Đừng “đánh thức” hạt nhân!

Thứ sáu, 03/03/2017 10:35

(Cadn.com.vn) - Những lời kêu gọi “đánh thức” hạt nhân gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Nga cảnh giác và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gây ra cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu chạy đua vũ trang mới giữa Washington và Moscow.

Tổng thống Trump, trong cuộc phỏng vấn mới đây tại Phòng Bầu dục, tỏ ra không hài lòng về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược START mới (START-II). Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, START mới chỉ mang tính “một chiều” và là “một thỏa thuận xấu” cho Washington. Nhà lãnh đạo này còn tuyên bố muốn đảm bảo kho vũ khí hạt nhân của Mỹ “ở hàng đầu trong các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”.

START mới được Mỹ và Nga ký kết năm 2010. Sau khi Thượng viện Mỹ và Quốc hội Nga phê chuẩn, hiệp ước có hiệu lực vào năm 2011. Theo hiệp ước này, hai nước đồng ý cắt giảm số đầu đạn hạt nhân được triển khai xuống còn 1.550 và số lượng tên lửa và máy bay ném bom được triển khai xuống 700. Hiệp ước dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2021 và có thể được gia hạn thêm thời gian không quá 5 năm.

Nếu Mỹ từ bỏ sự cân bằng quyền lực hạt nhân vốn đã được các chính quyền tiền nhiệm thông qua và dùng nó để tìm kiếm lợi thế đơn phương, chính nó sẽ khiến quan hệ Mỹ-Nga thêm phức tạp và có nguy cơ đẩy mọi thứ xuống đáy vực thẳm. Thật sự, nếu Washington nghĩ đến việc tìm kiếm vị thế thống trị trong lĩnh vực hạt nhân, nguy cơ Chiến tranh Lạnh hay chạy đua vũ trang sẽ không thể tránh khỏi.

Dù vẫn có ánh nhìn lạc quan hơn về vấn đề này, nhất là khi ông Trump luôn chủ trương tiến đến mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga, nhưng xét cho cùng, cho đến nay, ông Trump vẫn chưa hề lên kế hoạch cho một cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Thực thế cho thấy, thái độ của Tổng thống Trump đối với Nga thay đổi khá nhiều sau khi ông nhậm chức. Bị ảnh hưởng bởi sự cố của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn, người đã từ chức vì không trung thực về thông tin liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Trump cảm nhận được sức đề kháng mạnh mẽ trong giới tinh hoa chính trị của Mỹ về vấn đề cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.

Và có lẽ, ông hiểu rõ, nếu không điều chỉnh, triều đại của ông sẽ vướng phải nhiều thử thách nghiêm trọng. Nhưng xem ra, ông chủ mới này cần xem lại hướng đi của mình trong vấn đề hạt nhân với Nga.

Thanh Văn