Được và mất

Thứ bảy, 07/11/2015 08:54

(Cadn.com.vn) - Mỹ đang ngày càng dấn sâu vào cuộc chiến chống IS ở Syria, bằng việc sẽ triển khai lính đặc nhiệm đến chiến trường quốc gia Trung Đông này.

Quyết định này của Tổng thống Barack Obama đang gây ra nhiều tranh cãi về kết cục được và mất. Chưa tính đến một kết quả tích cực, việc tham chiến trên bộ làm tăng khả năng sẽ có nhiều người Mỹ thiệt mạng  trong cuộc chiến này. Những thay đổi này cũng sẽ làm tăng chi phí cho cuộc chiến chống IS. Washington cho đến nay đã chi hơn 2,7 tỷ USD cho cuộc chiến này, trong đó chi phí hàng ngày trung bình khoảng 9 triệu USD. Thật dễ dàng để dừng lại ở những con số này và chỉ nghĩ rằng, Mỹ tất nhiên phải trả bằng máu và tiền một khi chấp nhận tham chiến ở Syria.

Nhưng mọi việc cũng cần được "cân đo đong đếm" rõ ràng trong sự hỗn loạn do chiến tranh và do các vấn đề phát sinh từ chính sách đối ngoại của Mỹ. Thực tế cho thấy, Syria đang là trung tâm của sự hỗn loạn. Quốc gia Trung Đông này giờ là "mặt trận trên không" của Mỹ, Nga, Anh, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Iran, một số quốc gia Vùng Vịnh, tổ chức IS và một số nhóm khủng bố khác. Kết quả là gì? Khu vực rộng lớn của Syria biến thành đống đổ nát, hơn 250.000 người dân thiệt mạng và gần 12 triệu người - một nửa dân số đất nước - phải rời bỏ nhà cửa. Và một khi Syria hết chiến tranh, chi phí cho công cuộc tái thiết quốc gia này là con số khổng lồ.

Trong khi đó, hiện nay, đồng minh của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xem cuộc chiến chống IS của Mỹ như là "bộ đệm" cho tham vọng của người Kurd. Biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria được sử dụng như điểm trung chuyển chính cho các chiến binh nước ngoài hướng về phía nam, ngay cả khi Ankara phủ nhận cáo buộc đã "nhắm mắt làm ngơ". IS thậm chí môi giới bán dầu qua Thổ Nhĩ Kỳ vào thị trường đen dưới hoàn cảnh mơ hồ tương tự. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những nỗ lực ban đầu của Washington nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Ankara chống IS đã không thành công. Một quan chức Mỹ thậm chí cáo buộc Ankara dùng chiến thuật "mồi để nhử" khi sử dụng các thỏa thuận giữa hai nước như là một "cái móc" để tấn công người Kurd ở miền bắc Iraq.

Tại Iraq, cuộc chiến chống IS của Mỹ đồng nghĩa với việc Washington chấp nhận vai trò lãnh đạo và sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Tehran ở đây. Sự gia tăng ảnh hưởng của Iran đang được chứng thực rõ ràng khi Mỹ đã lần đầu tiên mời quốc gia Hồi giáo tham gia vào vòng đàm phán mới về hòa bình cho Syria. Nhưng xem ra, Iran và Mỹ cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

"Đánh bại IS" không phải là điều đơn giản. Đó là cuộc chiến đòi hỏi sự đoàn kết của các nước đang tham chiến. Nhưng bối cảnh hiện nay cho thấy, Mỹ và Nga vẫn đang nhìn về hai phía.

Thanh Văn