Ebola và bài học từ SARS

Thứ hai, 20/10/2014 08:53

(Cadn.com.vn) - Cho đến nay, gần 9.000 trường hợp có thể nhiễm virus Ebola tại 7 quốc gia bị ảnh hưởng và ít nhất 4.400 người đã thiệt mạng - ổ dịch tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện vào năm 1976.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người nhiễm bệnh có thể lên đến 10.000 người vào đầu tháng 12. Các nước trên thế giới - đặc biệt là những nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola (Guinea, Liberia, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Tây Ban Nha và Mỹ) - tăng cường kiểm soát dịch này.

Vụ việc được quan tâm hơn bao giờ hết kể từ khi Thomas Eric Duncan - người nhiễm Ebola - đi từ Châu Phi đến Texas, dẫn đến việc lây nhiễm thứ phát cho hai y tá chăm sóc ông, Nina Phạm và Amber Vinson. Cộng đồng rất lo sợ lây nhiễm mặc dù các nhà chức trách nhấn mạnh, họ chuẩn bị tốt cho việc phát hiện và ứng phó với các trường hợp nhiễm bệnh.

Dịch Ebola lần này làm chúng ta nhớ lại thời điểm năm 2003 khi thế giới lần đầu tiên phải đối mặt với đại dịch trong thời hiện đại, Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS).

Đối phó với dịch Ebola đòi hỏi phải có sự đóng góp của toàn cầu. Ảnh: NYPost

Ebola nghiêm trọng hơn SARS

SARS xuất hiện lần đầu vào tháng 10-2002, và được WHO cảnh báo bùng nổ lần đầu tiên vào tháng 3-2003. Vào thời điểm đó, SARS khiến cộng đồng và các chuyên gia lo lắng, bởi rất dễ lây nhiễm (thông qua đường hô hấp và vật truyền bệnh) và lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, từ Trung Quốc sang Canada, Hồng Kông. Tuy nhiên, đây là dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Ebola, với ước tính 1.000 trường hợp tử vong trong tổng số 10.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Có hai vấn đề quan trọng mà chúng ta luôn nhớ và có thể học hỏi từ SARS. Một là 30 quốc gia có trường hợp nhiễm bệnh trong vòng một vài tuần bùng nổ, và thứ hai là nền kinh tế thế giới ước tính tổn thất 30-100 tỷ USD do dịch bệnh. Hầu hết các tổn thất kinh tế tập trung chủ yếu vào ngành du lịch.

Nhiều sân bay trở thành “sân bay ma”, trường học đóng cửa, các trung tâm mua sắm hoang vắng và nhân viên y tế bỏ việc. Dịch bệnh không còn được xem là trách nhiệm của chỉ riêng ngành y tế mà là vấn đề của toàn bộ chính phủ với sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bộ phận vận chuyển, xuất nhập cảnh, thông tin liên lạc, tài chính, quốc phòng, nhà ở, và giáo dục. Việc đưa ra các quyết định để đối phó với dịch bệnh rất phức tạp và đầy thách thức, và đòi hỏi phải có các kế hoạch kịp thời, chính xác, phù hợp và khả thi.

Hành động toàn cầu

Từ dịch bệnh SARS, các quy định Y tế quốc tế (IHR) - một thỏa thuận có tính ràng buộc cung cấp khuôn khổ cho việc phối hợp quản lý các sự kiện y tế công cộng toàn cầu – được sửa đổi vào năm 2005. Trong IHR sửa đổi, khái niệm “các trường hợp khẩn cấp y tế khiến cộng đồng quốc tế quan tâm” được nói đến, trong đó yêu cầu các nước thiết lập các yếu tố cốt lõi tối thiểu về năng lực y tế công cộng.

Tuy nhiên, các bài học rút ra từ các dịch bệnh trước đó không được áp dụng. Việc sàng lọc hành khách đến sân bay được thực hiện rộng rãi trong đại dịch cúm năm 2009. Nhưng nhiều quốc gia cho rằng họ không phát hiện được trường hợp nào thông qua việc sử dụng biện pháp này. Máy quét nhiệt tại các sân bay nhằm phát hiện ra người đang sốt có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vì các lý do chính trị, một số nước, đặc biệt là Mỹ và Anh, vẫn thực hiện biện pháp sàng lọc hành khách tại sân bay.

Bài toán hạn chế đi lại

Câu hỏi về hạn chế đi lại được một số nhà bình luận đưa ra. Việc này từng phát huy hiệu quả trong dịch SARS, nhưng lại có nhiều hạn chế trong dịch cúm năm 2009. Ai cũng thừa nhận, thiệt hại do hạn chế đi lại tới các nền kinh tế Tây Phi sẽ khiến các nước nghèo này càng khó khăn hơn. Ngoài ra, hạn chế đi lại khiến cộng đồng quốc tế khó cung cấp nhân viên y tế và vật tư cần thiết để kiểm soát việc bùng phát dịch bệnh.

Một cách chắc chắn để ngăn chặn nhiễm Ebola phụ thuộc vào nỗ lực toàn cầu ở Tây Phi. Trong khi các ổ dịch tiếp tục phát triển theo cấp số nhân, khả năng lây lan sang các nước khác ngày càng cao hơn. Song song với việc đảm bảo có kế hoạch ứng phó trong nước, tất cả mọi người cần nhận ra vai trò những công dân toàn cầu, cung cấp viện trợ và giúp đỡ  những quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất.

An Bình
(Theo CNN)