EU lên "kế hoạch B" để hỗ trợ Ukraine

Thứ hai, 08/01/2024 13:42
Ngày 6-1, hãng tin RT đưa tin, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các phương án thay thế để tiếp tục tài trợ cho Ukraine, trong trường hợp Hungary tiếp tục dùng quyền phủ quyết để ngăn gói viện trợ trị giá 55 tỷ USD cho Kiev.

Ưu tiên hàng đầu của EU

Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo ngày 5-1, bà von der Leyen nhấn mạnh: "EU phải khẩn trương ổn định dòng viện trợ tài chính dành cho Kiev". "Ưu tiên hàng đầu là đạt được sự đồng thuận giữa tất cả 27 quốc gia thành viên. Nhưng tất nhiên, chúng ta phải sẵn sàng cho cả những lựa chọn khác. Chúng tôi đang chuẩn bị ngay bây giờ", bà Leyen cho hay, song không đề cập chi tiết đến phương án dự phòng.

Bà von der Leyen cũng nhắc lại gói viện trợ 18 tỷ EUR (20 tỷ USD) mà EU đã thông qua ngay trước thời điểm Giáng sinh để giúp Ukraine trang trải những chi phí cần thiết cho năm mới. Đồng thời, EU cần thêm thời gian để cân nhắc về gói tài trợ chính. "Chúng tôi sẽ phải nỗ lực làm việc để đạt được mục đích", bà chia sẻ thêm.

Tháng trước, Hungary - quốc gia luôn chỉ trích chính sách của EU về Ukraine - đã chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ EUR dành cho Kiev, dự kiến được giải ngân trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm2027. Balazs Orban, cố vấn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Budapest có thể ngừng phản đối nỗ lực này nếu Brussels ngừng chặn toàn bộ số tiền 30 tỷ EUR dành cho Hungary - vốn đã bị giữ lại sau sự việc được cho là một cuộc đàn áp nền dân chủ. EU cho đến nay mới chỉ ngừng đóng băng 1-3 số tiền này, với lý do Budapest đã đạt được tiến triển trong các cải cách tư pháp.

Tờ Financial Times đưa tin vào cuối tháng trước rằng EU đang nghiên cứu một cơ chế để vượt qua quyền phủ quyết của Hungary, theo đó, các quốc gia thành viên sẽ cung cấp những sự bảo đảm cho ngân sách EU, qua đó, cho phép Brussels vay khoảng 20 tỷ EUR cho Kiev. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, EU đã nhiều lần viện trợ cho Ukraine dưới nhiều hình thức khác nhau với tổng số tiền lên tới 91 tỷ USD. Nga cảnh báo hành động này có thể sẽ trở thành gánh nặng tài chính nghiêm trọng đối với người dân ở khối này.

Trong khi đó, ngày 6-1, Đức đã kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chia sẻ gánh nặng hỗ trợ Ukraine, đồng thời kêu gọi EU đoàn kết hơn nữa để ứng phó thách thức. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng giờ là lúc để cho thấy rằng EU là một cộng đồng của những giá trị đoàn kết với nhau trong thời điểm nhiều thách thức hiện nay. Tháng 11 năm ngoái, liên minh cầm quyền tại Đức của Thủ tướng Olaf Scholz cũng đã nhất trí trên nguyên tắc về việc tăng gấp đôi số tiền viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2024, lên 8 tỷ EUR.

Đẩy mạnh trang bị vũ khí độc lập cho Ukraine

Lo ngại về việc Mỹ sẽ giảm sự hỗ trợ cho Ukraine nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2024, các nước châu Âu đang khẩn trương xây dựng năng lực để duy trì khả năng phòng thủ độc lập của Ukraine trước Nga, nhật báo The Times của Anh mới đây đưa tin. Cụ thể, The Times dẫn một nguồn tin cấp cao trong Chính phủ Anh cho biết các đối tác của Ukraine ở châu Âu đang tích cực lập chiến lược để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga mà không phụ thuộc vào Mỹ, trong trường hợp ông Trump có khả năng trở lại nắm quyền.

Những nước này đang tìm cách tăng cường khả năng sản xuất quốc phòng trên khắp châu Âu để có thể bổ sung vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Mục tiêu là duy trì khả năng của Ukraine để tiếp tục đẩy lùi các lực lượng Nga, ngay cả khi đối mặt với sự suy giảm sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ dưới thời Donald Trump. The Times cho biết các nhà lãnh đạo tình báo quân sự Anh đánh giá rằng Ukraine thiếu nhân lực và vũ khí cần thiết để giành chiến thắng quan trọng trên chiến trường trước Nga vào năm 2024. Giới chức châu Âu lo ngại Mỹ sẽ không còn ủng hộ Ukraine nếu cựu Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Cựu Tổng thống Trump từng nói rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh Ukraine. Nguồn tin của Anh trên nói với tờ The Times rằng châu Âu phải tiếp tục cuộc chiến ủy nhiệm ngay cả khi Mỹ không tham gia. "Hầu hết đều nhận ra rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không được phép giành chiến thắng vì hậu quả đối với an ninh châu Âu là rất nghiêm trọng", nguồn tin này nhấn mạnh.

Ukraine không có phương án dự phòng

Những kêu gọi về việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Kiev cho biết nước này không có phương án dự phòng nếu bị cắt giảm viện trợ. Trong một phát biểu trên ngày 6-1, lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) Andrey Pyshny nhấn mạnh nước này sẽ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ tài chính quốc tế. Quan chức NBU đánh giá năm 2023 vừa qua là chưa từng có và vô cùng khó khăn, đồng thời đề nghị sử dụng nguồn tài chính phát thải trong ngân sách để củng cố sự ổn định tài chính vĩ mô. Dự báo trong năm 2024, ngân sách Ukraine sẽ thâm hụt kỷ lục 43,5 tỷ USD và chính quyền nước này có kế hoạch trang trải phần lớn khoản thâm hụt đó bằng sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết Kiev không có bất kỳ phương án dự phòng nào trong trường hợp các đồng minh phương Tây cắt giảm viện trợ. Cùng ngày, nghị sĩ Ukraine, ông Alexey Goncharenko cho biết trong năm 2023 vừa qua, mức thâm hụt ngân sách của Bộ Quốc phòng nước này đã lên tới 36%, tương đương với khoảng 11,3 tỷ USD. Số liệu trên được công bố tại cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia Ukraine.

Nghị sĩ Goncharenko cũng cho rằng Ukraine không có cơ hội đứng vững trong cuộc xung đột với Nga nếu không nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ. Ngoài ra, ông cũng nhận định Kiev cần nhanh chóng "thay đổi chiến lược của mình".

AN BÌNH