Festival Tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới: Sứ mệnh của lụa
(Cadn.com.vn) - Lần đầu tiên, một chương trình về lụa với sự tham dự từ hơn 8 nước có nền dệt lụa nổi tiếng trên thế giới tề tựu tại Làng lụa và khu phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đây không chỉ là chương trình xúc tiến du lịch mà thông qua đó còn góp phần vực dậy nghề ươm tơ dệt lụa đã mai một tại nhiều địa phương trên cả nước. Sứ mệnh của lụa là mang những cái tên Mã Châu, Vạn Phúc, Hà Đông đến gần hơn với bạn bè thế giới.
Biểu diễn dệt thổ cẩm là nét đặc sắc mới trong khuôn khổ festival năm nay. |
Nhiều hoạt động độc đáo
Nằm trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017, Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 13-6 tại Làng Lụa Hội An và Khu phố cổ Hội An. Đây là một lễ hội đặc biệt trong khuôn khổ Hành trình Di sản Văn hóa Quảng Nam 2017; đồng thời cũng là hoạt động của Hiệp hội Tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa Châu Á tại Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của các quốc gia: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Brazil; các tổ chức như Hiệp hội tơ lụa Châu Á, Hiệp hội tơ lụa thế giới, Học viện Mêkông Thái Lan; cùng gần 20 làng nghề tơ lụa và cơ sở dệt lụa trong nước.
Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam- Châu Á 2017 nhằm mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam (Vạn Phúc, Hội An, Mã Châu, Bảo Lộc, An Giang, Thái Bình...) đã có từ lâu đời; động viên tinh thần các nhà sản xuất, nghệ nhân gìn giữ những giá trị truyền thống; đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế với những đối tác đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và các nước Châu Âu. Tại Festival lần này, Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế các làng nghề lụa nổi tiếng như Làng lụa tơ tằm Bảo Lộc, Vạn Phúc, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận, Mã Châu Duy Xuyên, đũi Thái Bình, thổ cẩm Hà Giang, thổ cẩm Khmer An Giang, với các nghệ nhân tham gia trình diễn kỹ thuật truyền thống cho du khách thưởng lãm. Đặc biệt, Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) có sự tham gia của hai nghệ nhân trẻ là những người được truyền nghề từ một nghệ nhân nổi tiếng nhất của làng Vạn Phúc; thương hiệu đũi tỉnh Thái Bình với dòng sản phẩm riêng biệt mang tên Đũi của Công ty Hanhsilk dùng để may áo dài hoặc vest cho nam.
Làng lụa Hội An là nơi diễn ra các hoạt động chính của festival Tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và Thế giới. |
Không để lụa giả, lụa kém chất lượng tại festival
Ông Lê Vỹ - Quản lý làng lụa Hội An cho biết: "Hiện nay mọi công tác chuẩn bị cho festival tại làng lụa đã hoàn tất. Đây được xem là dịp quảng bá lớn nhất từ trước đến nay với sự tham dự của nhiều quốc gia nổi tiếng về lụa. Trong dịp này sẽ có chương trình biểu diễn 18 bộ sưu tập của các nhà thiết kế trên chất liệu lụa tại Khổng Miếu Hội An (nhà thiết kế Minh Hạnh đạo diễn). Tham gia Festival Tơ lụa lần này, du khách có thể tham quan miễn phí bảo tàng tơ lụa, trải nghiệm phiên chợ quê cũng như chiêm ngưỡng các mẫu thiết kế của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh hay thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Chămpa... Bên cạnh các hoạt động trình diễn, Festival Tơ lụa Việt Nam - Châu Á còn có các hoạt động khá thú vị khác với sự tham gia của đại diện 10 làng nghề Việt Nam, hơn 100 đơn vị may đo Hội An, Học viện Mêkông... Đây cũng là cơ hội để các nhà thiết kế, nhà sản xuất tơ lụa, các làng nghề tìm kiếm cơ hội giao lưu và hợp tác...
Ông Lê Thái Vũ - Giám đốc Công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam cho biết, sẽ mời làng nghề tơ lụa Vạn Phúc, Hà Đông tham dự Festival năm nay. Ông cũng khẳng định sẽ không có tình trạng lụa Trung Quốc gắn mác tơ lụa Vạn Phúc, lụa giả kém chất lượng xuất hiện tại Festival. Năm nay, các sản phẩm lụa Việt Nam, các sản phẩm lụa Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên Trung Quốc cũng tham gia trưng bày sản phẩm tại Festival với nguồn gốc xuất xứ được ghi rõ ràng. Ông Vũ cho biết thêm, trong sáng 12-6, Hiệp hội Tơ lụa thế giới sẽ có buổi gặp mặt với chính quyền Hội An và ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội Tơ lụa Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp hội Tơ lụa cũng sẽ đưa ra các giải pháp trước tình trạng lụa thật, lụa giả, đưa vào đề cương hoạt động của Hiệp hội, gửi tờ trình định hướng để tác động đến người tiêu dùng và nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền để giữ uy tín cho người làm lụa. Ngoài giới thiệu, trưng bày các mặt hàng lụa và thổ cẩm, 2 buổi Hội thảo chuyên sâu với đề tài: Tơ Lụa trong đời sống hiện đại và giải pháp để phát triển ngành tơ lụa Việt Nam do Hiệp Hội Tơ lụa Việt Nam chủ trì được tổ chức tại Làng Lụa Hội An và Hội thảo Con đường Tơ Lụa Việt Nam do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì. Thông qua hội thảo góp phần nâng tầm lụa Việt Nam nói chung và lụa Quảng Nam nói riêng lên tầm cao mới. Qua đó góp phần đưa tên tuổi nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Đồng Dao