Đừng đấu tranh với cái sai này bằng cách bảo vệ một cái sai khác!

Thứ năm, 06/10/2022 11:49
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên trên địa bàn cả nước nói chung, ở các địa phương nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp. Các hình thức phạm tội cũng như hành vi vi phạm ngày càng đa dạng, manh động, nguy hiểm khiến dư luận không khỏi lo lắng, bất an. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự và gióng lên hồi chuông báo động về trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội trong việc chung tay phòng ngừa, góp phần đẩy lùi tội phạm ở lứa tuổi này.

Nhóm thanh thiếu niên chở 3 (trong đó có 2 em đang là học sinh lớp 9) với hàng loạt vi phạm bị Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) phát hiện, bắt giữ

Trở lại câu chuyện vừa mới xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng, khi clip ghi hình ảnh 4 cảnh sát có hành vi “tác động vật lý” vào 2 thanh niên vi phạm được tung lên mạng xã hội và sau đó lan truyền nhanh hơn cả “tốc độ ánh sáng”. Clip khiến cho dư luận bức xúc và tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt trên các diễn đàn. Rất nhiều người đã bày tỏ thái độ phẫn nộ và đặt câu hỏi tại sao 4 cảnh sát lại thẳng thừng “ra tay” như vậy? Bởi một lẽ đương nhiên, họ thừa biết hành xử như trên là vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, các nội quy của Ngành Công an và cả luật pháp.

Sau khi clip được tung lên mạng, Công an tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và làm rõ vụ việc. Theo đó, trước khi xảy ra sự việc như trong clip thì Tổ công tác này đã ra hiệu yêu cầu các thanh niên dừng xe, tuy nhiên, 2 bạn trẻ này không những không chấp hành mà cố tình “thông chốt” bỏ chạy và tạo ra một cuộc rượt đuổi kéo dài tới 30km. Trong quá trình bỏ chạy, 2 thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí còn lạng lách, đánh võng…

Vụ việc được làm rõ, Công an tỉnh Sóc Trăng đã ngay lập tức tước quân tịch của 3 người trực tiếp thực hiện hành vi sai phạm, người còn lại thì bị kỷ luật cảnh cáo – một hình thức kỷ luật khá nghiêm minh của Ngành Công an (khi nhận hình thức kỷ luật này, trong năm đó sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và không được nâng lương, không thăng cấp bậc hàm). Ngoài ra, còn có 1 người khác không có mặt trong vụ việc nhưng là Đội phó và là Tổ trưởng phụ trách tổ công tác cũng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Đội phó, giáng xuống làm cán bộ và lý do mà Công an tỉnh Sóc Trăng đưa ra là người này đã không kịp thời ngăn chặn vụ việc. Với 3 người bị tước quân tịch, đồng nghĩa với sự nghiệp chính trị của họ đã đặt dấu chấm hết. Vậy là, từ một vị trí công việc mà nhiều người mơ ước, mất rất nhiều năm để phấn đấu và nhiều sự cố gắng, các anh đã không còn gì, trở thành một người dân bình thường. Nhiều người cho rằng, đây là mức kỷ luật xứng đáng, và đó là cái giá mà các anh phải trả.

Tối ngày 1-10, Công an Tiền Giang mật phục bắt giữ hàng chục đối tượng có hành vi chặn xe trên tuyến đường tỉnh để tổ chức, cổ vũ đua xe trái phép.

Qua theo dõi vụ việc, có một điều mà người viết nhận thấy, đó là rất nhiều, và có thể nói là phần lớn người dân bên cạnh việc tập trung chỉ trích hành vi của 4 cảnh sát, thì cùng với đó là tỏ thái độ bênh vực 2 nam thanh thiếu niên kia. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan thì 2 bạn này không phải là không có lỗi, thậm chí đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 4 cảnh sát có hành động thiếu chuẩn mực nói trên.

Nhiều người nghĩ rằng, việc mình bênh vực 2 thanh niên là bảo vệ lẽ phải, nhưng điều này có thể vô tình gây ra một mối nguy hiểm khác cho chính 2 thanh niên kia, thậm chí là cho cả xã hội. Bởi, mọi người đang đấu tranh với một cái sai bằng cách bảo vệ một cái sai khác. Cái sai của 2 thanh niên kia dù là nhỏ hơn cũng vẫn là sai, mà cái sai này thì thường dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, có rất nhiều ví dụ cụ thể để minh chứng khi hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được đọc, xem và nghe rất nhiều thông tin, hình ảnh, clip thanh thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí cố tình “thông chốt”. “Thông chốt” là lối nói lóng lâu nay giới trẻ thường dùng để chỉ hành động trốn tránh trạm, chốt kiểm soát của lực lượng chức năng, trong trường hợp này 2 thanh niên đang trốn tránh lực lượng cảnh sát. Đây là hành vi rất nguy hiểm đối với cả người điều khiển phương tiện và lực lượng làm nhiệm vụ.

Mới đây nhất, một đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh vụ tai nạn đau lòng được cho là xảy ra tại Hải Phòng. Theo đó, camera ghi lại cảnh một người phụ nữ từ nhà sang bên kia đường để vứt rác. Sau đó, khi định sang đường để về nhà, trong lúc người phụ nữ đang đứng yên để quan sát thì bất ngờ có 2 thanh niên đi xe tốc độ nhanh tông thẳng vào khiến người phụ nữ này tử vong vì bị thương quá nặng.

Trường hợp những thanh thiếu niên điều khiển xe phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí là khi chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy vẫn bất chấp tham gia giao thông và gây tai nạn cho người đi đường hoặc làm chính mình bị thương không phải ít. Đơn cử như tại Đà Nẵng, vào lúc 20 giờ 20 phút ngày 4-10 vừa qua, Công an quận Hải Châu trong quá trình tuần tra đã phát hiện 7 xe máy do 1 nhóm thanh thiếu niên điều khiển lưu thông trên đường nhưng tất cả đều không đội mũ bảo hiểm, lại chở 3 người ngồi trên xe. Tiến hành truy đuổi, lực lượng Công an bắt giữ được 1 xe chở 3, trong đó có 2 em đang là học sinh đang học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Hành vi vi phạm của 3 thanh thiếu niên này sau đó được Công an liệt kê ra hàng loạt, như: điều khiển xe chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe không có gương chiếu hậu bên trái, không có giấy đăng ký xe và không chấp hành hiệu lệnh người kiểm tra… Nói để thấy, nếu chúng ta không lên án những hành vi “thông chốt”, bỏ chạy khi bị dừng xe thì hậu quả sẽ rất khó lường. Trước mắt là gây nguy hiểm cho chính bản thân những người điều khiển, lớn hơn, hành vi này còn gây nguy hiểm cho cả người đi đường khác. Các bạn thử hình dung xem, vào một ngày “xấu trời” nào đó, bản thân mình hoặc người nhà bị một đối tượng nào đó phóng nhanh vượt ẩu, “bốc đầu xe” rồi lao thẳng vào gây tai nạn, thương tích thì sao?

Trở lại với vụ việc tai Sóc Trăng, sòng phẳng mà nói, chúng ta cần phải lên án cả hai bên. Bởi, giả sử khi phát hiện 2 thanh niên kia vi phạm mà 4 cảnh sát không đuổi theo thì chẳng có pháp luật nào xử 2 thanh niên kia hết. Trong trường hợp này, “thông chốt” thành công là không bị bắt, mà không bị bắt có nghĩa là không có tội?!

N.H