Gặp người lính "trận đầu đánh Mỹ"

Thứ bảy, 25/05/2019 12:40

Cựu chiến binh Trần Ngọc Ảnh (75 tuổi, trú P.  An Hải Bắc (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người phát hỏa trong trận Núi Thành ngày 26-5-1965- trận đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, người cựu chiến binh già vẫn vẹn nguyên bao ký ức về chiến công lừng lẫy năm xưa.

Ông Trần Ngọc Ảnh kể lại trận đánh Núi Thành trên sơ đồ.

Ðầu năm 1965, giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam hòng cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Ngày 8-3-1965, lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Ðà Nẵng. Ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của chúng đổ bộ vào Quảng Nam... Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ngàn tên xâm lược đã giày xéo trên quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng. Tại 2 xã Kỳ Liên và Kỳ Hà (Tam Kỳ, Quảng Nam), chúng xua đuổi dân đi nơi khác, lấy đất xây dựng căn cứ Chu Lai, đồng thời ráo riết càn quét, nhằm tạo ra vùng trắng chung quanh căn cứ này.

Hồi ấy, ông Ảnh là Tiểu đội trưởng trinh sát của Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, do đồng chí Võ Thành Năm làm Đại đội trưởng. Giữa tháng 5-1965, đơn vị đang đứng chân tại xã Kỳ Sanh thì nhận nhiệm vụ cơ động tập kích một đại đội Mỹ vừa đổ quân tại đồi Núi Thành, thuộc thôn Tịch Tây, xã Kỳ Liên (Tam Kỳ). Đồi Núi Thành nằm ở phía tây Quốc lộ 1A, rộng hơn 1.000m2, có nhiều mỏm, cao nhất là mỏm 50. Địch ở mỏm 50 có 1 đại đội thiếu cùng với bộ phận hỏa lực và thông tin, còn ở mỏm 49 có 1 trung đội (cách mỏm 50 khoảng 400 mét).

Ban Chỉ huy Đại đội khẩn trương tiến hành mọi công tác chuẩn bị nhằm đánh ngay khi địch đứng chân chưa vững chắc và đã chọn 62 chiến sĩ tham gia trận đánh. Phối hợp chiến đấu có Đội Đặc công V16 (Tỉnh đội Quảng Nam). Đại đội 2 đảm nhiệm tấn công mỏm 50, Đội Đặc công V16 tấn công mỏm 49. Đơn vị bí mật hành quân, vượt qua Kỳ Trà, Kỳ Sơn, đến tập kết tại xã Kỳ Thạnh vào đêm 24-5-1965. Tối 25-5, các mũi lần lượt áp sát. 24 giờ ngày 25-5, toàn đơn vị đã vượt qua hàng rào, luồn vào bên trong mục tiêu đúng ý định.

Rạng ngời niềm tự hào, ông Ảnh nhấn mạnh: "Trong trận này, tôi được giao làm mũi trưởng mũi chủ công trên hướng chủ yếu, có Đại đội trưởng cùng đi. 0 giờ 30 phút ngày 26-5, nhận lệnh phát hỏa của Đại đội trưởng, tôi liền giật nụ xòe, ném quả thủ pháo 1kg vào đội hình địch. Quả thủ pháo nổ vang, làm hiệu lệnh tấn công. Lập tức, các mũi, các hướng đồng loạt ném thủ pháo, lựu đạn, quét tiểu liên vào đội hình địch. Quân Mỹ kêu rú hãi hùng, lúng túng đối phó". 

Gần 10 phút chiến đấu, quân ta đã làm chủ tuyến công sự vòng ngoài. Tiếng hô xung phong vang rền trong căn cứ địch. Bất ngờ, một tên Mỹ tay không có súng từ trên cao tháo chạy xuống. Đại đội trưởng Võ Thành Năm vừa đưa khẩu súng ngắn lên thì tên Mỹ ôm chầm lấy anh. Phát đạn nổ vụt lên trời. Ông Ảnh sôi nổi kể tiếp: "Đồng chí Năm nhanh nhẹn chuyển thế vật lại tên Mỹ, đồng thời tôi lao tới vung quả lựu đạn chày đập liên tiếp vào đầu tên Mỹ. Y ngất xỉu tại chỗ. Đồng chí Năm bắn bồi, rồi tiếp tục chỉ huy phát triển chiến đấu, liên tiếp tiêu diệt các mục tiêu, làm chủ hoàn toàn mỏm 50".  

Ở mỏm 49, Đội Đặc công V16 vừa chiếm được tuyến công sự thứ 2 thì gặp một khẩu đại liên địch ngăn chặn. Chỉ huy Đội V16 mở thêm một hướng đột kích từ phía đông bắc đánh thẳng vào trung tâm, chia cắt đội hình địch và diệt khẩu đại liên. Chớp thời cơ, bộ đội đồng loạt xung phong, áp đảo quân thù...

Trận đánh diễn ra chừng 30 phút thì bọn giặc sống sót tháo chạy về phía căn cứ Chu Lai. Hỏa lực của Tiểu đoàn 70 kịp thời bắn truy kích tàn quân địch. Quân ta khẩn trương khiêng cáng thương binh, tử sĩ, thu chiến lợi phẩm và nhanh chóng rời khỏi trận địa để tránh phi pháo địch. Toàn đơn vị vận động trở về xã Kỳ Sanh trong niềm vui chiến thắng quyện với niềm thương tiếc 12 đồng đội đã hy sinh. Mấy hôm sau, tin từ cơ sở báo lên cho biết, trận đánh đã tiêu diệt 139 tên Mỹ.

Với Chiến thắng Núi Thành, quân dân Quảng Nam vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 8 chữ vàng: "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ". Sau ngày đất nước thống nhất, một tượng đài đã được xây dựng trên chiến trường xưa với tên gọi Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. "Tôi thường đến thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Tượng đài Chiến thắng Núi Thành và rất mong các cơ quan chức năng sớm đầu tư nâng cấp công trình đầy ý nghĩa này", ông Ảnh chia sẻ.

LÊ VĂN THƠM