George Koval - người đầu tiên đánh cắp bí mật hạt nhân của Mỹ

Thứ tư, 15/06/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Điệp viên nguyên tử là đề tài muôn thuở. Tuy nhiên, điệp viên George Koval lại là một trường hợp đặc biệt bởi ông chính là người đầu tiên lấy cắp được bí mật vũ khí hạt nhân quan trọng của Mỹ từ “Dự án Manhattan”.

Dự án Manhattan

“Dự án Manhattan” là dự án phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trong Thế chiến II do Mỹ, Anh và Canada thực hiện.

Vào những năm 1930, vì lo sợ Đức quốc xã có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có bom nguyên tử, đe dọa an ninh toàn thế giới, cả 3 quốc gia đồng minh này bắt đầu nghiên cứu về loại vũ khí này. Và “Dự án Manhattan” ra đời năm 1942, dưới sự kiểm soát của quân đoàn kỹ sư của quân đội Mỹ, trực thuộc sự quản lý của tướng Leslie R. Groves. Chi phí của dự án này là gần 2 tỷ USD (tương đương 23 tỷ USD tính tại năm 2007), liên quan tới 37 cơ sở khác nhau trên khắp nước Mỹ với ít nhất 13 phòng thí nghiệm đại học. Dự án thu hút khoảng 130.000 người, gồm cả các nhà vật lý đoạt giải Nobel: Arthur Holly Compton, Enrico Fermi, Richard Feynman, Ernest Lawrence và Harold Urey.

Dự án đã thành công với 3 vụ nổ vào năm 1945: một vụ nổ thử nghiệm vào ngày 16-7 gần Alamogordo, New Mexico (vụ thử Trinity); một quả bom uranium có tên “Little Boy” đã nổ ngày 6 -8 tại Hiroshima và một quả bom plutonium có tên “Fat Man” nổ ngày 9 -8 tại Nagasaki ở Nhật Bản. Nhưng sau đó, dự án này lại thiếu người trầm trọng. Giới chức Mỹ yêu cầu quân đội tiến cử những quân nhân giỏi kỹ thuật. Và đây chính là bước đệm quan trọng đưa điệp viên George đến với những kế hoạch nguyên tử tuyệt mật của Mỹ.

 Tổng thống Vladimir Putin (lúc đương nhiệm) cùng các quan chức trong buổi truy tặng danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga” cao quý cho điệp viên George Koval (trái) năm 2007. Ảnh: NYT

Điệp viên sừng sỏ nhất thế kỷ XX

George Koval có một “vỏ bọc” rất hoàn hảo: sinh ra ở Iowa, học tại Manhattan và chơi bóng chày rất giỏi. Nhưng bên trong cái vỏ bọc ấy, George  lại có một bí mật. Trong suốt thời kỳ Thế chiến II, ông là một điệp viên hàng đầu của Liên Xô mang mật danh Delmar và được huấn luyện bởi Cục Tình báo quân đội của Stalin (GRU).

George Koval sinh năm 1913 trong một gia đình gốc Nga. Cha của George sau một thời gian dài kiếm sống tại Mỹ đã quyết định quay trở về quê hương vào năm 1932. Năm 1934, George tốt nghiệp xuất sắc ngành "những nghiên cứu khó" tại Viện Công nghệ hóa học Mendeleev ở thủ đô Moscow và sau đó được GRU tuyển dụng, đào tạo và đưa trở về Mỹ để làm tình báo khoa học từ năm 1940 -1948. Tại Mỹ, dưới tên giả, George bắt đầu thu thập thông tin về những chất độc mới mà có thể được sử dụng làm vũ khí hóa học. Tuy nhiên, với những giấy tờ giả của một công dân bình thường, George đã không thể tìm kiếm được một công việc thích hợp để có thể khai thác thông tin tình báo theo yêu cầu. Sau đó, cấp quản lý ở Liên Xô đưa ra quyết định mạo hiểm: để ông làm việc dưới tên thật, tức là một người Mỹ thực thụ và phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Với sự thông minh vốn có, lại có thời gian dài sinh sống tại Mỹ, George nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các tuyển trạch viên của Cơ quan Tình báo quân sự, lúc đó đang có chiến lược tìm kiếm các điệp viên mới trong số các sĩ quan và sinh viên trẻ có tài năng năm 1943. George được chuyển đến làm tại “Dự án Manhattan”, lúc đó mới ở giai đoạn sơ khai. Ông được cử tham gia một chương trình đào tạo đặc biệt thời chiến tại Trường City College ở Manhattan - được coi là “trường đại học Havard dành cho người nghèo”, nổi tiếng với những sinh viên xuất sắc. Năm 1944, George được chuyển tới Oak Ridge, nơi công việc chính là sản xuất nhiên liệu bom - khâu khó nhất trong quá trình chế tạo bom nguyên tử. Từ đó, ông có quyền tiếp cận rộng rãi với tổ hợp nghiên cứu này bởi ông có nhiệm vụ giám sát an toàn sức khỏe cho các công nhân.

