EU có động thái "rắn" với Hungary

Thứ ba, 20/09/2022 10:28
Ngày 18-9, Ủy ban Ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) khuyến nghị đình chỉ các nguồn tiền tài trợ cho Hungary vì những lo ngại về việc sử dụng không đúng mục đích các khoản tài trợ cũng như các vi phạm về nguyên tắc pháp quyền. Động thái này của EU có thể khiến Hungary thiệt hại hàng tỷ eur tiền tài trợ, làm tê liệt nền kinh tế vốn đã chững lại của nước này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần thể hiện quan điểm trái ngược với nhiều lãnh đạo châu Âu về mối quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần thể hiện quan điểm trái ngược với nhiều lãnh đạo châu Âu về mối quan hệ với Nga. Ảnh: Reuters

Báo Deutsche Welle (Đức) dẫn lời Ủy viên ngân sách EU Johannes Hahn cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18-9 đã đề nghị đình chỉ tài trợ 7,5 tỷ EUR cho Hungary. Theo ông Hahn, Ủy ban Ngân sách EU khuyến nghị đình chỉ khoảng 1/3 quỹ liên kết dự kiến dành cho Hungary. Nguồn quỹ này được trích từ ngân sách chung 1.100 tỷ EUR của EU cho giai đoạn 2021-2027. 7,5 tỷ EUR tương đương 5% GDP ước tính năm 2022 của Hungary.

Đây là lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra trong khối liên minh gồm 27 quốc gia thành viên, theo một lệnh trừng phạt được EU đưa ra cách đây 2 năm nhằm bảo vệ pháp quyền.

Theo ông Hahn, đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh trong nhiều tháng qua, EU và Hungary đã có những bất đồng khi Brussels cáo buộc Chính phủ của Thủ tướng Orban vi phạm các vấn đề về pháp quyền cũng như sử dụng không đúng mục đích các khoản ngân sách tài trợ từ EU. EU cũng cáo buộc Thủ tướng Orban giới hạn quyền lực của tòa án, kiểm soát truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và học viện, cũng như hạn chế quyền của người di cư, người đồng tính và phụ nữ trong hơn 10 năm cầm quyền.

EU từ lâu đã cáo buộc Chính phủ Hungary "phá hoại nền dân chủ". Cuối tuần trước, Nghị viện châu Âu đã công bố một báo cáo gọi Hungary là một "chế độ chuyên quyền bầu cử", điều mà Thủ tướng Orban cho rằng đó là một "trò đùa". Một báo cáo của Ủy ban châu Âu được công bố vào tháng 7 cho rằng "Hungary có nguy cơ về chủ nghĩa thân hữu, thiên vị và chuyên chế trong cơ quan hành chính cấp cao".

Ủy viên ngân sách EU Johannes Hahn cho biết, Hungary đang đối mặt với những bất thường mang tính hệ thống trong luật mua sắm công, sự thiếu vắng các biện pháp chống lại xung đột lợi ích, yếu kém trong việc truy tố hiệu quả và thiếu sót trong các biện pháp chống tham nhũng khác. Ông Hahn xem tình hình ở Hungary là điển hình cho thấy "sự vi phạm nguyên tắc pháp quyền sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng và quản lý các nguồn quỹ của EU". "Chúng tôi không thể chắc chắn rằng ngân sách của EU được bảo toàn", ông Hahn nói.

Theo ông Hahn, việc EC đề xuất tạm ngừng trợ cấp 7,5 tỷ EUR cho Hungary nhằm đảm bảo việc giải ngân khoản trợ cấp của EU tới các quốc gia trong khối là phù hợp và các quốc gia cần tôn trọng các nguyên tắc chung của khối. "Quyết định này là một minh chứng rõ ràng về quyết tâm của Ủy ban châu Âu trong việc bảo vệ ngân sách của EU và sử dụng tất cả các công cụ của chúng tôi để đảm bảo mục tiêu quan trọng này", ông Hahn nói.

Theo ngân sách giai đoạn 2021 - 2027 của EU, Hungary nhận được 22 tỷ EUR từ khối, chiếm khoảng 70% kinh phí cho một số chương trình. Động thái này của EU có thể khiến Hungary thiệt hại hàng tỷ EUR tiền tài trợ, làm tê liệt nền kinh tế vốn đã chững lại của nước này.

Nền kinh tế Hungary hiện đang trải qua mức lạm phát cao nhất trong gần 25 năm, trong khi đồng tiền của nước này gần đây đạt mức thấp kỷ lục so với đồng eur và USD. Theo số liệu chính thức mới nhất được công bố, tỷ lệ lạm phát ở Hungary tháng 8-2022 ở mức 15,6%, vượt xa mục tiêu 3% do Ngân hàng Quốc gia Hungary đề ra.

Hungary có thời hạn cho đến ngày 19-11 để giải quyết các mối quan ngại của EU. Ông Johannes Hahn cho biết, Hungary cho biết sẽ đáp ứng tất cả 17 cam kết đã đưa ra với EC trước ngày 19-11 để tiếp tục nhận được tài trợ. Khi đó, EC sẽ đánh giá lại tình hình và có hành động phù hợp. Hội đồng châu Âu sau đó sẽ ra quyết định cuối cùng. Bộ trưởng Phát triển Hungary Tibor Navracsics, phụ trách đàm phán với EU, cho biết ông hy vọng các biện pháp của Budapest sẽ đủ để thuyết phục EC rằng các cam kết sẽ được thực hiện để tiếp cận các nguồn vốn của EU.

Hungary cũng cho biết sẽ nỗ lực chấm dứt bất đồng với EU bằng cách thông qua một loạt luật chống tham nhũng mới trong vòng vài ngày tới. Các biện pháp dự kiến sẽ bao gồm việc thành lập một cơ quan giám sát chống tham nhũng độc lập để giám sát việc sử dụng các quỹ của EU cũng như các bước để làm cho quy trình mua sắm của Chính phủ minh bạch hơn.

Thủ tướng Hungary: Xung đột Nga - Ukraine sẽ kéo dài đến năm 2030

Phát biểu trong cuộc họp kín gần đây của Đảng Fidesz cầm quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orban dự báo cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài đến năm 2030, và rằng sự can thiệp của phương Tây là nguyên nhân khiến cuộc chiến này mang tính toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Hungary cho rằng Ukraine có thể sẽ mất từ 1/3 - 1/2 lãnh thổ do cuộc xung đột với Nga. Ông cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine lẽ ra chỉ mang tính cục bộ. Tuy nhiên, phương Tây đã biến xung đột này mang tính toàn cầu. Ông Orban tiếp tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU áp lên Nga. Ông cho rằng khối này đã "tự bắn vào chân mình" bằng những biện pháp như vậy. Theo thủ tướng Hungary, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến 40% ngành công nghiệp châu Âu ngừng hoạt động trong mùa đông tới. Nhà lãnh đạo Hungary cũng tiết lộ rằng vào cuối thu năm nay, các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ phản đối gia hạn các lệnh trừng phạt Nga.

AN BÌNH