EU bàn cách chặn người di cư

Thứ ba, 08/03/2016 09:23

(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng, đóng cửa các tuyến đường biên giới tại khu vực Balkan có thể giúp ngăn chặn dòng người di cư đổ vào lục địa này.

Ngày 7-3, các nhà lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ tề tựu về Brussels, Bỉ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp nhằm bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất Châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Theo BBC, nội dung ưu tiên hàng đầu trên bàn nghị sự lần này không gì khác ngoài việc tìm cách ngăn chặn dòng người di cư, trong đó có việc đóng cửa tuyến đường chính vào Châu Âu qua vùng Balkans. Vấn đề thúc ép Thổ Nhĩ Kỳ  chặn dòng người di cư để đổi lại Ankara được cam kết giúp 3 tỷ EUR cũng nằm trọng tâm trên bàn hội nghị.

Người tị nạn cố phá vỡ hàng rào chia cách biên giới Macedonia – Hy Lạp. Ảnh: EPA

Đóng cửa tuyến đường Balkan

Theo đó, tuyến lộ trình bất hợp pháp qua đường tây Balkan mà người di cư thường sử dụng để vào Châu Âu sẽ bị đóng lại. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cần phải thảo luận một số vấn đề liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng với sự tham dự của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu - cuộc gặp lần thứ hai giữa hai bên trong chưa đầy 3 tháng qua.

Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ hoài nghi về việc đóng tuyến lộ trình Balkan, cho rằng, hành động này về lâu dài sẽ không phải là giải pháp, bởi người tị nạn sẽ tìm đường khác để vào Châu Âu. Tại hội nghị, hai bên thảo luận việc Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tiếp nhận trở lại người di cư đến Châu Âu vì lý do kinh tế, trong khi EU cũng sẽ quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp nhằm giúp nước này giải quyết tình trạng quá tải hiện nay. Trước đó, Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất hỗ trợ 700 triệu EUR cho Athens. Giới phân tích cho rằng, những cuộc gặp liên tiếp giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, liên minh 28 quốc gia dường như đang “phải phụ thuộc một cách tai hại” vào Ankara.

Trong khi đó, quân đội Anh ngày 7-3 ngay lập tức triển khai tàu thuyền và máy bay trực thăng đến biển Aegean theo chiến lược ngăn chặn buôn lậu và dòng người di cư đến Châu Âu. “Chúng ta sẽ phá vỡ mô hình kinh doanh của những kẻ buôn lậu và ngăn chặn dòng chảy người tị nạn cho một cuộc hành trình nguy hiểm”, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết trong tuyên bố triển khai quân lực  lần này. Đội tàu của Anh sẽ tham gia vào hoạt động “giảm lưu lượng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Châu Âu” và chia sẻ thông tin với Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Biển Aegean, đoạn qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, là con đường chính mà những kẻ buôn lậu đưa người nhập cư vào Châu Âu.

Nhưng họ đi đâu?

Năm ngoái, hơn 1 triệu người tị nạn đã đến Châu Âu qua tuyến đường biển, chủ yếu đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp rồi từ đó đến các nước giàu có khác. Và hiện nay, hơn 2.000 người di cư tiếp tục đến Hy Lạp mỗi ngày từ Thổ Nhĩ Kỳ, tạo mối lo  ngại lớn đối với Châu Âu. Các nước ở lục địa già đã có những biện pháp riêng rẽ để phản đối việc này. Macedonia, tham vọng trở thành thành viên của EU, là quốc gia có những biện pháp chặt chẽ nhất nhằm chặn dòng người này ngay từ biên giới, động thái tạo một nút cổ chai nguy hiểm ở biên giới với Hy Lạp. Macedonia mới đây tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với dòng người tị nạn đang tìm cách vượt biên, cho rằng chỉ những người đến từ các thành phố mà họ cho là đang xảy ra chiến tranh mới được phép đi vào nước này. Theo đó, những người đến từ vùng chiến sự, như thành phố Aleppo của Syria, có thể được di chuyển từ Hy Lạp sang Macedonia, nhưng những người đến từ thủ đô Damascus của Syria hoặc thủ đô Baghdad của Iraq lại không được nhập cảnh.

Ước tính, hiện có khoảng 13.000 người bị mắc cạn tại biên giới Hy Lạp - Macedonia. Theo CNN, trong ngày 7-3, nút cổ chai của khoảng 13.000 người tị nạn mắc kẹt trong điều kiện khốn khổ tại biên giới Hy Lạp – Macedonia. Và giờ đây, khi những lều trại xiêu vẹo mọc lên ở biên giới Hy Lạp đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng, câu hỏi đặt ra là nếu không đến Châu Âu, họ - những người tị nạn di cư khốn khổ - sẽ phải đi đâu?

Khả Anh