G7 phản đối hoạt động cải tạo đất ở biển Đông

Thứ ba, 09/06/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Lãnh đạo các nước G7 thiết lập mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa an ninh toàn cầu, từ cuộc nổi dậy của các tổ chức khủng bố cực đoan, xung đột Ukraine cho đến những hoạt động cải tạo đất gây bất ổn của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong Tuyên bố chung công bố hôm 8-6, các nhà lãnh đạo G7 phản đối mạnh mẽ hoạt động cải tạo đất quy mô lớn trên biển Đông mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc.

Cũng trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị kéo dài 2 ngày tại lâu đài Elmau ở Đức, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine đồng thời khẳng định việc có gia tăng trừng phạt Nga hay không là phụ thuộc vào việc Moscow thực thi thỏa thuận ngừng bắn Minsk giữa các lực lượng của Ukraine và phe nổi dậy. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 cũng xác nhận cam kết sẽ thông qua thỏa thuận tại hội nghị về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới, với mục tiêu đến năm 2050 sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại lâu đài Elmau, Đức hôm 8-6. Ảnh: Reuters

CÁC VẤN ĐỀ AN NINH

Nói về các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn tại biển Đông tranh chấp của Trung Quốc, G7 cho rằng, hành động như một phần trong những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng vũ lực.

Các nhà lãnh đạo khẳng định, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cần làm sáng tỏ cơ sở của những tuyên bố chủ quyền căn cứ vào luật pháp quốc tế chứ không phải bằng biện pháp đe doạ hay sử dụng vũ lực và cưỡng ép. Viện dẫn các hành động tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở biển Đông và biển Hoa Đông, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, các nhà lãnh đạo G7 “không thể làm ngơ trước những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng nguyên vẹn” ở hai vùng biển này.

Khi bàn đến xung đột ở Ukraine, nhóm G7 tiếp tục chỉ trích vai trò của Nga, cho rằng, Điện Kremlin muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở quốc gia láng giềng, cáo buộc mà Moscow luôn bác bỏ. Các nhà lãnh đạo 7 nền kinh tế phát triển này cũng nhất trí, G7 sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Nga không thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 2 tại Minsk, Belarus. Một số nước đề cập đến sự cần thiết của việc đối thoại với Moscow và cho rằng không thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà không tiến hành cuộc đối thoại này.

Trong động thái đáp trả mạnh mẽ những cáo buộc vô căn cứ của G7, Nga tuyên bố không thấy có gì mới trong các phát biểu của lãnh đạo nhóm này, đồng thời cho rằng đang có những bất đồng giữa các nước thành viên G7.

CÁC MỤC TIÊU KINH TẾ

Khủng hoảng nợ công Hy Lạp, việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng (dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay), cũng được G7 đặc biệt quan tâm.

Trong đó, các lãnh đạo G7 thỏa thuận sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến AIIB – vốn được xem là đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Trong bài phát biểu tại hội nghị lần này, Thủ tướng Abe cho biết, ông không có ý định chỉ trích một số thành viên G7 ký tham gia AIIB, trở thành thành viên sáng lập ngân hàng. Tuy nhiên, ông kêu gọi các lãnh đạo G7 khác cần có cùng ý chí khi xem xét vấn đề, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước. Nhà lãnh đạo Nhật cũng kêu gọi sự minh bạch trong quản lý và tiêu chuẩn cho vay của AIIB, đặc biệt là giải quyết các vấn đề như tham nhũng.

Hiện có 57 quốc gia, trong đó có 3 thành viên G7 là Anh, Đức và Pháp, gia nhập AIIB với tư cách thành viên sáng lập. Nhật và liên minh chủ chốt Mỹ vẫn đứng ngoài thể chế này. Trên thực tế, Tokyo hiện vẫn do dự trong quyết định có nên gia nhập AIIB hay không bởi Nhật vẫn tuyên bố sẽ không có một quyết định cuối cùng cho đến khi Trung Quốc giải quyết được các lo ngại của Tokyo về khả năng đối phó với nợ, bảo vệ môi trường và khả năng quản trị.

Khả Anh