Hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 10 và 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016:

Dứt điểm nạn “chạy” trường, tăng đầu tư về lĩnh vực văn hóa, chấn chỉnh được công tác quản lý chung cư và tiếp tục cải cách hành chính

Thứ tư, 08/10/2014 21:09

(Cadn.com.vn) - Tại phiên họp chiều 8-10, hội nghị đã nghe Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ báo cáo về tuyển sinh đầu cấp và công tác đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm của TP. Theo đó, năm học 2014-2015, tuyển sinh đầu cấp bậc tiểu học trên địa bàn toàn TP là 17.787 học sinh với 509 lớp. Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP đều tổ chức học 2 buổi/ngày cho học sinh, trong đó 2 quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

4 quận còn lại là Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu có 20 trường với 264 lớp và 10.409 học sinh chưa được học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, đến nay đã cơ bản chấp dứt tình trạng “chạy” vào các trường trung tâm TP. Cũng trong phiên học chiều 8-10, lãnh đạo UBND TP và các ngành chức năng đã trả lời chất vấn của các ĐB HĐND TP về các nội dung: Xây dựng tiêu chí cấm tuyển sinh trái tuyến; việc tổ chức cho học 2 buổi cho học sinh tiểu học chậm do đâu;  chấn chỉnh tình trạng nhập khẩu nhờ; việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa cho các công trình văn hóa, thể thao, y tế, xã hội còn yếu…

Ông Huỳnh Đức Thơ

Đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm:

Đối với Thư viện khoa học tổng hợp (KHTH) thành phố: UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư với kinh phí đầu tư xây dựng là 42,25 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. Theo kế hoạch, đến ngày 20-10-2014, Thư viện KHTH hoàn tất việc di dời các đầu sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện. Tháng 11-2014 sẽ khởi công công trình và đến tháng 8-2015 sẽ hoàn thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXI.

Về công trình Bảo tàng Mỹ thuật TP, UBND TP phê duyệt kinh phí đầu tư xây dựng là 29,079 tỷ đồng, dự kiến ngày 30-10-2015, Sở VHTT&DL hoàn thành thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Ngày 15-12-2014 sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành trong năm 2015. Đối với công trình Bảo tàng điêu khắc Chăm, UBND TP thống nhất giao Sở Xây dựng phối hợp Sở VHTT&DL xây dựng đề cương nâng cấp, cải tạo Bảo tàng theo hướng xác định Bảo tàng là công trình văn hóa của thành phố; báo cáo UBND TP trong tháng11-2014 để mời và chọn lọc một số chuyên gia, đơn vị tư vấn thiết kế phương án cải tạo, nâng cấp, trùng tu Bào tàng. Dự kiến năm 2015 hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư và năm 2016 triển khai thi công công trình.

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, lãnh đạo thành phố đã thống nhất cải tạo, nâng cấp công trình Nhà hát tuồng theo quy mô, số lượng ghế tối đa lên 310-320 chỗ ngồi, giữ nguyên tên gọi và công năng nhà hát sau khi cải tạo. UBND TP đã phê duyệt quy mô đầu tư công trình là 4,34 tỷ đồng. Dự kiến triển khai công trình vào tháng 1-2015 và hoàn thành vào tháng 4-2015.

Nhà hát lớn TP và Trung tâm văn hóa TP, hiện UBND TP đã gửi thư mời đến 9 đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia chào giá cho các nội dung phương án kiến trúc và hồ sơ thiết kế. Sau khi các đơn vị tham gia báo giá, UBND TP sẽ chọn đơn vị phù hợp để thiết kế cụm công trình Nhà hát TP và Trung tâm văn hóa TP. Theo lộ trình, từ nay đến tháng 6-2015 sẽ xúc tiến công tác chuẩn bị đầu tư và làm việc với các Bộ, ngành để xin hỗ trợ ngân sách T.Ư, quý 4-2015 sẽ thực hiện thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công vào năm 2016.

Trùng tu các di tích xuống cấp

Hiện nay trên địa bàn TP có 9 di tích cấp TP đang bị xuống cấp với mức độ nghiêm trọng và nặng. Tháng 9-2014, UBND TP đã đồng ý về nguyên tắc dự kiến bố trí 14,2 tỷ đồng trong năm 2015 để đầu tư trùng tu các di tích. Hiện UBND TP đã đồng ý phê quyệt quy mô đầu tư cho 6 di tích, gồm: đình Khuê Bắc, đình Đại La, đình Hưởng Phước, đình An Ngãi Đông, đình Trúc Bầu, đình Phong Lệ Bắc và đã giao cho Sở VHTT&DL triển khai hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2014 để có cơ sở tu bổ, tôn tạo trong năm 2015. Riêng di tích miếu Hàm Trung đang vướng quy hoạch nên chưa lập  quy mô đầu tư, 2 di tích còn lại là đình làng Thái Lai và đình làng Thái Hòa được điều chỉnh giãn tiến độ đầu tư vào các năm sau.

