Festival văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam và thế giới: Sáng bừng lụa Việt
(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 12, 13-6 tại làng lụa Hội An (Quảng Nam) diễn ra Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017. Đây là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động Festival Di sản Quảng Nam với sự tham dự của 7 nước Châu Á và 12 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam. Tham dự festival có ông Fei Jiangmin - Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới, ông Dilip Barooah Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Châu Á.
Trưng bày lụa truyền thống ở làng lụa Hội An. |
Ngày hội lớn
Ông Lê Thái Vũ -Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam cho biết: "Đây là lần thứ 3 làng lụa tổ chức festival về lụa. Chương trình nhằm tôn vinh văn hóa ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối mở rộng đầu ra cho tơ lụa từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức thị trường quốc tế". Với uy tín là thành viên của Hiệp hội tơ lụa thế giới và Hiệp hội Tơ lụa Châu Á, làng lụa Hội An đã quy tụ được những gương mặt sáng giá nhất của ngành sản xuất tơ lụa đến từ Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan... Tại Việt Nam, các công ty sản xuất tơ lụa lớn tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hà Nội cũng có mặt với những sản phẩm mới như Bảo Lộc silk, Nha Xá silk, Hạnh silk... Đặc biệt, festival lần này còn thu hút 80 nghệ nhân đến từ các miền núi phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khơ me tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơ Tu miền Trung. Các làng nghề Tân Châu, Chăm Ninh Thuận đều mang máy móc và sản phẩm về làng lụa để trưng bày, trình diễn kỹ thuật nhuộm truyền thống. Như làng lụa Nhữ Xá trình diễn kỹ thuật bí truyền nhuộm lụa từ thảo mộc thiên nhiên. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm An Giang sử dụng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau để làm ra sản phẩm khăn choàng, xà rông, khăn bàn với sự phối màu chỉ công phu.
Trong dịp này NTK Minh Hạnh đã tổ chức trình diễn Đêm hội phương Đông với 18 bộ sưu tập trên chất liệu lụa. NTK Minh Hạnh cho biết: "Để đưa ngành thiết kế và sản xuất của Việt Nam ra thế giới cần phải sử dụng chất liệu lụa Việt vì nó có tiếng nói sáng tạo độc đáo riêng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Chúng tôi thực hiện chương trình này để nhấn mạnh rằng lụa Việt Nam hôm nay đã thực sự đi vào cuộc sống với những chất liệu sang trọng, thiết kế gọn nhẹ. Chúng ta cần chung tay bảo tồn và phát huy". Điểm mới trong dịp festival lần này là những buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo bên lề liên quan đến lụa. Trong khuôn khổ festival diễn ra song song 2 buổi tọa đàm "Lụa trong đời sống hiện đại" và "Con đường tơ lụa Việt Nam". Tại đây các làng lụa truyền thống đã chia sẻ, trao đổi với nhau những kinh nghiệm quý trong việc lưu giữ nghề dệt lụa truyền thống. Ông Fei Jiangmin-Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới cho biết: "Hiện nay, Hiệp hội Tơ lụa thế giới đang hướng đến việc thành lập các hội đồng chuyên nghiệp về lịch sử văn hóa tơ lụa, thiết kế thời trang kỹ thuật và thương mại. Mỗi hội đồng sẽ bao gồm các chuyên gia và doanh nhân từ nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, thắt chặt quan hệ truyền thống và giao lưu với các đơn vị thành viên".
Biểu diễn dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. |
Sức sống của lụa
Chiều 12-6, buổi trò chuyện do Không gian đọc Hội An phối hợp với Hội quán các bà mẹ TP Hồ Chí Minh tổ chức xung quanh đề tài Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học đã thực sự là luồng gió mới thu hút nhiều sự quan tâm của du khách. Buổi trò chuyện có sự góp mặt của nhà văn Nhật Chiêu và cô giáo Đoàn Liệp. Thông qua hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam, cô Đoàn Liệp đã làm sống dậy những bài thơ, bài văn của những tác giả quen thuộc như Nguyễn Tuân, Thạch Lam. Cô Liệp đã tự sáng tác cụ thể hóa những hình ảnh văn chương vào chiếc áo dài để thu hút học trò vào những bài giảng văn. Những chiếc áo về tranh đông hồ, về đám cưới chuột, về những hình ảnh dân gian Việt Nam đã trở thành một mô hình giảng dạy mới, thông qua đó chiếc áo dài một lần nữa ghi sâu vào trí nhớ học trò. Nhà văn Nhật Chiêu cho biết: "Lụa không chỉ thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn là văn hóa của cả một dân tộc. Chừng nào còn giữ được sự kết nối của lụa vào đời sống qua hình ảnh chiếc áo dài thì chừng đó chúng ta sẽ còn tự hào về văn học Việt, văn hóa Việt. Đó còn là một phần rất quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa phương Đông".
Chị Nguyễn Thanh Thúy-Chủ nhiệm Hội quán các bà mẹ chia sẻ: "Chúng tôi biết đến và gắn liền với lụa Mã Châu H. Duy Xuyên đã hơn 1 năm nay. Trong suốt quá trình đó chúng tôi đã hiểu rằng lụa truyền thống nói chung và các làng nghề truyền thống đã bị mai một rất nhiều. Thông qua hình ảnh chiếc áo dài chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng cần phải làm sống dậy nét đẹp kín đáo đằm thắm của phụ nữ Việt Nam thông qua những chiếc áo dài. Áo dài không chỉ được mặc vào các dịp lễ quan trọng mà còn cần phải xuất hiện thường xuyên hơn trong đời sống và lụa truyền thống chính là chất liệu mà chúng tôi gửi gắm ý tưởng của mình". Song song với những gì đã chia sẻ, Hội quán các bà mẹ đã đến viếng hương mộ Bà chúa tằm tang cũng như giới thiệu đến du khách những mẫu vải, áo dài độc đáo. Trong thời gian đến Hội quán, các bà mẹ sẽ tiếp tục tặng những mẫu áo dài đến với phụ nữ ở nhiều địa phương. Qua đó sẽ góp phần làm sống dậy nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống và giữ gìn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Đồng Dao