Chuyển đổi ngành nghề cho nông dân diện di dời giải tỏa:

Gắn đào tạo nghề với hướng nghiệp

Thứ tư, 07/08/2013 09:19

(Cadn.com.vn) - Sáng 6-8, UBND Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân thuộc diện di dời giải tỏa (DDGT), thu hồi đất sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2011-2020” và nêu mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án trong những năm tới...

NHIỀU MÔ HÌNH TIÊU BIỂU

Q. Ngũ Hành Sơn là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất đã được thu hồi và chuyển mục đích sử dụng để đầu tư, phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Tính đến nay, toàn quận có gần 100 dự án (DA) đã và đang triển khai thực hiện, trong đó có trên 6.000 hồ sơ thực hiện việc DDGT, thu hồi đất sản xuất với tổng diện tích thu hồi trên 1.7000ha, trong đó đất thổ cư trên 268ha, đất nông nghiệp và các loại đất khác trên 1.452ha.

Thông qua chính sách đền bù, TĐC, một số hộ dân thuộc diện DDGT có vốn đầu tư SXKD, mua sắm các phương tiện, đồ dùng thiết yếu gia đình nên đời sống khá lên. Môi trường sống của một số khu vực dân cư được cải thiện đáng kể, một bộ phận lao động (LĐ) phổ thông thêm việc làm mới và số LĐ thuần nông có cơ hội chuyển đổi ngành nghề từng bước tăng thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận người dân sau khi giải tỏa không có nghề nghiệp hoặc việc làm không ổn định nhưng có tư tưởng chủ quan, sử dụng nguồn kinh phí bồi thường của Nhà nước không đúng mục đích, thiếu kế hoạch, tạo ra áp lực lớn cho những vấn đề ASXH sau giải tỏa… Đứng trước thực trạng đó, năm 2010, UBND Q. Ngũ Hành Sơn đã ban hành Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân thuộc diện DDGT, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn quận giai đoạn 2011-2020”.

HTX May mặc P. Hòa Quý góp phần giải quyết việc làm cho nông dân hậu giải tỏa.

Hằng năm, gắn với việc thực hiện các tiêu chí về phát triển KT-VH-XH, UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, địa phương phối hợp với hội, đoàn thể và các ngành liên quan tập trung thực hiện các tiêu chí đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐ trên địa bàn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời xây dựng và hướng dẫn đầu tư phát triển các nghề trồng nấm, trồng hoa, sản xuất rau sạch, may công nghiệp, nghề mộc, điêu khắc đá mỹ nghệ, điện dân dụng, điện tử, nghề nấu ăn, các kiến thức về kỹ năng bán hàng, văn minh thương mại… qua đó từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu LĐ và cơ cấu kinh tế. Tiếp cận các dự án, doanh nghiệp, khu resort, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn để vận động tìm kiếm các thông tin về tuyển dụng LĐ đưa các LĐ địa phương đến cử tuyển và làm việc... Nhờ đó, qua 2 năm 6 tháng triển khai Đề án, toàn quận đã giải quyết được việc làm cho 6.481 LĐ; đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho 2.437 LĐ; tập huấn, trình diễn mô hình sản xuất và cho vay đầu tư vốn tạo việc làm được 2.516 LĐ…

Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu như mô hình sản xuất và chế biến nấm ăn, sản xuất rau xanh của các hộ nông dân trên địa bàn các phường Khuê Mỹ, Mỹ An, giá trị sản phẩm thu hoạch hằng năm khoảng 10-15 tỷ đồng; đặc biệt mô hình HTX May mặc gia công của P. Hòa Quý đã được đầu tư với diện tịch trên 1.000m2, tổng kinh phí 4 tỷ đồng, với hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đảm bảo, các phân xưởng được bố trí 5 chuyền may, hiện đang thu hút giải quyết cho 250 LĐ thuộc hộ nghèo, hộ DDGT, thu hồi đất sản xuất tại địa phương có việc làm ổn định, mức lương 2,5-3 triệu đồng/tháng/LĐ.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Việc chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn quận diễn ra trên quy mô lớn, đa dạng. Tuy nhiên, mức độ đầu tư hoàn thiện các hệ thống điện, đường, cấp thoát nước ở một số khu dân cư còn chậm về thời gian và tiến độ, việc bố trí TĐC cho các hộ dân sau giải tỏa còn nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động đầu tư phát triển kinh tế của nhiều hộ dân. Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng nghề của LĐ trên địa bàn nói chung và LĐ trong độ tuổi thanh niên nói riêng còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng DN thiếu LĐ nhưng LĐ vẫn thất nghiệp hoặc bị trả lương thấp vì tay nghề kém.

Ngoài ra, nhận thức về nghề nghiệp của một bộ phận LĐ tuổi thanh niên còn ỷ lại, không tự nỗ lực vươn lên nhất là thanh niên thuộc DDGT, thu hồi đất sản xuất và thanh niên thuộc hộ nghèo. Chính điều này đã dẫn đến nhiều thanh niên học trái nghề hoặc không chịu chọn cho mình một nghề thích hợp với khả năng hiện có để mưu sinh lập nghiệp, cải thiện chất lượng sống gia đình. Đồng thời, quá trình chuyển đổi ngành nghề từ kinh tế nông nghiệp vùng ven chuyển qua kinh tế dịch vụ - đô thị còn nhiều lúng túng, LĐ nông nghiệp lớn tuổi không có cơ hội hoặc rất ít cơ hội để được đào tạo, học nghề, chuyển đổi việc làm. Hơn nữa, một số cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH được phân công kiêm nhiệm về công tác LĐ - việc làm ở địa phương cơ sở, nhưng chưa được bồi dưỡng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nên lúng túng.

Ông Đoàn Ngọc Độ - Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho biết: Thời gian tới, quận tiếp tục phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn, tập huấn hướng nghiệp, hướng việc cho 800-1.000 LĐ hộ DDGT, thu hồi đất sản xuất và hộ nghèo, đến cuối năm 2015 tỷ lệ LĐ diện giải tỏa qua đào tạo đạt trên 60% so với tổng số LĐ. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra khảo sát, dự báo thông tin về nhu cầu học nghề, học việc và nhu cầu sử dụng LĐ của các cơ sở SXKD để gắn công tác đào tạo, giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Chủ động phối hợp và kêu gọi các DA và chủ đầu tư trên địa bàn ưu tiên tiếp nhận LĐ thuộc diện DDGT, thu hồi đất sản xuất  đã qua đào tạo hoặc có tay nghề đảm bảo tiêu chí tuyển dụng vào làm việc tại DN, DA. Đặc biệt, nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người LĐ nói riêng với phương châm “Học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của LĐ, nhằm tạo cơ hội giải quyết việc làm ổn định cuộc sống”...

T.Dũng