Ghi ở miền chân sóng

Thứ hai, 18/11/2013 13:00

* Kỳ 1: Tả tơi vùng tâm bão

(Cadn.com.vn) - Sau bão, người dân ven biển khu Đông Quảng Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách: nhà sập, tốc mái, hư hỏng nặng... trải dài theo miền chân sóng. Một số nơi, đặc biệt là các xã trong vùng dự án, quy hoạch như ở Duy Hải, Duy Nghĩa (H. Duy Xuyên), người dân không dám quay về nơi ở cũ vì sợ sóng biển đánh sập nhà cửa, nguy hiểm đến tính mạng. Muốn chuyển đến nơi ở mới để yên ổn làm ăn, nhưng vì các khu tái định cư còn dở dang hoặc đang nằm trên giấy... nên đa số lâm vào cảnh  đi không có nơi đến, ở lại càng chẳng xong... 

Ông Bùi Văn Minh (52 tuổi), trú thôn Trung Phường, xã Duy Hải (H. Duy Xuyên) những ngày gần đây bất đắc dĩ trở thành người nổi tiếng. Cái sự "nổi tiếng" của ông có lẽ cũng "xưa nay hiếm", không muốn nói là độc nhất. Bởi, không ai như ông. Thông tin cơn bão số 14 có thể đổ bộ trực tiếp vào miền Trung, người khác thì ra sức chằng chống nhà cửa, thậm chí "độn thổ" (đào hầm) tránh bão, riêng ông lại... dỡ nhà. Lý giải cho hành động của mình, ông bình thản: Nếu không dỡ, bão mà vào thì nền nhà cũng không còn chứ đừng nói đến còn nhà mà ở! Dường như đối với ông, và có lẽ hàng là chục hộ dân thôn Trung Phường, việc "sống chung", hay nói cách khác là chống chọi với gió bão đã thành thói quen như bữa ăn, giấc ngủ hàng ngày.

Nhà ông Minh, vốn cách đây vài năm là trung tâm thôn Trung Phường. Vậy mà bây giờ lại trở thành nơi "đầu sóng ngọn gió". Với ông và người dân nơi đây, cái thuật ngữ "biến đổi khí hậu" hay gì gì đó có thể xa xăm, khó hiểu. Nhưng, nếu nói là sạt lở, nước biển dâng, lấn sâu vào đất liền thì ông và mọi người lại... rõ như ban ngày. "Cũng may bão số 14 không vào nên cái khung nhà giờ vẫn còn. Bằng không có lẽ bây giờ nơi này thành bãi đất trống", chỉ tay vào ngôi nhà cũ chỉ còn bốn bức tường trơ trọi, ông Minh bùi ngùi. Chuyện là cơn bão số 11 vừa rồi, nhà ông và bà con trong thôn hầu hết đều bị tốc hết mái, đồ đạc trong nhà bị cuốn trôi ra biển. Sau bão, vay mượn được ít tiền, ông mua tôn về lợp lại. Vậy mà liên tiếp sau đó, những cơn bão 12, 13 hoành hành khiến ông và gia đình nhiều lần phải thót tim. Đến cơn bão số 14, với dự báo sẽ là "siêu bão", ông cùng gia đình không muốn công sức, tiền của mình vừa bỏ ra lại trôi sông trôi biển một lần nữa, nên đã tháo dỡ toàn bộ mái, xà gồ, đem toàn bộ tài sản có trong ngôi nhà đi gửi nhờ nhà hàng xóm.

Trong thôn này, không chỉ nhà ông Minh, mà còn rất nhiều nhà khác như nhà bà Phạm Thị Thông, bà Trịnh Thị Là, bà Bùi Thị Thưởng... cũng cùng chung cảnh ngộ. Đặc biệt là nhà ông Trần Văn Nghĩa, sau bão số 11 vừa qua, giờ chỉ còn lại đống đổ nát, hoang tàn.


Ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng thôn Trung Phường chỉ nơi căn nhà
của gia đình ông Trần Văn Nghĩa bị bão và sóng biển đánh sập.

"Thôn Trung Phường có 277 hộ thì có tới 90% bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão. 18 hộ trong diện di dời khẩn cấp vì hiện nay không ai có đủ can đảm sống trong ngôi nhà của mình", trưởng thôn Trung Phường Nguyễn Văn Nhân bần thần nói.

