Ghi ở miền chân sóng (2)
* Kỳ cuối: Khắc khoải chờ tái định cư
(Cadn.com.vn) - Sau mùa mưa bão đi qua, người dân ven biển thuộc các xã vùng Đông H. Duy Xuyên nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung thực sự lâm vào cảnh khốn cùng. Họ không một lời kêu than, bởi dường như đã quá quen với những cơn thịnh nộ của đất trời. Điều mà họ băn khoăn, lo lắng nhất lúc này là đến bao giờ mới được an cư, khi mà các dự án đang "án binh bất động"...
Từ chuyện của 18 hộ dân nằm trong nguy cơ "báo động đỏ" do sạt lở mất nhà ở thôn Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên) nhưng không thể di dời giải tỏa, có thể thấy nguyên nhân sâu xa phần lớn đến từ các dự án, quy hoạch trên địa bàn. Cuối năm 2010, dự án Khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch dịch vụ Nam cầu Cửa Đại và dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Theo đó, xã Duy Hải và Duy Nghĩa là các xã nằm trong quy hoạch và trở thành đô thị loại 3 (thuộc dự án quy hoạch, sắp xếp dân cư vùng Đông) của tỉnh Quảng Nam. Được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam, mở ra nhiều hướng đi mới cho người dân ven biển, cũng như làm thay đổi toàn diện bộ mặt các xã vùng Đông H. Duy Xuyên..., vậy nhưng...
Ông Trần Thanh Nhớ, Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải trầm ngâm: Ban đầu triển khai dự án rất chi là nhộn nhịp. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ra quân rầm rộ, đến nay thì dự án trì trệ, không thực hiện được. Nguyên nhân được các chủ đầu tư đưa ra là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tài chính thế giới. Đơn cử như dự án Khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng Nam cầu Cửa Đại, trước đây, chủ đầu tư còn phối hợp với địa phương để quản lý, bảo vệ hiện trạng công tác quy hoạch. Tỉnh giao cho họ hơn 800 ha nhưng đến nay thì họ không còn phối hợp với địa phương trong công tác bảo vệ hiện trạng nữa.
Người dân vùng sạt lở ở Duy Hải rất cần có chỗ tái định cư để sớm ổn định cuộc sống. |
Cũng vì lý do nằm trong vùng dự án, vướng quy hoạch mà 517 hộ với 1.800 nhân khẩu của xã nằm trong nguy cơ xói lở, mất nhà do nước biển dâng cần phải di dời hoặc xây dựng nhà cửa kiên cố để chống bão nhưng không thể. "Hiện nay, khó khăn nhất của các hộ là chưa có chỗ để tái định cư, vì vậy đời sống của họ không ổn định. Phức tạp lắm nhưng địa phương cũng chưa tìm được giải pháp tháo gỡ", vị Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải cho biết.
"Chủ trương quy hoạch của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế xã hội, dân ở đây rất đồng tình. Nếu làm được thì có sự thay đổi rất lớn đối với cuộc sống của người dân vùng cát này. Tuy nhiên, việc trì trệ trong thực hiện đã gây tác động, ảnh hưởng lớn đến niềm tin và kỳ vọng của người dân. Vấn đề đặt ra là, nếu chủ đầu tư tiếp tục triển khai và tổ chức thực thi dự án, dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Còn nếu không thực hiện dự án nữa thì cũng trả lời dứt khoát với địa phương để biết và có hướng ổn định đời sống nhân dân. Cứ dùng dằng thế này, địa phương cũng rất lúng túng", ông Trần Thanh Nhớ bức xúc.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên, ông Dũng thú thật: Câu chuyện ở vùng Đông (trong đó có hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa) là việc rất lớn, không còn nằm trong phạm vi hay khả năng của huyện nữa. Toàn bộ quy hoạch vùng Đông (vùng ven biển Quảng Nam) hiện nay do Ban quản lý khu Kinh tế mở Chu Lai quản lý chứ không phải do UBND huyện.
Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên (bên trái): "Cần phân cấp quản lý rõ ràng tại vùng Đông Quảng Nam, trong đó có Duy Xuyên". |
"Việc các xã vùng Đông (gồm Duy Hải, Duy Nghĩa) của Duy Xuyên chúng tôi cũng rất lúng túng. Vì các xã này thuộc quản lý của Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai nên khi xử lý một việc gì (kể cả việc trong tầm tay của huyện) cũng phải xin ý kiến Ban quản lý Khu kinh tế. Kể cả việc 18 hộ dân ở xã Duy Hải cần di dời khẩn cấp cũng thế. Địa phương muốn làm cái gì cũng lo "vướng" quy hoạch. Muốn làm con đường bê-tông cho dân đi, cũng sợ mình làm dân cũng "bắt chước" làm theo. Có nghĩa, đang trong vùng quy hoạch mà huyện làm đường được thì theo đó dân cũng sẽ tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa... Và khi ấy, nếu dự án triển khai thì sẽ phát sinh nhiều chuyện trong bồi thường giải tỏa, bố trí tái định cư... Ngay cả việc dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp du lịch dịch vụ Nam cầu Cửa Đại có còn tiếp tục triển khai dự án ở xã Duy Hải nữa hay không, về phía huyện chúng tôi cũng chỉ nghe nói là không thực hiện nữa, còn văn bản chính thức về vấn đề này thì huyện cũng không được nắm rõ", ông Nguyễn Công Dũng phân trần.
Vấn đề trước mắt đối với 18 hộ dân, huyện cũng đã thông cáo với Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai để phối hợp phải giải quyết trong năm nay để người dân yên tâm an cư, lạc nghiệp.
Để giải quyết rốt ráo vấn đề, và về lâu dài, huyện đã có kiến nghị UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan cần có cơ chế phân cấp cụ thể hơn nữa trong quá trình quản lý và vận hành. Theo đó, trong quy hoạch thì phần nào thuộc trách nhiệm của Ban quản lý Khu kinh tế mở, phần nào của H. Duy Xuyên, tránh tình trạng chồng chéo. Thứ nữa là phải kiên trì mục tiêu phát triển vùng Đông, cụ thể là phát triển dịch vụ du lịch gắn với khai thác tiềm năng biển và đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo. "Khó mấy cũng phải quyết liệt làm, vùng Đông mới phát triển đi lên được, nếu không thì vùng này sẽ còn nghèo mãi. Phải xem đây như một cuộc cách mạng trong phát triển vùng Đông. Việc trước mắt chính quyền địa phương tỉnh, huyện phải lo là hoàn thiện các dự án đang làm dở như khu tái định cư, các tuyến đường giao thông để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân. Đối với vùng thuận lợi để phát triển du lịch, phải tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vì tiềm năng ở đây rất lớn", ông Dũng nêu giải pháp.
Vùng Đông Duy Xuyên nói riêng và Quảng Nam nói chung là khu vực hàng năm phải hứng chịu rất nhiều thiên tai, gió bão; ngược lại, đây cũng là nơi có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là dịch vụ, du lịch và kinh tế biển. Làm gì để vùng Đông Quảng Nam trỗi dậy, xứng đáng với kỳ vọng lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây, xem ra ngay từ bây giờ, cần phải có một "cuộc cách mạng", như lời Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng nói.
Phóng sự: Doãn Nguyên Hưng