Festival Huế, hồn quê trầm tích
(Cadn.com.vn) - Đi trong không gian Huế mùa Festival, một điều dễ cảm nhận là ở đâu cũng lung linh một hồn quê lắng đọng. Huế là một trong những chiếc nôi của tà áo dài Việt Nam. Hình ảnh tà áo dài nữ sinh Đồng Khánh mỗi khi tan trường đã khảm vào tâm thức Huế bao đời. Kỳ Festival Huế nào cũng có chương trình Lễ hội áo dài, thế mà luôn luôn hấp dẫn, thu hút người xem. Festival Huế có lễ hội Sắc màu Thanh Tiên, tôn vinh nghề làm hoa giấy từ bao đời nay.
Cái làng nhỏ bé ấy mà cũng góp vào Festival Huế một lễ hội mang đậm chất quê dân dã, thu hút đông đảo khách từ phố về xem. Theo dòng du khách, tôi về Cầu ngói Thanh Toàn với “Chợ quê ngày hội”. Cầu ngói Thanh Toàn giống như Chùa Cầu Hội An. Chợ quê ngày hội được tổ chức xung quanh cây cầu này. Khách ta khách Tây đến say mê nhìn ngắm, quay phim, chụp ảnh những vật dụng gia đình nhà quê như giỏ bắt cua, oi nơm cá, thúng, mủng, giần sàng, rổ rá, liềm, hái, lưỡi cày, cho đến cái guồng đạp nước, chiếc cối xay lúa, cối giã gạo...
Điều lý thú là du khách có thể tham gia vào việc xay lúa, giã gạo, đập đe thợ rèn, hay làm nón, làm thợ mộc... Có bà mẹ Việt Kiều ở Mỹ về, dắt theo hai con nhỏ đi “Chợ quê ngày hội”. Tôi thấy bà say mê chỉ cho những đứa con sinh ra ở xứ người những thứ nông cụ, dụng cụ mà cha mẹ bà đã sử dụng để làm ra hột lúa, bát canh nuôi sống mình. Hai đứa trẻ nghe mẹ giảng giải như nghe chuyện cổ tích. Rồi chúng cầm từng thứ một lên tay, bắt mẹ chụp ảnh kỷ niệm. Hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế đổ về làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, cách Huế gần 40km để tham dự Lễ hội “Hương xưa làng cổ”.
Sử sách triều Nguyễn kể rằng, các vua Gia Long, Minh Mạng đến Đồng Khánh ăn uống rất cầu kỳ. Cơm vua ăn được nấu bằng gạo De (An Cựu) được lựa từng hạt. Nồi nấu cơm là một cái niêu đất nhỏ do làng gốm Phước Tích sản xuất. Làng gốm Phước Tích có niêu đất trứ danh “tiến vua”, sánh ngang với các đồ sứ “Ngự Thiện” Trung Quốc thời ấy, hôm nay vẫn còn bên bờ sông Ô Lâu như 500 năm trước. Cả làng Phước Tích ở trong những ngôi nhà rường cổ kính, ở dưới vòm lá cổ thụ xanh tốt như một bảo tàng văn hóa, một bảo tàng hồn quê Việt đặc biệt.
Một nét “Chợ quê ngày hội” trong Festival Huế. |
Dường như mấy trăm năm binh biến, thiên tai khắc nghiệt miền Trung chẳng ảnh hưởng mấy đến làng này. Một làng di sản cổ thuần Huế, thuần Việt nguyên vẹn như thế mà suốt 50 thế kỷ “lẩn khuất” dưới màu xanh cây cổ thụ mà mãi đến năm 2003, GS-TS- KTS Hoàng Đạo Kính mới phát hiện ra. Hồn quê Phước Tích Festival này lại bừng thức. Người ta say mê với những trò chơi văn hóa cũ như đu tiên, kéo co. Nhiều du khách quốc tế mong được sống “ẩn dật” trong ngôi nhà rường hơn trăm tuổi cho thỏa chí tang bồng.
Về Phước Tích khi nghề gốm được phục hồi, ai cũng muốn tham gia vào việc tự tay nặn một chiếc bình gốm, nấu nồi cơm om bằng niêu đất... Cái chất hồn quê trầm tích còn được khơi dậy trong các kỳ Festival Huế rất bất ngờ trong những trò diễn, những triển lãm tranh tượng ở góc vườn Huế nào đó. Nói về Festival Huế, tôi không thể không nói tới tiết mục đi cà kheo của đoàn nghệ thuật Bỉ luôn được du khách và khán giả Huế tán dương nhiệt liệt. Con người luôn có ước mơ đứng cao hơn, bay lên cao hơn, đi nhanh hơn. Cà kheo có thể là ước vọng đầu tiên đứng cao hơn đôi chân của mình của con người.
Quê tôi làng biển, dân thường dùng cà kheo để lội ra vùng biển nước sâu kéo lưới, vì không thể vừa bơi vừa kéo lưới được. Đi cà kheo cao tới hơn ba bốn mét chưa phải là kỳ tích trong sáng tạo của con người, nhưng sao khi thấy những diễn viên cà kheo Bỉ vui vẻ trên đôi cà kheo cao lêu nghêu, tôi thấy con người thật đáng yêu làm sao. Và tôi cho đây cũng là một “chất hồn quê” Việt đã được quốc tế hóa, trầm tích trong cõi hiện đại này...
Tôi cứ nghĩ, gặt hái lớn nhất từ những ngày Festival là những suy tư và nhận thức về văn hóa. Văn hóa hồn quê trầm tích ngàn năm đã được khơi dậy, bừng thức như là thước đo những thành công của các lễ hội, và cũng chính là sức mạnh, sức thu hút, sức lan tỏa của Huế. Văn hóa Festival Huế đang làm thức dậy trong lòng mỗi người tình yêu quê hương xứ sở...
Ngô Minh