“Ghi điểm” với nhân dân từ những việc làm cụ thể
Với Đại úy Lê Phi Minh - Cảnh sát khu vực (CSKV) CAP Thuận Phước (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) công tác dân vận luôn gắn liền với những việc làm thực tiễn. Từ việc hàng ngày đến với nhân dân, hỗ trợ người dân trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người lầm lỗi... quay về với cuộc sống bình thường, Đại úy Minh đã “ghi điểm” với người dân khu vực nơi mình phụ trách.
Đại úy Lê Phi Minh cùng một số Mạnh Thường Quân đến thăm, trao quà cho gia đình chị Quy. |
Một lần giữa năm 2018, chúng tôi theo chân Đại úy Lê Phi Minh cùng CLB bi sắt P. Thuận Phước (Q. Hải Châu), Ban phụ nữ Tổ dân phố, một số Mạnh Thường Quân tại Khu vực 3, P. Thuận Phước đến trao số tiền ủng hộ gần 20 triệu đồng cho gia đình chị Lê Thị Quy (1972, thuê trọ tại phòng số 2, nhà số 90 - Ngô Chi Lan). Đây là món quà nhỏ nhiều ý nghĩa, giúp 6 mẹ con chị Quy trong giai đoạn khó khăn.
Chị Quy sinh ra, lớn lên rồi lấy chồng ở thị trấn Cửa Việt (H. Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và có với nhau 6 mặt con gồm các cháu: Mai Quang Thắng, Mai Thị Hương, Mai Xuân Tùng, Mai Thị Thúy, Mai Thy, Mai Xuân Tiến. Trong đó, cháu Mai Thị Hương sinh ra đã phát hiện bệnh xơ gan cổ trướng. Cả nhà chị cố gắng chạy chữa cho cháu Hương nhưng được 2 tuổi thì cháu qua đời. Cháu Thắng, Tiến cũng đang mang căn bệnh xơ gan cổ trướng. Còn cháu Thy, cháu Thúy thì cũng đau yếu liên miên. Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn, thế nhưng chị Quy lại có một số phận còn đau khổ hơn gấp nhiều lần khi gặp một người chồng chỉ biết rượu chè, thường xuyên đánh đập mẹ con chị. “5 năm trước, vì không chịu nổi chồng nên một mình chị dắt 5 đứa con vào Đà Nẵng làm thuê kiếm sống. Chị tá túc nhiều nơi rồi về thuê phòng trọ ở số 90- Ngô Chi Lan 3 năm nay. Cháu Thắng dù đau yếu nhưng vẫn cố gắng đi làm, cháu Tùng thì ra Huế chạy xe ôm kiếm tiền phụ mẹ. Cuộc sống của chị tưởng chừng đỡ khó khăn thì trong khi chở khách trở về, Tùng bị xe container va chạm, bị thương nặng phải nhập bệnh viện Trung ương Huế mổ cấp cứu. Qua 2 lần mổ nhưng hiện sức khỏe vẫn đang còn phải được nằm theo dõi vì bị ảnh hưởng đến cột sống. Hiện chị Quy một mình đi làm thuê để nuôi 4 đứa con bị bệnh nên gần như không đủ sức gắng gượng. Hồi chị Quy mới đến đây, thấy hoàn cảnh của chị quá khó khăn nên tôi cũng vận động một số nhà hảo tâm, đại diện Hội phụ nữ, tổ dân phố, Chi bộ khu dân cư tìm cách giúp đỡ. Tuy nhiên, bênh tật của các con chị ngày càng nặng nên những sự giúp đỡ nhỏ nhoi ấy vẫn chưa thấm vào đâu”, Đại úy Minh tâm sự.
Một lần khác, chúng tôi dự buổi phát động xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu dân cư của P. Thuận Phước. Đại úy Lê Phi Minh là người nói chuyện. Cách nói chuyện đơn giản, kèm theo những hình ảnh minh họa, số liệu cụ thể của Đại úy Minh cuốn hút nhiều người dân tham dự buổi tuyên truyền. Không chỉ là người “khéo” nói chuyện để diễn giải các vấn đề từ văn bản, quy định ra những câu chuyện giản dị, cho người dân dể hiểu, Đại úy Minh luôn sát cánh cùng với các lực lượng cơ sở. Từ các giải pháp để nâng cao hiệu quả phong trào “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “5 biết, 3 có” của P. Thuận Phước... được Đại úy Minh đưa ra bằng những con số, ví dụ cụ thể làm cho người dân rất dễ hiểu.
Toàn khu vực 3, P. Thuận Phước có 7 Tổ dân phố, 3 Chi bộ với 450 hộ gia đình với khoảng 1.800 khẩu, lại là vùng giáp ranh với P. Thanh Bình nên công tác quản lý địa bàn có nhiều khó khăn. Gần dân, nắm từng hoàn cảnh gia đình, đối tượng để có kế hoạch, biện pháp giúp đỡ riêng là cách làm của Đại úy Minh. Nhiều trường hợp là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, đi tù về cũng được Đại úy Minh giúp đỡ, tiến bộ. Đơn cử như trường hợp của em Võ Xuân H. (1993, trú đường Ngô Chi Lan) vốn xuất thân trong gia đình có kinh tế khá giả, ba mẹ buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, do ham chơi, nên H. theo bạn bè lêu lổng rồi dẫn đến vi phạm pháp luật, trộm cắp tài sản và bị truy tố. Sau thời gian thi hành bản án 6 tháng tù giam trở về địa phương, H. cũng không có nghề nghiệp. Hiểu được hoàn cảnh, Đại úy Minh đến vận động gia đình cùng phối hợp, nói chuyện và khuyên bảo H. Sau một thời gian kiên trì, H. bắt đầu hiểu ra và tu chí làm việc. Đến nay, H. đã có việc làm ổn định tại một đơn vị kinh doanh xăng dầu. Một trường hợp nữa là Nguyễn V.H (1998, trú đường 2-9). V.H trước đó bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy nhưng lại tái nghiện nên được CAP lập hồ sơ, đưa vào diện quản lý, giáo dục tại xã, phường theo Nghị định 111. Để giúp đỡ V.H từ bỏ ma túy, Đại úy Minh tìm đến chuyện trò với gia đình và V.H. Sau nhiều lần đi lại, hỗ trợ,... V.H bắt đầu hiểu ra vấn đề và đặt mục tiêu từ bỏ ma túy. Đến nay, V.H đã bắt đầu có nhiều suy nghĩ tích cực và xin gia đình được đi học nghề để lập nghiệp. Ở địa bàn quản lý, nhiều trường hợp thiếu niên hư, bỏ học lêu lổng cũng được Đại úy Minh vận động, từ bỏ thói hư tật xấu, đi học lại để có kiến thức... “Mình tâm niệm rằng, làm CSKV thì gần dân chừng nào sẽ được người dân giúp đỡ chừng đó. Lúc đó mới thực hiện tốt nhiệm vụ được” - Minh vui vẻ nói.
Nhiệt tình với công việc, Đại úy Lê Phi Minh còn thường xuyên học tập, nghiên cứu những kiến thức, kinh nghiệm trong công tác thực hiện nhiệm vụ của CSKV. Năm 2014, khi tham dự cuộc thi CSKV giỏi, Minh đạt giải Nhất cấp quận và đại diện cho CSKV CAQ Hải Châu đi dự thi thành phố, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cơ sở và giấy khen của các cấp khen thưởng.
NGUYỄN TUẤN