Được tuyên trắng án, ông Trump chưa hết thách thức phía trước
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được Thượng viện nước này tha bổng trong cuộc bỏ phiếu luận tội về việc kích động cuộc bạo loạn gây chết người ở Nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1. Kết quả đó cho phép ông tự do tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa, nhưng không có nghĩa là mọi rắc rối đã qua.
Các nghị sĩ tới dự phiên luận tội cựu Tổng thống Trump tại Thượng viện. Ảnh: THX |
Việc luận tội ông Trump cần sự nhất trí của hai phần ba trong số 100 nghị sĩ Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, ở cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 13-2, chỉ có 57 thượng nghị sĩ (TNS) bỏ phiếu ủng hộ luận tội cựu Tổng thống, bao gồm 7 TNS đảng Cộng hòa, trong khi 43 TNS còn lại bỏ phiếu chống. Như vậy, cuộc bỏ phiếu không đạt con số 67 phiếu ủng hộ cần thiết để luận tội vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Ông Trump là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử bị luận tội hai lần và cả hai lần đều thoát tội. Kết quả đó cho phép ông tự do tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa, nhưng không có nghĩa là mọi rắc rối đã qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định dù việc cựu Tổng thống Donald Trump được tuyên trắng án trong phiên luận tội vừa qua là không cần bản cãi, nhưng các cuộc tấn công bạo lực hôm 6-1 đã cho thấy “nền dân chủ đang rất mong manh” và mọi người dân Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ sự thật. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, Tổng thống Biden cho biết: “Dù cuộc bỏ phiếu cuối cùng không dẫn tới việc luận tội, nhưng bản chất cáo buộc không có gì phải bàn cãi”. “Tổng thống Trump vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi việc ông ấy đã làm khi còn đương chức, như một công dân bình thường”, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell phát biểu sau khi bỏ phiếu không kết tội ông Trump. Ông cho rằng hệ thống tư pháp hình sự và kiện tụng dân sự là nơi ông Trump sẽ chịu trách nhiệm. “Ông ấy vẫn chưa thoát khỏi bất cư điều gì”, TNS McConnell nói.
Hạ viện Mỹ không “buông tha”
Mặc dù phiên tòa luận tội đã kết thúc, các thành viên đảng Dân chủ ở Quốc hội Mỹ đã tỏ tín hiệu tiến hành thêm một loạt cuộc điều tra nữa về vai trò của ông Trump trong vụ bạo loạn ngày 6-1.
Ngày 16-2, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ Bennie Thompson đã đệ đơn kiện cựu Tổng thống Trump và Luật sư Rudolph Giuliani âm mưu kích động cuộc bạo loạn. Đơn kiện nói trên được gửi tới Tòa án cấp quận tại thủ đô Washington nêu rõ: “Vụ bạo loạn tại Đồi Capitol là kết quả của một kế hoạch được dàn xếp kỹ lưỡng của ông Trump, Giuliani và các nhóm cực đoan như Oath Keepers và Proud Boys”. Theo đơn kiện, tất cả những người này “có mục tiêu chung là sử dụng sự uy hiếp, quấy rối và đe dọa để ngăn chặn việc chứng nhận lá phiếu của Đại cử tri đoàn”.
Trước đó, ngày 15-2, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo kế hoạch thành lập một ủy ban tương tự Ủy ban 11-9 nhằm điều tra vụ bạo loạn. Trong thư gửi các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Pelosi cho biết: “Để bảo vệ an ninh của chúng ta, bước tiếp theo của chúng ta là thành lập một ủy ban bên ngoài, độc lập kiểu như Ủy ban 11-9 để điều tra và báo báo về bằng chứng và nguyên nhân liên quan đến vụ bạo loạn trong nước ngày 6-1 tại khu phức hợp Điện Capitol của Mỹ”. Cụ thể, một ủy ban như vậy sẽ được thành lập theo quy chế và phải được cả hai viện Quốc hội thông qua và được tổng thống ký thành luật. Các thành viên của ủy ban sẽ không được bầu làm lãnh đạo và không tham gia vào Chính phủ. Sau đó, phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, nữ phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, Nhà Trắng ủng hộ ủy ban điều tra này.
Đối mặt với nhiều vụ kiện khác
Theo CNN, khi không còn sự bảo vệ dành cho một tổng thống, ông Trump hiện đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra hình sự, thẩm vấn dân sự và cả các vụ kiện từ hai phụ nữ cáo buộc ông tấn công tình dục. Ít nhất 2 cuộc điều tra cấp bang nhằm vào ông vẫn đang được tiến hành, một tại New York liên quan đến tài chính; và một tại bang Georgia liên quan đến những nỗ lực của ông nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
Tại Georgia, cựu Tổng thống Mỹ cũng đang đứng trước một cuộc điều tra hình sự về cáo buộc can thiệp bầu cử của chính ông nhằm lật ngược kết quả bầu cử ở bang này. Trong số này có một cuộc gọi của ông Trump cho quan chức phụ trách ngoại giao bang Brad Raffensperger, thúc đẩy ông này “tìm” phiếu bầu để lật ngược kết quả bầu cử. Cuộc điều tra cũng liên quan đến một cuộc gọi của ông Trump vào tháng 12-2020 cho một điều tra viên bầu cử Georgia. Ông Trump được cho là đã yêu cầu điều tra viên “tìm ra kẻ gian lận”, nói rằng quan chức này sẽ là một “anh hùng quốc gia”.
Ông Trump cũng phải đối mặt với một cuộc điều tra hình sự ở New York, nơi văn phòng Biện lý quận Manhattan đang xem xét liệu Trump Organization có vi phạm luật của bang, chẳng hạn như gian lận bảo hiểm, gian lận thuế hoặc các âm mưu lừa đảo khác hay không. Hiện tại các công tố viên đang chờ phán quyết từ Tòa án Tối cao Mỹ về việc có tiếp tục trì hoãn thực thi trát đòi hầu tòa trong 8 năm liên quan đến bản khai thuế cá nhân và doanh nghiệp của ông Trump và các hồ sơ liên quan từ công ty kế toán của ông hay không. Nếu Tòa án Tối cao cho phép thực thi trát đòi hầu tòa, điều đó sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho cuộc điều tra.
AN BÌNH
Ông Trump là ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa năm 2024 Nếu như cuộc bầu cử sơ bộ lựa chọn ứng cử viên tranh cử Tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa được tổ chức ở thời điểm này, ông Trump nhiều khả năng vẫn sẽ là người giành chiến thắng. Đó là thông tin từ cuộc thăm dò dư luận do tổ hợp Politico-Morning Consult công bố ngày 16-2, chỉ ba ngày sau khi ông Trump thoát tội tại phiên xét xử luận tội ở Thượng viện. Trong số cử tri Cộng hòa, 59% số người được hỏi cho biết họ muốn ông Trump đóng vai trò dẫn dắt trong đảng, tăng khoảng 18% so với cuộc thăm dò trước đó được tiến hành ngay sau biến cố hôm 6-1. Có đến 54% cử tri nói rằng họ sẽ ủng hộ ông Trump làm ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa. Tỷ lệ này vượt xa so với những gương mặt nổi bật khác của đảng Cộng hòa. Chỉ có khoảng 12% cử tri ủng hộ cựu Phó Tổng thống Mike Pence làm ứng cử viên đại diện cho đảng trong cuộc đua tổng thống năm 2024. Xếp sau đó lần lượt là Donald Trump Jr, con trai ông Trump (6%), cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley (6%), Thượng nghị sĩ Mitt Romney (4%), Thượng nghị sĩ Ted Cruz (3%). |