G7 phản đối khiêu khích ở biển Đông
(Cadn.com.vn) - “Tuyên bố Hiroshima” của Hội nghị ngoại trưởng Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về vấn đề biển Đông rõ ràng muốn chuyển tải thông điệp: Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu tiếp tục hành động sai trái ở khu vực này.
Kết thúc cuộc họp 2 ngày tại thành phố Hiroshima của Nhật, các ngoại trưởng G7 ngày 11-4 ra tuyên bố quyết liệt phản đối hành động khiêu khích ở biển Đông và biển Hoa Đông, hai khu vực mà Trung Quốc đang có những tuyên bố chủ quyền vô lý khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ.
Sau hội nghị, các vị thủ lĩnh ngành ngoại giao của Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh, Mỹ và một đại diện của Liên minh Châu Âu (EU) cũng mạnh mẽ lên án Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân hôm 6-1 và khẳng định sẽ chiến đấu đến cùng chống chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa an ninh toàn cầu.
Các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông khiến cộng đồng quốc tế quan ngại |
Hòa bình cho biển Đông
“Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ sự ép buộc, đe dọa hay các hành động khiêu khích đơn phương nào có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng và leo thang căng thẳng ở các khu vực này - tức biển Đông và biển Hoa Đông”, tuyên bố của nhóm G7 nêu rõ.
“Tuyên bố Hiroshima” của G7 lần này cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật biển quốc tế và thực thi mọi phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa án. Tuyên bố này rõ ràng là đề cập đến vụ kiện liên quan tới tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Philippines ở biển Đông. Hiện tại, Manila yêu cầu Tòa án Trọng tài thường trực Quốc tế ở The Hague (PCA) xét xử vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Đông với Bắc Kinh. Theo kế hoạch, PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay vẫn kiên quyết không tham dự phiên tòa này và khẳng định không công nhận bất kỳ quyết định nào của PCA.
Trong tuyên bố đáp trả, Bắc Kinh cho rằng, “họ không hiểu rõ tuyên bố của G7”, nhưng lại cho rằng, nhóm này đang tìm cách “phóng đại” các tranh chấp. Trước khi diễn ra hội nghị này, Bắc Kinh cũng cảnh báo G7 không đưa vấn đề tranh chấp biển vào chương trình nghị sự và không cường điệu hóa vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo và phản đối của Trung Quốc, Nhật Bản – quốc gia chủ nhà hội nghị lần này – vẫn ưu tiên thảo luận vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông.
Và một thế giới không vũ khí hạt nhân
Không chỉ có vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông, hội nghị ngoại trưởng G7 năm nay bị phủ bóng bởi “mối đe dọa từ Triều Tiên” sau khi Bình Nhưỡng thử bom hạt nhân hồi tháng 1 và thử tên lửa tầm xa sau đó.
Tại hội nghị, các ngoại trưởng G7 kêu gọi vì “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” sau khi mạnh mẽ lên án chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un. “Chúng tôi mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân hôm 6-1 và vụ thử tên lửa đạn đạo vào ngày 7-2... Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân trong thế kỷ XXI”, tuyên bố G7 nhấn mạnh. Vì vậy, các ngoại trưởng cho rằng, những nỗ lực thoát khỏi thế giới của vũ khí hạt nhân hiện càng phức tạp hơn bởi hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng cũng như môi trường an ninh ngày càng xấu đi tại Syria và Ukraine.
Mới đây, hôm 9-4, Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công động cơ được thiết kế cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vốn giúp nước này mở một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nhằm vào lục địa Mỹ - động thái khiến Washington tức giận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại dù vẫn sẵn sàng gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.
Khả Anh
Ngoại trưởng G7 thăm khu tưởng niệm Hiroshima Ngày 11-4, các ngoại trưởng G7, gồm cả ngoại trưởng Mỹ John Kerry, có chuyến thăm lịch sử đến khu tưởng niệm ở thành phố Hiroshima của Nhật – nơi tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới của Washington. Theo BBC, các ngoại trưởng đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nguyên tử. Ông John Kerry là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến đây kể từ sau khi Washington thả bom nguyên tử vào thành phố này vào ngày 6-8-1945 khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng. Ngoại trưởng Mỹ cho biết, chuyến thăm này là lời nhắc nhở quan trọng cho thấy thế giới cần phải thoát khỏi vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry không xin lỗi về vụ việc này.
T.Linh |