại-Du lịch Bản Đôn (hiện đã bỏ hoang) khoảng 1km, chúng tôi chứng kiến nhiều cây cà chít, căm xe, giáng hương còn non, đường kính gốc chỉ 15-30 cm bị đốn hạ không thương tiếc. Những cây gỗ bị rỗng ruột, lâm tặc “lỡ” đốn nhưng không sử dụng được thì vứt tràn lan, chắn cả lối đi. Vào khu du lịch nhưng tiếng cưa lốc gầm rú vang vọng giữa núi rừng.

Rừng sinh thái của Khu du lịch sinh thái văn hóa Bản Đôn bị lâm tặc “xẻ thịt”.

Ông Y Thông Khăm Niê Kđăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na bức xúc: “Cty bị tê liệt cả rồi, nhân viên giờ còn mấy người thôi, không có ai quản lý bảo vệ rừng cả. Trong số hơn 1.3 nghìn ha rừng sinh thái được giao quản lý, khai thác thì bị lâm tặc phá gần hết. Những cây gỗ to,  đường kính 50cm trở lên bị “xẻ thịt”, chỉ còn những cây gỗ nhỏ, không có giá trị thì lâm tặc mới tha thôi. Việc phá rừng diễn ra từ nhiều năm nay nhưng Cty bất lực, không có biện pháp ngăn chặn. Cty liên tục cầu cứu xã phối hợp bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng năm 2013, CAX Krông Na phối hợp với kiểm lâm huyện bắt 4 vụ khai thác gỗ trái phép”. Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng VH-TT H. Buôn Đôn “tiếc đứt ruột”: “Trước kia khu rừng này tái sinh rất tốt, rất đẹp, còn bây giờ thì... tan hoang, ảnh hưởng rất lớn đến du lịch”.

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở buôn Trí A, xã Krông Na, H. Buôn Đôn nhiều năm nay sử dụng nước sông Sêrêpốk chảy qua để sinh hoạt phải “kêu trời” vì rác thải từ Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na) đổ xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước, đe dọa đến sức khỏe. Trung tâm du lịch còn được giao quản lý hồ Ea Rông (xã Krông Na) để khai thác du lịch nhưng nhiều năm nay vẫn chưa sử dụng khiến cỏ, rác mọc um tùm, gây mất vệ sinh cảnh quan môi trường.

Du lịch mất an toàn

Thác Thủy Tiên (H. Krông Năng, Đắc Lắc) “hung dữ”, nước sâu, lại chảy cuồn cuộn qua nhiều ghềnh thác nhấp nhô nhưng đơn vị quản lý lại không treo biển cảnh báo, chỉ dẫn cho du khách. Điểm du lịch này cũng “bỏ quên” công tác cứu hộ, cứu nạn khi không bố trí một nhân viên cứu hộ nào túc trực để phòng trường hợp xấu xảy ra. Trên thực tế, từ năm 2014 đến nay, tại các điểm du lịch ở Đắc Lắc đã xảy ra ít nhất 4 vụ đuối nước khiến 6 người tử nạn. Tại Khu du lịch thác Krông K’mar (H. Krông Bông) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý xảy ra 2 vụ khiến 3 người tử nạn. Tại khu du lịch thác Dray Nur (xã Dray Sáp, H. Krông Ana), do Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê quản lý xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 3 du khách. Không lâu sau đó, khu du lịch đã phải đóng cửa để cải tạo. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn tại các khu du lịch.

Nhiều cầu treo ở khu du lịch chưa đảm bảo an toàn cho du khách.

Tại các điểm du lịch ở H. Buôn Đôn như Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (buôn N’dếch, xã Ea Huar), Trung tâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na), một trong các hình thức kinh doanh du lịch hút khách là hệ thống cầu treo. Thế nhưng cầu treo xây dựng rất tạm bợ, được bắt qua những cây si. Theo quan sát của chúng tôi, những thanh tre, gỗ để làm cầu treo hiện đã cũ kĩ, dễ gãy, dây cáp treo thì gỉ sét..., chưa đảm bảo an toàn. Cầu treo đông khách tham quan, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ chẳng thua kém sự cố sập cầu treo Chu Va 6 (H. Tam Đường, Lai Châu).

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch- Sở VH-TT&DL Đắc Lắc, trước kia, các đơn vị quản lý du lịch ở H. Buôn Đôn chỉ xây dựng cầu treo dựa trên kinh nghiệm. Qua kiểm tra thực tế, thấy 2 cầu treo này chưa an toàn nên Sở đã đề nghị 2 đơn vị quản lý sửa chữa cho đúng quy trình, kỹ thuật xây dựng cầu treo hiện đại.

Hàng giả tràn lan

Trong vai khách du lịch, chúng tôi xâm nhập vào các quầy bán hàng lưu niệm cạnh Trung trâm du lịch Buôn Đôn (buôn Trí A, xã Krông Na), tận mắt chứng kiến tình trạng buôn bán hàng giả diễn ra tràn lan. Khu du lịch này có hàng chục quầy nhưng chỗ nào cũng bán lông đuôi voi, thậm chí cả... đuôi voi. Mỗi sợi lông đuôi voi được bán với giá dao động từ 200 nghìn đồng, còn đuôi voi được bán với giá hơn 3 triệu đồng.

Các quầy hàng lưu niệm bày bán lông đuôi voi giả,
khiến du khách mất niềm tin.

Một chủ tiệm bán đồ lưu niệm chào mời: “Mua lông đuôi voi đi em, chỗ anh bán đồ thật thôi, mua bao nhiêu cũng có hết”. Nói rồi, chủ tiệm cầm một nắm gần 100 sợi lông đuôi voi đưa khách xem. Khi chúng tôi cầm sợi lông đuôi voi bỏ vào nước để kiểm tra tính thật giả thì chủ tiệm vội vàng ngăn cản, rồi tìm cách “đuổi khéo”... Ông Nguyễn Đức, Trưởng bộ phận Trung tâm du lịch Buôn Đôn thừa nhận rất nhiều quầy bán lông đuôi voi giả nhưng Cty cũng bất lực.

Theo ông Đức, từ khi xây dựng khu du lịch ở đây, Cty chỉ kinh doanh các hoạt động như nhà hàng, cầu treo, cưỡi voi, còn những tiệm bán đồ lưu niệm bên cạnh là do người dân địa phương tự đầu tư nên Cty không thể kiểm soát được. “Việc buôn bán hàng giả du khách cũng có phản ánh với chúng tôi. Họ rất thất vọng, mất niềm tin khi mua hàng giả. Dù không bán nhưng đơn vị kinh doanh như chúng tôi phải chịu vạ lây, khách du lịch quay lưng. Biết thế nhưng chúng tôi chẳng làm gì hơn”, ông Đức nói.

Hữu Phúc
(còn tiếp)