Gặp nguyên bản trong vở kịch "Hai ngàn ngày oan trái" (2)

Thứ ba, 13/08/2013 14:07

* Bài cuối: Được giải oan sau gần hai ngàn ngày ngồi tù

(Cadn.com.vn) - Thực hiện lời hứa của mình, sau khi mãn hạn tù, Cao Tiến Mùi không về nhà mà tìm tới hiện trường vụ án năm xưa. Sau một thời gian ngắn, Mùi đã thu thập đầy đủ các chứng cứ liên quan đến vụ án, chứng minh Nguyễn Sỹ Lý không giết người, cũng như thu thập được lời khai của kẻ gây án để gửi đến các cơ quan chức năng. Giữa năm 1988, phiên tòa tái thẩm tuyên: Nguyễn Sỹ Lý vô tội...

Người bạn tù tốt bụng

Được mệnh danh là "đại ca gấu đen" trong chốn lao tù, nhưng Cao Tiến Mùi (quê Tân Kỳ, Nghệ An) lại có tấm lòng nghĩa hiệp. Khi nghe Nguyễn Sỹ Lý kể về vụ án và nỗi oan ức của mình, như hiểu được nỗi lòng của người bạn tù này, Mùi đã hứa một việc mà tin là mình có thể thực hiện được. Thế nên, ngay khi vừa bước chân ra khỏi nhà giam, Mùi lao vào hành trình đi tìm công lý cho bạn.

Việc đầu tiên Mùi làm là tìm gặp lại bố và các anh em của Lý để nghe kể lại câu chuyện một lần nữa. Tại cuộc gặp này, có một điều thôi thúc Mùi đẩy nhanh tiến độ giải oan cho bạn hơn, đó là trong khoảng thời gian gần 5 năm từ khi con trai bị kết án, người cha đội đơn đi khắp nơi từ tỉnh đến trung ương kêu oan cho con. Mái tóc của người cha chưa đầy 50 tuổi vì thế mà bạc trắng như cước.

Để tìm được chứng cứ chứng minh Nguyễn Sỹ Lý vô tội, Cao Tiến Mùi đã tìm gặp Bùi Văn Lai (anh trai của nạn nhân). Khi gặp Lai, Mùi nhận thấy Lai chính là mấu chốt của vụ án nên bằng mọi cách tiếp cận để nói chuyện. Bất chấp sự xua đuổi, bằng sự kiên trì, vừa dọa dẫm vừa thuyết phục, dần dần Mùi đã cảm hóa được Lai, khiến Lai dần hiểu ra nỗi oan ức và đau đớn tột độ của gia đình cũng như Lý đang phải gánh chịu vì mình. Lai khóc ròng, kể lại toàn bộ sự việc của 5 năm về trước.

Đôi bạn tù Cao Tiến Mùi- Nguyễn Sỹ Lý

Lường trước mọi chuyện nên khi Lai viết giấy thú nhận tội lỗi, Mùi cho làm 3 bản, kèm theo đó là 3 bản viết nhận xét, cam kết Lai không hề bị ép buộc nhận tội, và nơi cất giấu con dao gây án. Trong đó, bản thú nhận tội lỗi của Lai có nội dung: "chính Lai đâm nhầm Vinh, chứ không phải Lý giết Vinh như đã khai trước đây". Có được bản tự khai của đối tượng gây án cũng như tang vật là hung khí gây án đã gỉ sét, Mùi và ông Huỳnh gửi đến các cơ quan chức năng và TAND Tối cao để kêu oan cho Lý. Với những bằng chứng trên, sau khi xem xét, củng cố chứng cứ, TAND Tối cao đã ra lệnh tạm tha cho Nguyễn Sỹ Lý theo Quyết định số 1265/HS, ngày 21- 12- 1987. Khi sự thật được phanh phui thì cũng là lúc Lý đã phải trải qua 5 năm ở tù (tức gần 2.000 ngày).

