Đưa cây dược liệu thoát khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt

Thứ bảy, 06/08/2016 12:16

(Cadn.com.vn) - Đó là một trong những nội dung chính được đề cập tại hội thảo Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y - dược do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 5-8.

Nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ bị mất hẳn

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 832 loại dược liệu thuộc 593 chi, 190 họ thực vật, trong đó có 36 loại cây thuốc hiện nằm trong "Sách Đỏ Việt Nam", đáng chú ý là: sâm Ngọc Linh, Ba kích, Bảy lá một hoa, Châu thụ, Hoàng liên ô rô, Ngân đằng, Ngũ gia bì gai, Lan Kim tuyến... Trong số 832 loại đã xác định được tên khoa học, tập trung phân bố tự nhiên chủ yếu ở các huyện miền núi như: Đông Giang - Tây Giang (695 loại), Nam Giang (684 loài), Phước Sơn (660 loài), Bắc Trà My - Nam Trà My (710 loài), Tiên Phước (643 loài), Hiệp Đức (621 loài) và các huyện còn lại có khoảng hơn 140 loài. Đặc biệt, qua các đợt điều tra về dược liệu gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện thêm 4 loại cây thuốc chưa có tên trong hệ thực vật Việt Nam (theo tiếng Cơ Tu) và Ba chạc lá đỏ. Trong số loại cây thuốc đã phát hiện, có tới hơn 60% số loài mọc tự nhiên trong các quần xã rừng, đồi, nương rẫy và quanh làng bản...

Về tiềm năng cung cấp dược liệu sử dụng trong y học cổ truyền, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 43 loài và nhóm loại là những cây thuốc được sử dụng phổ biến, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, được xếp vào một trong 4 cây sâm quý nhất trên thế giới (sâm Mỹ, sâm Hàn Quốc, sâm Triều Tiên, sâm Việt Nam), đã được các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao không những về giá trị kinh tế, mà còn có giá trị rất lớn trong y - dược học. Với tiềm năng và giá trị lớn, nhu cầu sử dụng cây dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng  ngày càng tăng, thúc đẩy khai thác cạn kiệt, dẫn tới nguồn nguyên liệu tự nhiên  đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loại quý có nguy cơ bị mất hẳn do sử dụng rừng và đất để canh tác không hợp lý, khai thác bừa bãi, tự phát trong khi việc đầu tư, khuyến khích bảo tồn, gây trồng, phát triển chưa được quan tâm đúng mức đã làm suy giảm nhanh số lượng và thành phần loại cây thuốc.

Theo dược sĩ Đào Kim Long, việc khai thác mua bán và sử dụng tràn lan chưa có quy định quản lý, bảo vệ cùng các chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển khiến vùng sâm tự nhiên của tỉnh Quảng Nam dần cạn kiệt, kéo theo hàng ngàn héc-ta rừng nguyên sinh bị tàn phá nặng nề...

Sâm Ngọc Linh tại H. Nam Trà My được người dân thu hoạch.

Cây sâm Ngọc Linh dần được khôi phục

Trước nguy cơ tuyệt chủng của giống sâm quý, Chính phủ đã quyết định thành lập vùng cấm quốc gia ở khu vực có sâm mọc tập trung tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, đồng thời xếp sâm Ngọc Linh vào danh mục những cây thuốc quý cấm khai thác và buôn bán. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành "Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020" nhằm tập trung bảo tồn chủ động gen, sản xuất cây giống và phát triển cây dược liệu, đưa cây dược liệu thoát khỏi nguy cơ khai thác cạn kiệt và biến nó trở thành cây hàng hóa có lợi thế cạnh tranh cao nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc vùng cao.

Trước mắt, tỉnh Quảng Nam tập trung quy hoạch bảo tồn và phát triển 3 loại cây dược liệu như: Đảng sâm, Sa nhân, Ba kích tím. Theo đó, đến năm 2020, diện tích phát triển cây Ba kích là 405 ha, Sa nhân  là 210 ha và Đảng sâm là 400 ha. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát triển cây sâm. Trước đây, cây sâm được nhân trồng tại những vùng phân bố tự nhiên trên đai cao từ 1.500 m trở lên tại các thôn 2, 3, 4 của xã Trà Linh (H. Nam Trà My). Hiện nay đã được nhân dân trong vùng và trạm dược liệu Trà Linh trồng thành công dưới tán rừng tại khu vực 7 thôn thuộc 3 xã: Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang (H. Nam Trà My) từ độ cao từ 1.500 m trở lên, cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt, có thể nhân rộng trên thực tế trong vùng. Riêng 3 thôn tại xã Trà Linh đã có một số diện tích trồng sâm cho thu hoạch với chất lượng sâm tương đối tốt. Diện tích trồng sâm tại H. Nam Trà My hiện này hơn 65 ha.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng sâm. Bên cạnh đó, quy mô hiện vẫn còn nhỏ, số lượng ít, chưa hình thành được vùng sâm nguyên liệu ổn định, sản phẩm làm ra ít về chủng loại và số lượng. Đồng thời, chưa có cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu cũng như chưa đầu tư xây dựng được nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu… Vì vậy, để phát triển cây dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng thành cây hàng hóa chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, ông Tích cho rằng, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung rà soát, sớm ban hành các cơ chế, chính sách đòn bẩy, đột phá như tạo đầu ra cho dược liệu, các sản phẩm, thuốc từ dược liệu... Đồng thời, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về sử dụng rừng, đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn, giống, kỹ thuật công nghệ. Cũng như, thực hiện liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) để giải quyết đầu ra cho sản phẩm và hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng khép kín. Đặc biệt, tăng cường đầu tư tiềm lực KH&CN, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo đủ trình độ, năng lực tiếp cận các công nghệ mới, các công nghệ tiên tiến, tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn, sản xuất giống cây trồng mới ở quy mô lớn, nghiên cứu di thực mở rộng vùng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa bền vững, chú trọng bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm. Xây dựng thành công thương hiệu sâm Việt Nam cùng với việc xây dựng quy trình sản xuất các mặt hàng thuốc có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh để tạo nên dược phẩm đặc hiệu quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam và cả nước.

Lê Hùng