Duy trì nguồn tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS

Thứ bảy, 13/12/2014 11:24

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-12, Sở Y tế TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020”

Hội nghị đã đưa ra bàn thảo nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến việc duy trì, đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn tài trợ khác; việc ban hành các cơ chế huy động và quản lý kinh phí, chương trình hiệu quả là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS...

Truyền thông vẫn được xem là vaccine hữu hiệu trong phòng, chống HIV/AIDS. 

NGUY CƠ THIẾU HỤT NGUỒN KINH PHÍ

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2009-2014, tổng kinh phí huy động được cho hoạt động chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng là 63,244 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho các hoạt phòng, chống HIV/AIDS là 54,712 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 10,525 tỷ, ngân sách thành phố: 1,703 tỷ đồng, nguồn viện trợ quốc tế: 42,482 tỷ đồng) và kinh phí cấp bằng hiện vật là 8,532 tỷ đồng (thuốc ARV: 3,973 tỷ đồng, thuốc methadone: 2,021 tỷ đồng, bao cao su: 2,538 tỷ đồng).

Nguồn lực tài chính này đã được thành phố sử dụng hiệu quả cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, lây nhiễm HIV được khống chế ở dưới mức 0,15% theo mục tiêu chung của chương trình phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2015 và số ca phát hiện nhiễm HIV mới hằng năm được duy trì ổn định ở mức thấp và có chiều hướng giảm...

Tuy nhiên, với tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS còn nặng nề; nguy cơ lây nhiễm HIV biến đổi phức tạp, khó kiểm soát, khó can thiệp và mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế cộng với sự thiếu hụt nguồn lực tài chính phòng, chống HIV/AIDS đã được xác định rõ trong chương trình sắp tới, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS sẽ kết thúc vào cuối năm 2015 và các nguồn tiền hỗ trợ từ bên ngoài từng bước giảm khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình... Đây là những thách thức cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của thành phố trong việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch số 6532/KH-UBND cũng như định hướng xây dựng thành phố 3 không về HIV/AIDS.

Thiếu hụt kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS sẽ ảnh hưởng đến các chương trình dự phòng và điều trị HIV/AIDS.

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Trong giai đoạn 2015-2020, ước tính tổng nhu cầu kinh phí hoạt động cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành phố là gần 110,5 tỷ đồng, trong khi đó khả năng huy động chỉ khoảng 54,211 tỷ đồng (ngân sách trung ương: 0,865 tỷ đồng, BHYT: 37,351 tỷ, người dân tự chi trả: 15,995 tỷ).

Như vậy, kinh phí ước huy động được chỉ đáp ứng 49,06% và còn thiếu hụt 56,288 tỷ đồng. Theo nhận định của Bộ Y tế, khoảng trống thiếu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ ngày càng rộng ra, đặc biệt từ sau năm 2015. Sự thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các chương trình dự phòng và điều trị tại các địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Theo Sở Y tế thành phố, trong dự phòng lây nhiễm HIV, truyền thông vẫn được xem là vaccin hữu hiệu trong phòng, chống HIV thông qua tác động đến thực hiện hành vi an toàn và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí hoạt động truyền thông hiệu quả cần đạt ở mức 1 USD/đầu người/năm, do đó, không có đủ kinh phí cho truyền thông thì khả năng kiểm soát lây nhiễm mới HIV sẽ hạn chế.

Bên cạnh đó, thiếu hụt kinh phí sẽ giảm độ bao phủ chương trình can thiệp giảm tác hại như tiếp cận cộng đồng, BCS, BKT và điều trị Methadone, qua đó giảm số lượng người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận và sử dụng dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Đây sẽ là khó khăn để chương trình phòng, chống HIV/AIDS thành phố đạt được mục tiêu giảm 90% số ca nhiễm mới HIV trong nhóm NCMT và 80% số ca nhiễm HIV do lây qua đường tình dục vào năm 2020 nếu độ bao phủ các chương trình giảm tác hại thấp hơn 80%.

Thế giới đã thống kê được rằng nếu đầu tư 1 USD cho công tác dự phòng sẽ tiết kiệm được 8 USD cho công tác điều trị. Ngoài ra, trong chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, điều trị ARV đã nâng cao sức khỏe và giúp người nhiễm HIV sống lâu hơn, cùng với các chỉ định điều trị được mở rộng (điều trị sớm, điều trị dự phòng) đã làm gia tăng thêm số lượng bệnh nhân cần được điều trị ARV hằng năm.

Với mục tiêu, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% và tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 80% trên tổng số người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị vào năm 2020 đặt ra yêu cầu đầu tư nguồn lực cho công tác điều trị. Việc thiếu thuốc ARV và gián đoạn điều trị sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và bệnh nhân sẽ phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn và làm tăng các chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội...

Như vậy có thế thấy, thiếu hụt kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sẽ ảnh hưởng đến độ bao phủ, hiệu quả của các chương trình dự phòng và điều trị HIV/AIDS, qua đó có nguy cơ gia tăng số ca nhiễm HIV mới, tăng gánh nặng và chi phí điều trị; cũng như những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, xã hội khác do dịch gây ra. Trước tình hình đó, ngày 5-12-2014, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 11167/KH-UBND về đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, kinh phí hoạt động cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn thành phố sẽ được huy động từ nhiều nguồn hợp pháp khác nhau, như: vận động nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn viện trợ trong và ngoài nước, sử dụng nguồn BHYT, thực hiện nguồn thu phí và dịch vụ, vận động các nguồn kinh phí khác.

Đồng thời, đảm bảo cân đối ngân sách của địa phương hàng năm để bù đắp 70% thiếu hụt nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương; đảm bảo 90% người nhiễm HIV có thẻ BHYT được chi trả qua quỹ BHYT đến năm 2015 và 100% vào năm 2020. Cũng như, xác định dịch vụ và phương pháp thu phí, dịch vụ để cân đối một phần nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đảm bảo chương trình phòng, chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả, tiết kiệm và kinh phí được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả...

T.Dũng