EU hàn gắn mâu thuẫn

Thứ sáu, 26/02/2016 10:26

(Cadn.com.vn) - Mục tiêu quan trọng tại Hội nghị Bộ trưởng Liên minh Châu Âu (EU) lần này là tìm cách giảm dòng người tị nạn đổ vào lục địa già và lên kế hoạch giải quyết vấn  đề về “cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hiện ra lờ mờ”.

Ngày 25-2, Bộ trưởng Nội vụ các nước EU và các quốc gia vùng Balkan nhóm họp tại Brussels, Bỉ với nỗ lực hàn gắn những chia rẽ sâu sắc do cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa sự sống còn của liên minh 28 quốc gia này.

Cuộc họp ở Brussels lần này bắt đầu với bữa họp - điểm tâm giữa Bộ trưởng các nước ngoài EU như Serbia, Macedonia, Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước EU trên tuyến tây Balkan - tuyến đường chính dẫn người di cư đến Bắc Âu.

EU lo sợ sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu không giải quyết được
vấn đề người di cư. Ảnh: AFP

Mối lo “nút cổ chai”  ở Hy Lạp

Trong đó, các bộ trưởng EU sẽ bàn về những biện pháp mới do Áo và 8 nước Balkan đề xuất, nhằm hạn chế số lượng người di cư vào biên giới của họ.

Theo kế hoạch mới này, tất cả những người nhập cảnh vào biên giới các nước sẽ buộc phải lấy dấu vân tay và sau đó sẽ bị buộc phải quay trở lại nếu không có hộ chiếu hoặc dùng giấy tờ giả. Các quốc gia cũng cam kết sẽ chỉ chấp nhận những người mà họ cho là cần được bảo vệ, vốn được chính phủ các nước xem như là chỉ có người Syria và Iraq. Tuy nhiên, Hy Lạp - điểm dừng chân đầu tiên của hầu hết người tị nạn đến bằng đường biển trên đất Châu Âu - chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch này.

Hy Lạp đe dọa sẽ bác bỏ tất cả các thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU nhằm bàn về khủng hoảng di cư, dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới, nếu các nước thành viên không đồng ý tuân thủ hạn ngạch phân bổ người di cư. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố, nước ông đã biến thành một “nhà kho của những linh hồn” và không nên để Athens đối phó cuộc khủng hoảng một mình. “Hy Lạp sẽ không chấp thuận bất kỳ thỏa thuận nào nếu những gánh nặng và trách nhiệm không được chia sẻ tương ứng”, ông Tsipras nói trước Quốc hội Hy Lạp. Athens lo ngại sẽ bị bỏ rơi một mình để đối phó với những người di cư bị mắc kẹt bởi những hạn chế đề xuất mới của EU.

Trên thực tế, Athens đang rất tức giận vì hàng loạt những biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế dòng người tị nạn nhập cảnh của các nước như Áo, Serbia và Macedonia. Áo thậm chí làm bùng nổ làn sóng giận dữ trong EU khi tuyên bố sẽ chỉ tiếp nhận tối đa 80 đơn xin tị nạn mỗi ngày. Những hạn chế biên giới dọc theo đường mòn di cư tới miền bắc và miền tây Châu Âu gây ra một nút cổ chai khó gỡ ở biên giới của Hy Lạp. Trong ngày 25-2, Athens đã triệu đại sứ tại Áo về nước để tham vấn.

Bài toán khó giải

Các cuộc đàm phán diễn ra 1 ngày sau khi Áo cảnh báo tương lai của EU đang bị đe dọa sau khi Hungary công bố một cuộc trưng cầu về hạn ngạch tị nạn. Bản thân EU cũng ban hành cảnh báo, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã hiện ra lờ mờ, đặc biệt là ở Hy Lạp.

Hơn 100.000 người di cư đến Châu Âu trong gần 2 tháng năm 2016 (năm 2015 là hơn 1 triệu người), hầu hết thông qua khu vực Balkan. Từ khi bùng nổ khủng hoảng di cư đến nay, EU vẫn chia rẽ sâu sắc về cách thức xử lý bài toán này, đặc biệt là quyết định đóng cửa biên giới của một số quốc gia thành viên – động thái đe dọa sự sống còn của Khu vực tự do đi lại Schengen. Và những rạn nứt lần này không những thổi bùng căng thẳng giữa các nước EU mà có nguy cơ làm gia tăng mối lo về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nguy hiểm. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo, nếu không thể giải quyết bài toán này, khả năng Anh rời khỏi EU (nguy cơ Brexit) càng tăng cao – một kết cục mà EU không hề mong muốn.

Khả Anh

Đức thông qua gói tị nạn thứ 2

Ngày 25-2, với tỷ lệ 429 phiếu thuận, 147 phiếu chống và 4 phiếu trắng, Quốc hội Đức thông qua gói biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn thứ 2 nhằm đẩy nhanh các biện pháp xử lý hồ sơ tị nạn để từ đó giải quyết tốt cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

DW dẫn gói biện pháp mới cho biết, nhóm người tị nạn đến từ các “quốc gia an toàn” (theo quy định của Berlin) sẽ được đưa đến các cơ sở tiếp nhận mới, nơi sẽ tiến hành toàn bộ các biện pháp xử lý hồ sơ tị nạn.