Vượt lên số phận

Cái ngày Lý được tạm tha, cả gia đình kéo xuống giữa đêm ngồi ngay trước cổng trại giam chờ đợi. Trời vừa hửng sáng, cánh cổng sắt nặng nề lạnh lùng mở ra, Lý bước thấp bước cao đổ dồn về phía đám đông đang chờ đợi, ôm chầm lấy những người thân của mình mà nước mắt giàn giụa. Về lại đời thường, con gái đầu lòng của anh cũng đã được 5 tuổi (khi Lý vào tù, con gái mới sinh được hơn 10 ngày- P.V). Đầu năm 1988, tòa tái thẩm TAND Tối cao tuyên Nguyễn Sỹ Lý vô tội. Ra tù được 2 năm, Lý phát bệnh, liệt tứ chi. Sau 2 tháng chữa trị, cơ năng phần nào được phục hồi nhưng đến nay một chân vẫn bại liệt.

"Được minh oan, tôi liên lạc với Trường ĐH Tây Nguyên xin được trở lại công tác. BGH Trường ĐH Tây Nguyên lúc đó cho biết nhà trường sẵn sàng nhận trở lại giảng dạy, nhưng trường cũng yêu cầu tòa phải trực tiếp đưa tôi vào, xin lỗi trường. Vì xử oan người ngay của trường, thì phải xin lỗi nhà trường. Tuy nhiên, do bệnh tật, sức yếu và những nguyên nhân khác nên sau đó tôi đành phải gác lại giấc mơ dang dở"- Nguyễn Sỹ Lý kể.

Ngày ra tù, vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc nhưng trong đói nghèo. Cơ nghiệp chỉ là 2 bàn tay trắng. Cám cảnh trước nỗi khổ của gia đình Lý, anh Hồ Đình Trị, một người hàng xóm đã tặng anh thửa đất rộng hơn 1.000 m2 để làm kế sinh nhai. Có đất, vợ chồng gom góp, vay thêm của cô em gái 1 chỉ vàng dựng một túp lều để ở tạm. "Ngày đó anh có được bồi thường gì sau 2.000 ngày oan trái?", tôi hỏi. Ông Lý cười cay đắng: "Được 750.000 đồng tiền lương và 250.000 đồng các khoản khác. Tổng cộng là 1 triệu đồng cho mấy năm tù oan".

Để nuôi gia đình 5 miệng ăn, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, vợ chồng Nguyễn Sỹ Lý - Lê Thị Len làm đủ nghề, từ chế biến đậu phụ; sản xuất giò chả; làm nộm để ra chợ bán... công việc chẳng khi nào ngơi tay. Cuộc sống cứ thế trôi qua, dù có khó khăn vất vả, song 3 đứa con của ông Lý cứ lần lượt vào đại học. Cả gia đình hy vọng vào sự trưởng thành của 3 đứa con. Nào ngờ, cách đây 2 năm, tai họa lại giáng xuống đầu gia đình ông thêm một lần nữa, đó là khi cô con gái đầu lòng tên Ngọc Anh, giảng viên một trường Đại học ở TPHCM bị TNGT và qua đời. Hiện tại con gái thứ hai của ông đã tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải nhưng vẫn chưa xin được việc, còn cậu con trai út thì vẫn còn học Đại học Xây dựng năm cuối.

Nhìn ông Lý lết chân ra sân tiễn khách, tôi thật sự ái ngại cho ông vì sự trái ngang mà ông gặp phải. Một giảng viên đại học mới 27 tuổi đầu đang phơi phới sức xuân, bỗng tai họa ập đến đã cướp đi của ông tất cả, để rồi hôm nay đây ông trở thành một người tàn phế. Nhưng ông nói, câu chuyện của 30 năm qua dường như là định mệnh, là số phận của ông vậy, ông không trách cứ gì ai...

Sơn Tùng