EU có mạnh hơn?

Thứ tư, 31/12/2014 08:59

(Cadn.com.vn) - Năm 2014, Liên minh Châu Âu (EU) đón chào lãnh đạo mới, khi Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker lên nắm quyền vào tháng 11 và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nhậm chức vào tháng 12 mới đây.

Dưới hoàn cảnh của nền kinh tế trì trệ, ông Tusk nhấn mạnh, Châu Âu cần “quyết tâm tàn nhẫn để kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế”. Trong khi đó, ông Juncker cam kết một “khởi đầu mới” cho Châu Âu, khi đề nghị gia hạn các cơ sở chương trình nghị sự quan trọng của EU như tạo công ăn việc làm, tăng trưởng, công bằng, thay đổi dân chủ, và công bố gói đầu tư trị giá 315 tỷ EUR (385 tỷ USD).

Để tăng cường sự phối hợp nội bộ, ủy ban của ông Juncker đã công bố một vài thiết kế có tính năng cấu trúc cụ thể. Trong đó, Phó Chủ tịch phụ trách một số dự án ưu tiên được xác định rõ, bao gồm tăng trưởng, thị trường đơn lẻ, liên minh năng lượng và tiền tệ, mở ra cơ hội hợp tác mạnh mẽ hơn trên khắp khu vực.

Hơn nữa, những nỗ lực xây dựng liên minh năng lượng và tăng cường liên minh tiền tệ được nhấn mạnh trong chương trình nghị sự của Ủy ban Juncker.“Tôi có ý định thực hiện, trong vòng 6 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ với mục tiêu hướng đến thị trường liên minh duy nhất”, ông Juncker nói về các nguyên tắc chính trị, lưu ý, nỗ lực tạo ra thị trường duy nhất cho  EU – vốn có thể tạo thêm 250 tỷ EUR trong 5 năm nhiệm kỳ.

Khó khăn đặt ra cho EU là việc đang vướng lệnh cấm vận nhằm vào Nga, động thái không chỉ khiến Moscow mà cả các nước EU bị tổn thất nặng nề. Hy vọng đặt nhiều vào bộ đôi Juncker – Tusk này khi người dân Châu  Âu mong muốn mối quan hệ kinh tế cởi mở hơn với Nga, tức là mong muốn EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt Moscow.

Kinh tế EU phụ thuộc khá nhiều vào việc xuất khẩu rau củ quả và nhiều hàng hóa chủ lực khác đến Nga trong khi Moscow nhờ vào lượng dầu bán cho các quốc gia Châu Âu. Nhưng do cấm vận qua lại, thương mại song phương hiện đang bế tắc, khiến kinh tế hai bên đều trượt dốc.

Một tín hiệu vui lại đến khi Nga tuyên bố, các mối quan hệ với EU sẽ tiếp tục là mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, bất chấp “sự phức tạp của tình hình hiện nay”. EU hãy suy nghĩ thật kỹ cũng như lắng nghe những tuyên bố rõ ràng như của Tổng thống Áo Heinz Fischer rằng, nếu tăng cường trừng phạt nhằm vào Nga, đó là bước đi “ngu ngốc và phá hoại”.

Thanh Văn