Tháng 6-1945, George  được giao thêm nhiệm vụ tại các nhà máy tuyệt mật gần Dayton. Các nhà máy này tinh chế polonium 210, một loại vật liệu phóng xạ cao được sử dụng trong thiết bị khai mào cho phản ứng dây chuyền của bom nguyên tử. Tháng 7-1945, Mỹ thử nghiệm thiết bị nguyên tử đầu tiên và một tháng sau đó, nước này thả hai quả bom xuống Nhật Bản.

Lộ diện

Thế chiến II kết thúc, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) phát hiện một tờ báo Nga đăng bài về “một gia đình di dân hạnh phúc đến từ Mỹ”, ca ngợi gia đình George Koval. Ngay lập tức, GUR ra lệnh George Koval trở về Liên Xô. Lúc này đây, Mỹ mới biết được thân phận George Koval nhưng sau đó ém nhẹm thông tin vì sợ mất mặt.

Năm 1949, cả thế giới ngạc nhiên khi Liên Xô thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. George Koval lúc đó tiếp tục vào học tại Học viện Mendeleev, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học và ở lại giảng dạy tại Học viện Mendeleev trong nhiều năm. Tuy nhiên, lúc bấy giờ vẫn không ai biết rõ về thân phận điệp viên của tiến sĩ George. Vai trò của ông chỉ bắt đầu được tiết lộ công khai ở Nga vào năm 2002 với việc xuất bản cuốn sách “G.R.U và bom nguyên tử” - đề cập tới người mang bí danh Delmar, song mọi việc chỉ dừng lại ở đó. Chỉ đến ngày 2-11-2007, một năm sau khi ông này qua đời, cả thế giới mới sửng sốt khi nghe tin Tổng thống Putin truy tặng danh hiệu “Anh hùng của Liên bang Nga” - giải thưởng cao quý nhất của Nga vì những đóng góp cho việc chế tạo bom nguyên tử cho tiến sĩ George Koval vì đã có công xâm nhập thành công vào “Dự án Manhattan”. Tuyên bố ca ngợi tiến sĩ Koval là “sĩ quan tình báo Liên Xô duy nhất” xâm nhập được vào các nhà máy bí mật của dự án này, và công việc của ông “đã góp phần đẩy nhanh đáng kể thời gian Liên Xô tự chế tạo được bom nguyên tử”. Lúc đó, người ta mới biết rằng, người mang mật danh Delmar chính là tiến sĩ George Koval.

Cho đến tận bây giờ, các cơ quan phản gián Mỹ vẫn chưa xác định được phương thức liên lạc giữa điệp viên George Koval với những người chỉ huy của ông trong mạng lưới tình báo Liên Xô thời đó, cũng như việc ông đã cung cấp bí mật nguyên tử gì cho Liên Xô. Nhưng, rõ ràng là Moscow làm chủ công nghệ bom nguyên tử rất nhanh, phá vỡ thế độc tôn trong 4 năm của Mỹ.

Thanh Văn (Theo NYT)