Hơn 1 triệu người di cư đến Châu Âu năm 2015: Nhiều thách thức đón chờ

Thứ tư, 23/12/2015 07:54

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng người tị nạn nhấn chìm Châu Âu đã được chứng minh rõ nét qua con số khổng lồ: hơn 1 triệu người di cư đến lục địa già này trong năm 2015. 

Theo báo cáo công bố hôm 22-12 của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), số người tị nạn và người di cư đến Châu Âu đã vượt quá con số 1 triệu trong khi số người chết trên đường đến “thiên đường sống” cũng ở mức kỷ lục, hơn 3.700.

Trong số này, khoảng 971.000 người di cư đến Châu Âu bằng đường biển và 34.000 đi bằng đường bộ. Đây là con số kỷ lục, tăng gấp 4 lần so với tổng số hồi năm ngoái, đánh dấu cột mốc mang tính biểu tượng cho cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở Châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Hầu hết người di cư, chủ yếu đến từ Syria, Iraq và Afghanistan, đến lục địa già qua cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ để từ đó đến Hy Lạp.

Hầu hết người tị nạn đến Châu Âu bằng đường biển. Ảnh: Reuters

“Chúng ta phải hành động”

971.000 người di cư phải thực hiện hành trình nguy hiểm vượt qua Địa Trung Hải để đến các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU), chủ yếu là Hy Lạp, Bulgaria, Italia, Tây Ban Nha, Malta và Cyprus. Một nửa trong số này đến từ Syria, 20% đến từ Afghanistan và 7% đến từ Iraq.

Và trong số hơn 3.700 người di cư xấu số, có 2.889 thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải – nối giữa Bắc Phi và Italia. Trong năm 2014, 3.279 người đã thiệt mạng khi cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến Châu Âu, chiếm 65% trường hợp người di cư thiệt mạng vào năm đó. Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing đã không ngần ngại gọi Địa Trung Hải là “con đường nguy hiểm nhất đối với người di cư trên hành tinh của chúng ta”. IOM đưa ra con số này từ tập hợp số liệu thống kê của các cơ quan di trú, các cơ quan thực thi pháp luật và thống kê của riêng họ.

Tuy nhiên, ông Swing thừa nhận, không thể đếm đủ số người di cư đến Châu Âu. “Chúng ta phải hành động. Di cư phải hợp pháp, an toàn cho tất cả - cả cho bản thân những người di cư và các nước sẽ trở thành ngôi nhà mới của họ”, Tổng giám đốc IOM tuyên bố. Trước đó, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người tha hương vì chiến tranh, bạo lực và ngược đãi trên toàn thế giới trong năm 2015 sẽ đạt mức kỷ lục mới và cao hơn mức xấp xỉ 60 triệu người của năm 2014.

Giải quyết từ gốc rễ

IOM và UNHCR cùng ra tuyên bố cho rằng, “một phản ứng phối hợp tốt hơn của Châu Âu chính là điểm bắt đầu để hành động”.

Thực tế, dòng người tị nạn khổng lồ gây ra những rạn nứt chính trị trong nội bộ EU. Các quốc gia EU rất lúng túng và mâu thuẫn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư lần này. Một số quốc gia dựng hàng rào, tuyên bố kiểm soát biên giới bất chấp Hiệp ước Schengen quy định tự do đi lại giữa các nước. EU hồi tuần trước nhất trí tăng cường lực lượng Frontex (Cơ quan giám sát biên giới của EU) đến Hy Lạp, điểm đến quan trọng của người di cư. Bởi khi đến được Hy Lạp, hầu hết người di cư cố gắng đi về phía bắc qua các nước vùng Balkan, chủ yếu đến Đức, Pháp và các nước Bắc Âu khác.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là giải quyết vấn đề từ gốc rễ, tức là phải giải bài toán ở Iraq, Afghanistan và quan trọng nhất là cuộc chiến ở Syria – nơi hơn 4 triệu người buộc phải sống tị nạn. Sau 2 vòng đàm phán quốc tế về Syria không thành công, các bên dự kiến nhóm họp lần 3 tại Genève, Thụy Sĩ vào đầu năm 2016.  Và hồi tuần trước, HĐBA LHQ tuyên bố ủng hộ hoàn toàn kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc ở Syria bằng cách triệu tập các đại diện phe nổi dậy và chính quyền Syria đến bàn đàm phán, cũng dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016.

Châu Âu có quyền hy vọng. Một khi cuộc nội chiến ở Syria chấm dứt, lục địa già chắc chắn sẽ giảm bớt gánh nặng người tị nạn khổng lồ hiện nay.

Khả Anh