Nâng cấp các công viên

Đối với Công viên 29-3, lãnh đạo thành phố đã quyết định dừng việc đầu tư theo hình thức xã hội hóa, giao UBND TP khai việc đầu tư nâng cấp công viên bằng nguồn vốn ngân sách để kịp phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. TP cơ bản thống nhất các hạng mục đầu tư: khu vườn thú, khu trò chơi trong nhà cho trẻ em, sân trượt patin ngoài trời, sân tập dưỡng sinh, vườn hoa, chòi nghỉ chân…

Khu cà phê, khu nhà hàng xây dựng theo hình thức kêu gọi đầu tư xã hội hóa, hình thức kiến trúc gọn, thoáng, đẹp, phụ hợp với cảnh quan trong công viên. Hiện nay, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công trình đầu tư nâng cấp Công viên 29-3 và sẽ bố trí vốn để triển khai thi công để kịp bàn giao, đưa vào sử dụng từ ngày 15-2-2015.

Công viên Thanh niên, UBND TP giao Sở Xây dựng rà soát lại toàn bộ quy hoạch khu công viên và đề xuất phân kỳ đầu tư dự án thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng gồm các hạng mục: giao thông nội bộ, cây xanh, thảm có, quy hoạch đất rạp xiếc để làm công viên.

Công viên Châu Á (Asia Park), lãnh đạo TP đồng ý chủ trương chuyển nhượng công trình Nhà biểu diễn đa năng cho Công ty TNHH Công viên Châu Á và bàn giao trước ngày 10-10-2014. Bố trí tạm địa điểm làm việc cho Trung tâm văn hóa TP tại 102-Lê Lợi; giao Sở TN&MT chủ trì tham mưu chính sách xã hội hóa Công viên Châu Á.

Đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi công năng 37 khu vui chơi giải trí (KVCGT); tiếp tục đầu tư đối với 6 KVCGT sử dụng hiệu quả tại các phường: Thanh Bình, Thuận Phước, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc, Khuê Trung, Nại Hiên Đông; chuyển đổi công năng của 16 KVCGT thành 12 Trung tâm văn hóa phường, xã; chuyển đổi 11 KVCGT thành vườn dạo.

Về đầu tư các Trung tâm văn hóa thể thao (TTVHTT) xã, phường, dự kiến từ năm 2016-2020 TP sẽ triển khai đầu tư xây dựng mỗi năm 8 TTVHTT phường theo quy hoạch được duyệt với mức kinh phí 2,5 tỷ đồng/TTVHTT. Như vậy cần 100 tỷ đồng để hoàn thành toàn bộ TTVHTT xã, phường trên địa bàn TP.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn  

Đã cơ bản giải quyết các vi phạm về quản lý chung cư

Báo cáo về tình hình xử lý vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng chung cư, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Qua tổng kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng trên 7.000 căn hộ đã phát hiện 268 trường hợp vi phạm  như: để trống, sang nhượng trái phép, cho thuê lại, cho người khác ở nhờ… trong đó có 116 trường hợp vi phạm là cán bộ công chức viên chức (CBCCVC), 152 trường hợp là hộ nhân dân khó khăn về nhà.

Qua kiểm tra, chấn chỉnh, đến nay đã có 65 hộ CBCCVC dọn về ở hoặc có lý do chính đáng, 51 trường hợp đã trả lại căn hộ. UBND TP đã có quyết định hủy bỏ chủ trương bố trí và thu hồi căn hộ chung cư. Ngày 29-9-2014, Sở Nội vụ  đã làm việc trực tiếp với 3 đơn vị có CBCCVC vi phạm với hình thức cho thuê lại và sang nhượng trái phép. Đến ngày 30-9-2014 đã có 3 đơn vị tiến hành kiểm điểm, kỷ luật và báo cáo, 7 đơn vị chưa báo cáo về việc kiểm điểm, kỷ luật; 3 đơn vị đã tiến hành kiểm điểm nhưng chưa có văn bản báo cáo chính thức.

Đối với 152 trường hợp là hộ nhân dân khó khăn về nhà ở vi phạm: 3 trường hợp đã trả lại căn hộ; 3 trường hợp thuộc diện giải tỏa, Công ty quản lý Nhà chung cư đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi tên hợp đồng thuê nhà theo chủ trương chung của TP; 39 trường hợp đã dọn về ở và có đơn trình bày với lý do chính đáng; 107 trường hợp  thuộc diện khó khăn về nhà ở, Công ty quản lý Nhà chung cư đã gửi thông báo đến các hộ hoặc người có liên quan đang sử dụng căn hộ, đề nghị bàn giao nhà cho TP trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận thông báo. Đến nay đã có 70 trường hợp có đơn giải trình với nội dung do ốm đau đột xuất, hiện đã dọn về ở ổn định, số còn lại Sở Xây dựng đã báo cáo đề xuất UBND TP xem xét, xử lý.

Ông Võ Công Chánh

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Báo cáo kết quả cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: 6 tháng đầu năm 2014, số lượng hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 423/44.170 hồ sơ, tỉ lệ 0,95%, tập trung ở các thủ tục như: cấp Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu; cấp đổi GCN dự án; chuyển đổi GCN; chuyển quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như: vướng quy định của pháp luật, hồ sơ cấp GCN lần đầu rất phức tạp, ranh giới đất biến động, cơ sở dữ liệu về đất đai chưa có… thì cũng có các nguyên nhân chủ quan như: Chưa đảm bảo quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả; việc cấp GCN lần đầu làm theo đợt nhưng không quy định rõ đợt là bao nhiêu ngày dẫn đến có trường hợp kéo dài nhiều tháng; trách nhiệm phối hợp giải quyết giữa các cơ quan chưa tốt. Ông Võ Công Chánh đề xuất 5 biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian đến.

K.T (tổng hợp)