Tị nạn hay di cư ?

Thứ bảy, 29/08/2015 08:51

(Cadn.com.vn) - Dòng người từ các quốc gia nghèo đói và chiến tranh đang đổ về Châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng mà giới phân tích cho rằng, không rõ nên gọi là “khủng hoảng di cư” hay “khủng hoảng người tị nạn”.

Ngày qua ngày, hình ảnh những người cha người mẹ kiệt sức và ướt sũng ôm chặt những đứa con với đôi mắt ngơ ngác khi họ đến được bờ biển của Châu Âu đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.

Đó là kết quả của một cuộc hành trình dài đau đớn, liều lĩnh và dễ bị tổn thương qua Địa Trung Hải trên những con thuyền ọp ẹp.

Người tị nạn Syria chờ để vượt rào biên giới Hungary từ Serbia hôm 28-8. Ảnh: AP

Các nước Châu Âu đau đầu

Các quốc gia EU đang đau đầu trong việc tìm giải pháp đối với dòng người tị nạn đông chưa từng có đến từ Châu Phi và Trung Đông - những người sẵn sàng mạo hiểm vượt hàng ngàn ki-lô-mét từ vùng tây Balkan tới Đức, bám trên nóc xe tải đi từ Pháp sang Anh hay vượt Địa Trung Hải trên những con thuyền đầy nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê, trong tháng 7, có hơn 100.000 người tị nạn ở các khu vực biên giới Liên minh Châu Âu (EU), trong đó Hy Lạp chứng kiến số người tị nạn kỷ lục với hơn 20.800 người mới. Tại Macedonia,  chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp vì dòng người tị nạn vượt quá khả năng xử lý. Hungary - được coi là trạm trung chuyển để tới các nước phát triển hơn trong EU - xây dựng rào chắn dọc biên giới Serbia, thắt chặt các quy định về di cư. Mới đây, Budapest thậm chí tuyên bố xem xét khả năng điều động quân đội bảo vệ đường biên giới phía nam, nơi người di cư tìm mọi cách vượt qua để tràn vào EU.

Tại Áo, Bộ nội vụ nước này hôm 28-8 cho biết, số người tị nạn bị chết thảm trong xe tải bị bỏ rơi trên một đường cao tốc - dẫn từ thủ đô Budapest của Hungary đến Vienna của Áo - tăng lên hơn 70. Tại nhiều quốc gia lớn khác như Đức, Pháp, Thụy Sĩ..., số người tị nạn cũng tăng ở mức cao kỷ lục.

Bùng nổ những tranh cãi

Cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới II tới nay đang đè nặng lên vai các nhà lãnh đạo các nước EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thổng Pháp Francois Hollande mới đây kêu gọi các nước Châu Âu phải có một phản ứng thống nhất trước vấn đề này và xây dựng hệ thống nguyên tắc chung để bảo vệ các quyền của người tị nạn.

Vấn đề đặt ra là “những người khốn khổ” trên có được coi là “người tị nạn” - tức là sẽ được bảo vệ theo luật quốc tế, hay họ đơn giản chỉ là “người di cư” - thuật ngữ thường dùng để chỉ những người tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở một nước khác. Các quan chức LHQ cho biết, phần lớn trong số gần 140.000 người vượt qua Địa Trung Hải vào Châu Âu trong nửa đầu năm nay đều chạy trốn chiến tranh, xung đột hay bị ngược đãi ở các nước như Syria, Afghanistan, Pakistan và Eritrea... “Những người chạy trốn chiến tranh xứng đáng được thông cảm. Họ cần được xem là người tị nạn để nhận được sự giúp đỡ”, người phát ngôn Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) William Spindler nhận định.

Tuy nhiên, cho đến nay, các quan chức Châu Âu cho biết, sử dụng thuật ngữ “người tị nạn” là không chính xác. Họ đưa ra ví dụ, nhiều người ở Tây Phi đến Italia, không phải vì chạy trốn chiến tranh hay ngược đãi mà chỉ muốn tìm kiếm cuộc sống với tiêu chuẩn cao hơn ở các nước Châu Âu. “Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản: Những người đang di chuyển trên khắp thế giới, nhưng chưa xin tị nạn, chúng tôi xem họ là dân nhập cư”, AP dẫn lời Fredrik Beijer, Giám đốc pháp lý Cơ quan Di trú của Thụy Điển cho biết.

Tuy nhiên, thiết nghĩ, các bên hãy tạm gác qua những tranh cãi về cái gọi là “người tị nạn” hay “người di cư” để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng lần này. Bởi thực tế nghiệt ngã cho thấy, có hàng ngàn người đã chết đuối, chết khát, hay chết đói trên đường đi tìm “thiên đường sống”.

Khả Anh