EU trước nguy cơ Brexit

Thứ hai, 11/05/2015 11:12

(Cadn.com.vn) - Việc lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông David Cameron sẽ tiếp tục nắm giữ chức thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp sau khi giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử gay cấn ở Anh, đang phủ bóng mây u ám lên mối quan hệ giữa London với Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Cameron từng yêu cầu cải tổ toàn diện EU, trả lại cho các nước thành viên một số thẩm quyền, đặc biệt là về chính sách ngoại giao, chính sách nông nghiệp chung... Tuy nhiên, EU vẫn luôn bác bỏ mọi yêu cầu sửa đổi, động thái khiến mối quan hệ hai bên ngày càng căng thẳng. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Thủ tướng Cameron từng tuyên bố sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh có nên ở lại EU hay không nếu tái đắc cử. Vì vậy, chiến thắng của ông sẽ dẫn dắt vương quốc này vào cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc rời khỏi EU, động thái mà giới báo chí gọi là “Brexit”.

Giới phân tích cho rằng, việc Anh ra đi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến EU, đồng thời phá vỡ môi trường cạnh tranh công bằng và tự do thương mại của lục địa già. Tuy nhiên, London cũng không phải là không mất gì. Anh sẽ mất đi vị thế trên trường quốc tế và phải đàm phán lại với EU hàng loạt các hiệp định về thuế và thương mại.

Lo sợ Anh rời khỏi EU, Ủy ban Châu Âu (EC) ngay lập tức ve vãn London. EC tuyên bố muốn có sự hợp tác mang tính xây dựng với Anh liên quan các cải tổ mà London muốn khối này cần thực hiện.  EC đồng thời cho biết đã sẵn sàng các cuộc thảo luận với Anh về khả năng cải tổ các Hiệp ước của EU. Liên minh này cũng đề nghị London sớm đưa ra những đề nghị cải cách cụ thể, song khẳng định chỉ chấp nhận những thay đổi nhỏ, đặc biệt là không bàn đến các hiệp ước căn bản như Hiệp ước Schengen liên quan đến quyền tự do đi lại của công dân Châu Âu hay hiệp ước về thị trường duy nhất.

Tuy nhiên, thực tế là không có sự thay đổi nào là dễ dàng. Bởi bất kỳ thay đổi nào đều phải được cả 28 nước thành viên thông qua. Nhiều lãnh đạo chủ chốt EU cũng cảnh báo sẽ có “giới hạn đỏ” trong việc đàm phán với Anh trong đó phát đi thông điệp “EU muốn giữ Anh ở lại, nhưng không phải bằng mọi giá”. Trên thực tế, Anh, dù là thành viên EU nhưng có nhiều “quyền đặc biệt” như việc London không tham gia Hiệp ước Schengen hay không sử dụng đồng tiền chung EUR, mà vẫn giữ đồng bảng Anh...

Chiến thắng của ông Cameron cho thấy rõ tương lai khó khăn giữa Anh với các nhà lãnh đạo EU với dự đoán về nhiều mặc cả gay go để thay đổi. Dù chiến thắng ngoạn mục, quá nhiều thách thức đang chờ đợi Thủ tướng Cameron. Rõ ràng, tất cả vẫn phụ thuộc vào những lá phiếu của người dân Anh nhưng điều quan trọng ông Cameron sẽ làm thế nào để “giúp” nước Anh tiếp tục ở lại EU.

Thanh Văn