EU lúng túng đối phó người di cư

Thứ năm, 03/09/2015 09:58

(Cadn.com.vn) - Các nước Liên minh Châu Âu (EU) đang cho thấy sự “siêu vụng về và lúng túng” trong cách xử lý cuộc khủng hoảng người di cư, đúng như lời nhận xét của Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel.

Dòng người di cư đang bùng nổ ở Châu Âu giống như thời kỳ chiến tranh Balkan những năm 1990 - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của Châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Người di cư, tay cầm vé tàu, biểu tình bên ngoài nhà ga Keleti ở thủ đô Budapest, Hungary. 
Ảnh: Reuters

Bế tắc

Tuy nhiên, EU đang cho thấy sự bế tắc trong nỗ lực đối phó với sự xuất hiện của hàng trăm ngàn người nghèo và tuyệt vọng đến từ Châu Phi và Trung Đông như thế này.

Phó Thủ tướng Đức Gabriel cho rằng, vấn đề là một số nước EU chỉ tích cực tham gia vào dự án mà họ có thể thu về lợi nhuận mà không vì cộng đồng. Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi đầu tuần này cho rằng, nếu các thành viên EU không thể nhất trí với “sự phân phối công bằng về những người tị nạn”, thì cần xem xét lại hộ chiếu đi lại tự do của các nước khu vực Schengen. Nhưng theo ông Gabriel, một kết cục như vậy sẽ là đòn khủng khiếp đối với EU. “Từ bỏ biên giới mở sẽ là bước thụt lùi khổng lồ trong lịch sử Châu Âu”, ông Gabriel nói.

EU thật sự đang phải vật lộn đối phó với dòng người di cư lớn chưa từng thấy. Cơ quan Quản lý Biên giới EU (Frontex) cho biết, số người di cư đặt chân đến biên giới EU vượt qua con số 340.000 trong 7 tháng đầu năm 2015, một con số kỷ lục. Trong số đó, khoảng 230.000 người đi vào Hy Lạp, để từ đó tìm đường đến các nước giàu có khác. Nhưng vấn đề đặt ra là giới lãnh đạo các nước trong khu vực vẫn chưa thể tìm được lời giải cho bài toán đau đầu này cũng như vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào ngoài việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn. Thủ tướng Merkel cho rằng, cuộc khủng hoảng di cư hiện nay là “thách thức lớn hơn nhiều so với vấn đề Hy Lạp và sự ổn định của đồng EUR”.

Căng thẳng đang gia tăng khi một vị thủ tướng cáo buộc các nhà lãnh đạo khác “không nói sự thật” về người di cư.

Thách thức gia tăng

Hy Lạp đang trở thành điểm đến mới trên hành trình đi tìm “miền đất hứa”. Hàng ngàn người di cư đến Hy Lạp trong bối cảnh Athens đang chật vật lo giải quyết cuộc khủng hoảng nợ từng đẩy nước này đến bờ vực phá sản và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone). Trong đêm 1-9, hai tàu chở hơn 4.200 người di cư cập cảng Piraeus.

Tại Hungary, khoảng 2.000 người, chủ yếu là từ Trung Đông, bị kẹt bên ngoài một nhà ga khi họ không được phép lên tàu đi du lịch đến Áo và Đức. Những người di cư, cầm vé tàu trên tay, giận dữ biểu tình bên ngoài nhà ga buộc cảnh sát phải can thiệp. Hungary hôm 31-8 cho phép số lượng lớn người di cư lên tàu tại ga Keleti ở phía đông Budapest đến Vienna và miền nam nước Đức. Nhưng 1 ngày sau đó, các nhà chức trách Hungary bất ngờ quyết định phong tỏa nhà ga, tuyên bố, cần phải kiểm soát kỹ và chỉ cho phép người có giấy tờ hợp lệ lên tàu.

Đức đang là niềm hy vọng cho người di cư. Berlin mới đây tuyên bố sẽ cho phép người Syria đến từ các quốc gia EU xin tị nạn. Nhưng một phát ngôn viên chính phủ nước này cho biết, “Quy chế Dublin” - vốn quy định người tị nạn phải xin tị nạn tại nước EU đầu tiên mà họ đến - không bị treo. “Quy tắc Dublin vẫn còn hiệu lực và chúng tôi hy vọng các nước thành viên Châu Âu đoàn kết lại giải quyết vấn đề”, một phát ngôn viên Bộ Nội vụ cho biết.

Mối nguy hiểm rình rập trên chặng đường đến EU của người di cư hiện hữu sau khi giới chức Vienna tìm thấy 71 thi thể trong chiếc xe tải bị bỏ bên đường cao tốc đi từ Áo đến Budapest. Trong khi đó, hàng ngàn người khác thiệt mạng trong các vụ chìm tàu. Và người ta đang chờ đợi một “phép mầu” trong cuộc họp khẩn của EU vào ngày 14-9 tới tại Brussels (Bỉ)?

Khả Anh