Đưa khu du lịch quốc gia Sơn Trà lên đẳng cấp cao

Thứ năm, 16/02/2017 07:57

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-2, tại Đà Nẵng, ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển theo quy hoạch là đến năm 2030, đây sẽ là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của cả nước và là điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.

Một góc KDLQG Sơn Trà.  Ảnh: Lê Hải Sơn

Khai thác, quản lý tài nguyên sinh thái

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng đến phát triển KDLQG Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng biển cao cấp phục vụ thị trường có khả năng chi trả cao và du lịch văn hóa – tâm linh. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân đồng thời kết nối chặt chẽ để khai thác tiềm năng của các khu vực khác như Ngũ Hành Sơn, Bắc Hải Vân, Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Hội An (Quảng Nam). Quy hoạch tổng thể cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025, KDLQG Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 1.900 tỷ đồng. Đến năm 2030 đón trên 4,6 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 4.300 tỷ đồng.

Theo định hướng phát triển, KDLQG Sơn Trà sẽ có 3 trung tâm dịch vụ với 3 trục tiếp cận gồm: Trung tâm đón tiếp và lưu trú Hồ Xanh – Bãi Bụt, Trung tâm Diễn giải môi trường, du lịch sinh thái đỉnh Bàn Cờ - đường Yết Kiêu và Trung tâm dịch vụ du lịch, nhà hàng tại khu vực Tiên Sa. Đến năm 2030, tại đây sẽ có đầy đủ trung tâm lưu trú, cụm nghỉ dưỡng, khu biệt thự, nhà nghỉ sinh thái đẳng cấp với quy mô khoảng 1.600 phòng. Các khu chức năng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí như vườn hoa, vườn sim, khu cứu hộ động vật hoang dã, vọng cảnh, câu cá, cắm trại, lặn biển... cũng sẽ được tập trung đầu tư phát triển để tận dụng những lợi thế rừng, biển, sông của bán đảo Sơn Trà. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng và các bộ ngành huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển KDLQG Sơn Trà, bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế. Trong đó ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào phân khu chức năng theo quy hoạch để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian du lịch tại KDLQG Sơn Trà. 

Đảm bảo môi trường và an ninh quốc phòng

Quyết định số 2163/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký đặc biệt quan tâm đến các giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường đối với Sơn Trà trong lộ trình xây dựng đủ các tiêu chí của KDLQG đến năm 2025. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch quản lý môi trường, hệ thống tiêu chí đánh giá tác động và thực hiện việc theo dõi, giám sát thường xuyên các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch để kịp thời có các biện pháp điều chỉnh. Cạnh đó là chú trọng công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên, bảo vệ và phát triển nguồn gen bản địa tại vườn thực vật, khu cứu hộ động vật và vườn thú bán hoang dã, các điểm san hô đồng thời đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng không tái tạo và nước ngọt. Đối với các hoạt động du lịch có khả năng gây tác động tới môi trường tự nhiên cao, chỉ tổ chức tại các khu vực được phép, tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường và chỉ được thực hiện với sự cho phép và giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý KDLQG. 

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các dự án đầu tư phát triển du lịch ở khu vực bán đảo Sơn Trà chỉ được sử dụng nguồn vốn trong nước. Riêng các dự án xây dựng, đặc biệt là các công trình kiên cố, chỉ được xây dựng ở độ cao dưới 200m. Các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế, dự án khả thi cần xin ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi phê duyệt và triển khai. “Phải xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà, chính quyền địa phương với các đơn vị an ninh, quốc phòng có liên quan trong quá trình lập dự án, đầu tư và tổ chức các hoạt động du lịch. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra”, Quyết định nêu rõ.

Theo ông Hà Văn Siêu, KDLQG Sơn Trà là một trong 47 KDLQG theo quy hoạch tổng thể của du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp với giá trị đặc sắc về môi trường rừng, sông, biển gắn với đô thị. KDLQG Sơn Trà hội tụ được những giá trị tinh túy nhất của văn hóa Đà Nẵng cũng như miền Trung với xu hướng của phát triển du lịch song song với bảo vệ môi trường, phát huy những giá trị văn hóa bản địa.

Khi có quy hoạch, không những xóa được tình trạng tự phát, manh mún, thiếu bền vững mà còn đưa du lịch của Đà Nẵng lên một đẳng cấp cao. Ông Siêu cũng cho rằng, Đà Nẵng cần có chương trình hành động để quảng bá cho du lịch Sơn Trà đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề an ninh, quốc phòng cũng như đảm bảo tính bền vững, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, động vật hoang dã. Trong khi đó, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, Đà Nẵng sẽ cùng các bộ ngành thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Sơn Trà theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ được yếu tố vĩnh hằng. Vì bán đảo Sơn Trà là tài sản quý giá của người dân Đà Nẵng không phải hôm nay mà cho cả mai sau.

Công Khanh