Dừng tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động: Nên hay không?
Ngày 6-11-2017, tại phiên họp Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Từ nội dung trên có nhiều luồng ý kiến khác nhau, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có những ghi nhận về vấn đề này...
Một phiên tòa lưu động tổ chức tại xã Hòa Phong (H. Hòa Vang, Đà Nẵng). |
Có thể thấy rằng, trong những năm qua không thể phủ nhận việc thông qua công tác xét xử lưu động người dân, đặc biệt là người dân các vùng sâu, vùng xa có điều kiện hiểu biết thêm nhiều về pháp luật. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, thời gian qua, ngành tòa án đã tích cực triển khai các phiên tòa xét xử lưu động, chỉ riêng năm 2017 đã có đến 9.029 phiên tòa xét xử lưu động. Chính vì thấy rằng việc đem các vụ án ra xét xử lưu động là cần thiết, bà Nguyễn Thị Lành (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho hay: “Người dân không phải ai cũng có điều kiện đến các tòa để tham dự. Đặc biệt là những vụ án lớn, án nghiêm trọng cần phải đem ra xét xử lưu động để những đối tượng quậy phá trên địa bàn nhìn vào đó làm gương; những người chưa rõ về pháp luật thì cũng từ đó mà “ngộ” ra. Thực tế, có rất nhiều người vi phạm pháp luật đến khi ra tòa mới biết vì sao mình phạm tội, như mấy trường hợp bị khép tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”... nếu không hiểu biết thì rất dễ phạm tội. Việc xét xử lưu động công khai còn thể hiện quyền uy nghiêm minh của pháp luật và bảo đảm tính công khai, minh bạch”... Với đa số người dân khi được hỏi, họ đều cho rằng thường một vụ án đưa ra xét xử lưu động được tổ chức tại địa bàn xảy ra tội phạm sẽ thu hút được đông đảo người dân tham dự. Khi tham gia những phiên tòa này, họ sẽ được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đặc biệt, trực tiếp được nghe KSV tranh luận, được nghe HĐXX đánh giá, phân tích những hành vi nguy hiểm, thủ đoạn của tội phạm... có thêm kiến thức cho bản thân, từ đó có kinh nghiệm thực tiễn để đấu tranh bảo vệ cái tốt. Để đưa ra dẫn chứng cho ý kiến của mình ông Nguyễn Trần Huy (xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) nói đến vụ án bị cáo Võ Thành Tân (Hòa Vang, Đà Nẵng) bị TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử lưu động về tội "Giết người" thu hút hàng ngàn người dự khán. Theo ông Huy việc xét xử lưu động rất tốt, đó là cơ hội cho bà con hiểu thêm được những hành vi vi phạm pháp luật đều bị trừng trị nghiêm khắc. Nếu không tham dự phiên tòa này thì nhiều người sẽ không biết hành vi của hai bị cáo còn lại trong vụ án phạm tội không tố giác tội phạm... và phải chịu một hình phạt nặng. Việc tuyên truyền lồng ghép này đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng dân cư...
Bên cạnh những ý kiến nên duy trì tổ chức các phiên tòa lưu động thì có không ít ý kiến ủng hộ việc dừng tổ chức các phiên tòa này. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng trong điều kiện khoa học công nghệ và truyền thông phát triển như hiện nay, cùng với nhiều nguyên tắc tiến bộ được ghi nhận trong hiến pháp và luật hiện hành thì việc xử lưu động không còn phù hợp. Một số ý kiến của các Thẩm phán đang công tác tại các TA trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động bên cạnh một số mặt tích cực tuyên truyền pháp luật, cũng đã bộc lộ những bất cập và tác động tiêu cực trong xã hội. Bởi trước, trong và cả sau khi xét xử lưu động sơ thẩm, bị cáo chưa được xem là có tội. Điều này tác động tiêu cực rất lớn đến bị cáo và người thân, gia đình của bị cáo bởi vì dù phiên tòa chưa bắt đầu nhưng trước cả hàng trăm, nghìn người chứng kiến cũng coi như đã nhận bản án. Thậm chí, việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người nếu xét từ khía cạnh pháp quyền thì còn vi phạm quyền con người mà Hiến pháp đã ghi nhận. Chưa kể, nhiều khi chỉ làm thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của người dân. Ở một khía cạnh khác, các phiên tòa lưu động thường gây tốn kém tiền của Nhà nước... Không chỉ vậy, việc đưa vụ án ra xét xử lưu động không đảm bảo tính trang nghiêm, bởi thực tế cảnh xét xử lưu động đông người, khung cảnh nhốn nháo... dẫn đến việc xét hỏi gặp khó khăn; đối với nhiều vụ án có đối tượng nguy hiểm, hoặc người dân “quá khích” muốn sử dụng vũ lực để “đòi lại công bằng” gây không ít khó khăn cho lực lượng bảo vệ tòa.
Bà Trương Thị S. (Hòa Vang, Đà Nẵng) tâm sự: “Con tôi còn quá trẻ, cũng chỉ vì ham chơi nghe bạn bè rủ rê nên mới đi vào con đường lầm lỡ. Nếu đưa cháu ra đứng giữa “ba quân thiên hạ” như vậy bản thân cháu thấy xấu hổ, gia đình cũng vậy không dám ngẩng mặt nhìn ai, rồi con đường hoàn lương, quay về nẻo thiện của con tôi trở nên khó khăn vô cùng. Tôi mong rằng, dẫu các cháu có phạm tội gì thì cũng nên cho các cháu một cơ hội để làm lại cuộc đời sau khi chấp hành xong án phạt quay về”. Về vấn đề này, nhiều Luật sư (LS) đồng quan điểm nên dừng việc xử lưu động. Theo các LS, những nguyên tắc tiến bộ của tố tụng đã được Hiến pháp ghi nhận và đã được luật ghi nhận một người chỉ được xem là có tội khi có bản án của Tòa có hiệu lực. Việc đưa những bị can, bị cáo này ra công khai ở nơi cư trú có thể làm ảnh hưởng đến bị cáo lẫn người thân. Thực tế có không ít những vụ án, con cháu những người phạm tội vì bức xúc bỏ học đi bụi đời, thậm chí có trường hợp đã tìm đến cái chết... Bên cạnh đó, nếu bỏ việc xét xử lưu động sẽ đảm bảo công bằng trong việc xét xử vì giữa các bị cáo sẽ không thấy mình bị “biệt xử” khi cũng là hành vi phạm tội nhưng người thì xử tại trụ sở tòa án, người khác lại mang ra giữa đám đông.
Có thể nói rằng, việc xét xử lưu động bên cạnh một số điểm lợi trong tuyên truyền pháp luật nhưng ngày càng thể hiện nhiều bất cập và tác động tiêu cực. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc dừng tổ chức các phiên tòa lưu động là có cơ sở bởi lẽ, BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 có nhiều quy định đề cao hiệu quả phòng ngừa và mang tính nhân văn trong xử lý người phạm tội. Đồng thời, thực tiễn cho thấy, bên cạnh việc có rất nhiều cách để giáo dục pháp luật thì pháp luật quy định bị cáo được xét xử tại tòa án và điều quan trọng hơn cả đó là cần đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội đối với các bị cáo trong quá trình xét xử.
TRANG TRẦN