Trở lại "thăm" căn nhà của mình, bà Trịnh Thị Là (72 tuổi) nghẹn ngào. Căn nhà được cất lên từ tiền hỗ trợ của nhà nước mới được mấy năm, giờ đã không còn nguyên vẹn, lại trống huơ trống hoác, nhà nghèo lại càng nghèo thêm. "Khi nghe tin bão số 11 vào đất liền, tôi cùng dân làng bỏ chạy. Chạy thoát thân, nhưng tài sản bị nước biển cuốn hết rồi. Muốn quay về sửa sang nhà cửa nhưng không biết lấy gì để sửa. Với lại, chắc gì đã yên thân khi nước biển đã sát chân tường", bà Là thở dài.

Trở lại câu chuyện của ông Minh, hỏi ông giờ nhà đập đi rồi thì ở đâu? Ông lẳng lặng dẫn chúng tôi lên phía giữa làng, cạnh đường liên thôn rồi chỉ: "Đây là nhà mới của tui". Nói là nhà chứ thực ra chẳng khác nào cái chòi, chừng 5m2 vừa được dựng lên. Xập xệ, tạm bợ và... không thể gọi là nhà được! Những ngày tới, ông Minh cùng vợ và đứa con út chưa lập gia đình sẽ sống tại đây. "Giờ tôi chỉ ước có được miếng đất ở khu tái định cư, vay mượn anh em bạn bè, và nếu có sự hỗ trợ thêm của nhà nước nữa thì tôi sẽ cất một căn nhà nhỏ để an cư, sống thấp thỏm bên chân sóng thế này, ngán lắm rồi". Thấy gia cảnh hiện tại cùng những tâm sự của ông Minh, chẳng ai không thấy xót xa, chạnh lòng...

Ngôi nhà mà ông Bùi Văn Minh đã dỡ mái, dọn hết đồ đạc để tránh bão và sóng biển.

Dẫn chúng tôi đi một vòng, trưởng thôn Nguyễn Văn Nhân chua chát: Trước đây, phía ngoài chiếc thuyền đang đánh cá kia (cách bờ khoảng 500 mét) là nhà dân, rồi đến sân vận động, còn có bãi dương nữa nhưng nay tất cả đã không còn. Lần lượt hàng chục hộ dân phải di dời nhường chỗ cho nước biển; nay hàng trăm hộ khác phải thấp thỏm, lo âu, trong đó có 18 hộ có nguy cơ bị nước biển "đánh bật" bất cứ lúc nào. Buổi tối hay lúc thời tiết xấu, người dân phải đi ở nhờ nhà người khác, ban ngày mới dám về ăn ở, sinh hoạt tại nhà mình...

Đặt câu hỏi tại sao địa phương không di dời cho 18 hộ trong vùng nguy cấp, ông Nguyễn Văn Nhân cũng chỉ biết lắc đầu: "Tôi làm trưởng thôn ở đây nên chịu nhiều áp lực lắm, cũng kêu nhiều rồi. Trách nhiệm với dân thì mình kêu rứa thôi, còn giải quyết thì vẫn phải chờ cấp trên".

Cũng với cái lắc đầu như đã thành "thông lệ" khi đặt vấn đề về di dời cho các hộ dân trong vùng sạt lở nghiêm trọng, ông Trần Thanh Nhớ - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải cho biết: Thực trạng sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, địa phương ở đây biết chứ. "Trong đợt bão vừa qua, có nhà bị sập, có một số hộ phải dỡ nhà, một số khác bị bão cuốn tốc mái... chúng tôi cũng xót lắm nhưng không thể làm gì hơn, chỉ biết động viên và hỗ trợ trong khả năng cho phép. Riêng chuyện tái định cư thì thuộc về cấp trên, nằm ngoài khả năng của xã. Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần, cấp trên cũng đã về khảo sát nhưng hiện nay vẫn "gỡ" chưa ra. Tại cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ xã mở rộng vào sáng 12-11 vừa qua, đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Khương về dự, chúng tôi một lần nữa "báo động đỏ" về tình hình của 18 hộ dân trên và đề nghị huyện sớm có giải pháp", ông Trần Thanh Nhớ phân trần.

(còn nữa)
Phóng sự: Doãn Nguyên Hưng