Ghi ở bãi vàng Khe Đương (2)

Thứ sáu, 17/10/2014 09:33

KỲ 2: NHỮNG LỜI ĐỒN THỔI

(Cadn.com.vn) - Có một thực tế mà chúng tôi rất lấy làm lạ, là sống dưới chân bãi vàng nhưng tuyệt nhiên không có người dân nào của 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) tham gia khai thác vàng trái phép. Mà gần như cả xã Hòa Bắc cũng thế. Vì họ hiểu rằng lên đầu nguồn tàn phá tài nguyên thì chính mình sẽ lãnh hậu quả ở phía hạ nguồn. “Đầu nậu” và phu vàng xé núi ngủ hầm cày xới rừng với giấc mộng đổi đời lâu nay chủ yếu từ những địa phương khác đến. Với lại, sống trên mảnh đất này bao đời, họ biết tận tường những lời đồn thổi và thấm thía câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Mấy ngày nay người dân Hòa Bắc ngã ngửa người vì bỗng nhiên bị “tiếng xấu đồn xa”. Họ nói cái cô phóng viên trung ương nào đó mà còn về đây nữa thì sẽ không để yên. Hỏi ra mới biết, từng có nhà báo nói ngon nói ngọt để phỏng vấn ghi hình, đến khi phóng sự phát lên rồi thấy có vẻ như mình bị xỏ mũi. Thôi thì làm gì mà khiến cơ quan chức năng ổn định tình hình cái bãi vàng ấy để cho cuộc sống của người dân bớt phức tạp đi cũng được.

Nhưng nói rằng lên Khe Đương chỉ có duy nhất một con đường, ai muốn đi qua phải nộp 200 nghìn đồng thì ác quá. “Nói thật, muốn đi làm vàng thì có trăm nẻo để lên trên đó. Nhưng thế hệ cha đi làm thì khác nào đưa tay tát lên mặt con, sau này con cháu lãnh hết hậu quả. Cả thôn, cả xã đã nhận thức được như rứa thì ai mà chặn đường lại xin đểu 200 nghìn bạc, chỉ ra đi, tui chết liền”, một thanh niên thôn Tà Lang bức xúc.

Vì những tin đồn, nhiều phu vàng đã khăn gói vào chốn rừng thiêng nước độc mong đổi đời.

Một chị bán cửa hàng tạp hóa trên con đường liên thôn nói với chúng tôi, rằng Khe Đương có vàng thật, nhưng nó nóng bỏng, phức tạp thì nguyên nhân chính là từ tin đồn mà ra. Hồi năm 2006, đang yên đang lành tự nhiên rộ lên thông tin có người trúng 40kg vàng, thế là làng xã nóng sôi lên, người lạ mặt lảng vảng khắp nơi. Thậm chí, vì tin đồn mà có thôn còn nhận được bức thư nặc danh yêu cầu chia xái nếu không sẽ bị “san phẳng”. Thế rồi cũng qua, chẳng ai tận mắt thấy cục vàng nặng gần nửa tạ ấy, cũng không thấy mấy người đổi đời.

Ác thay, giữa lúc Cty khai thác vàng trên đó bị rút giấy phép, dừng khai thác thì cái tin có người trúng 16kg lại tung ra. Thế là người dân lại ăn không ngon, ngủ không yên, phu vàng tứ xứ sôi sục ngược Khe Đương tìm vàng. Chị chủ quán cảnh cáo tôi: “Anh đừng có mà lá cải tung tin tầm bậy. Ở bãi vàng, có khi lời đồn thổi vu vơ đổi mạng người đó. Giờ lên mà xem, cơ quan chức năng vừa vận động vừa truy quét, không còn một mống người trên đó. Nhưng ai mà biết được, mai mốt trời mưa xuống, lực lượng mỏng đi, người ta lại rêu rao có người trúng vàng ký, lại khổ dân tui”.

Có một sự thật ở các bãi vàng, là những nơi “đi dễ khó về”, “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”. Khe Đương không phải là ngoại lệ. Các khe suối trên đường lên bãi vàng thường có con nước rất “hỗn” (lời của một người làm nghề xe ôm địa phương), nó chảy lừng lừng, những hố đá tảng sâu hoắm có thể kẹp vỡ mắt cá, bể bánh chè nếu người đi qua không biết tính nết của nó. Lên đến bãi vàng không phải là đã lên đến “thiên đường vàng” như người ta nghĩ. Khí hậu quái gở ở khu vực này có thể quật thanh niên trai tráng nằm bẹp dí trong lán, ngất xỉu dưới hầm. Mách có chứng, một công nhân của Cty Bông Sen Vàng - đơn vị vừa được thành phố đồng ý cho tiếp quản để tiến hành thủ tục khai thác vị trí mà Cty Trường Sơn để lại - mới lên được 2 ngày phát cỏ, trồng cây hoàn thổ đã bị sốt rét liên tục lên cơn co giật.

Hiện trường bỏ lại trước một hầm vàng ọp ẹp khi vàng tặc biết tin có lực lượng truy quét.

Ông Phan Văn Định, Phó phòng Khoáng sản, Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, hầu hết hệ thống hầm vàng tại Khe Đương được đào để khai thác tầng thượng, tức là đào để khai thác theo hướng đi lên. Theo những người có kinh nghiệm trong khoáng sản, địa chất thì kết cấu hầm kiểu này nếu khai thác quá ham sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Không dừng lại ở đó, hầu hết các đường xương cá đã bị phu vàng “rỉa” gần hết, nhiều trụ hầm đã bị chặt để lấy đất đưa ra ngoài đãi vàng.

Vậy nên nguy cơ “tự mình chôn mình” là những hiểm họa hoàn toàn có thể xảy ra. Cái chết tức tưởi của anh Ngô Trường T. (trú thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên, Hòa Vang) cách đây hơn 1 năm là lời cảnh báo cho những ai mang mộng đổi đời. Do khai thác lén lút, vào ban đêm, anh T. cùng nhóm bạn đi lấy phần đất đã được Cty Trường Sơn khai thác về đãi tìm vàng cám. Trong lúc anh T. đang khoét hầm hàm ếch để mang đất ra ngoài thì bất ngờ hầm đổ sập, anh T. bị chôn vùi trong núi đất, đến khi được phát hiện thì đã ngừng thở.

Phải có vàng thì người ta mới gọi là bãi vàng. Chuyện khai thác được vàng chắc chắn là có. Nhưng vàng đâu lắm để chỉ đi đào bới đất thủ công mà nay trúng dăm bảy cây, mai trúng vài chục ký. Hầu hết chỉ là tin đồn. Chỉ một điều có thật, là nhiều người bỏ mạng, lắm kẻ thân tàn ma dại chỉ vì giấc mơ đổi đời cùng rừng thiêng nước độc. Từ tin đồn mà núi rừng nóng bỏng vì tranh giành lãnh địa, thanh toán giang hồ, cuộc sống người dân đảo lộn, bất ổn, chính quyền thì đau đầu huy động lực lượng ăn dầm nằm dề để vãn hồi trật tự. Giờ thì Khe Đương tạm lắng sau nhiều đợt tuyên truyền, vận động, đẩy đuổi quyết liệt của cơ quan chức năng. Nhưng ai biết, nếu không có giải pháp khai thác chuyên nghiệp và bền vững, người ta trúng đậm, ăn đủ ở đâu, chứ người dân và chính quyền địa phương lại lãnh hết hậu quả.

Phóng sự: Công Khanh
(còn nữa)