Già A Jring Đeng làm du lịch
Trong hành trình khám phá vùng đất Bắc Tây Nguyên, làng Kon Brăp Du (xã Tân Lập, H. Kon Rẫy, Kon Tum) đã trở thành điểm du lịch cộng đồng làm say lòng bao du khách, nhất là những du khách nước ngoài. Trong hành trình tạo nên "thương hiệu" cho làng phải kể đến già làng A Jring Đeng (65 tuổi) với thâm niên 12 năm làm "hướng dẫn viên du lịch" gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Già làng A Jring Đeng giới thiệu nhà rông của làng với du khách. Ảnh: H.T |
Hôm chúng tôi đến, già A Jring Đeng đang chuẩn bị đón đoàn du khách là sinh viên người Anh hơn chục người. "4 hôm nữa, đoàn sẽ đến đây. Chuẩn bị thì chẳng có gì nhiều, nhà sàn, nhà đầm (nhà chòi-PV) từ bao lâu nay vẫn thế, chỉ nhắc các thành viên trong đội múa xoang, đội cồng chiêng tập luyện; dặn dò các con trong nhà đi kiếm sản vật suối, rừng để làm các món ăn ngon, độc đáo của người Ba Na đãi khách mà thôi" - già Đeng bộc bạch.
Vì đã quen với những đoàn khách thế này nên chuyện đón khách, dẫn khách, lo cho khách ăn uống, ngủ, nghỉ, với già A Jring Đeng quen thuộc lắm. Cũng phải, năm 2004, sau khi nghỉ hưu (trước đó già là Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập) thì cũng từ đó già đảm nhận chức già làng Kon Brăp Du kiêm "hướng dẫn viên du lịch". 12 năm "trong nghề", già Đeng vẫn nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên dẫn đoàn khách nước ngoài: "Mọi chuyện đều mới mẻ, tôi chưa từng làm bao giờ, trong làng cũng chưa ai làm bao giờ nên chẳng biết hỏi ai. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ, cảnh đẹp làng mình có, bản sắc của người Ba Na làng mình có, cứ thế mà giới thiệu với du khách. Vậy mà thành công cô à. Khách thích lắm khi được hòa mình vào đời sống cùng với bà con, khi được đi dạo trong rừng". Sau lần đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ ấy, già Đeng rút kinh nghiệm. Qua tìm hiểu, già biết rằng du khách rất thích hình thức du lịch đi bộ trong rừng nên đã tiến hành khảo sát các tuyến đường đi. "Già lớn lên, gắn bó với rừng nên tuyến đường nào cũng đi được, thời tiết nào cũng không ngại. Nhưng, du khách thì không thể. An toàn vẫn là trên hết. Bởi vậy, khi bắt tay vào làm du lịch, già đã tiến hành khảo sát các tuyến đường khác nhau, các điểm du khách dừng chân nghỉ lại trong rừng. Tùy theo tour của du khách 1 ngày - 1 đêm, 2 ngày - 1 đêm, hay 2 ngày - 2 đêm... mà già dẫn khách đi các tuyến đường, các điểm khác nhau" - già Đeng kể.
Cùng với khảo sát các tuyến đường, già còn cùng bà con xây dựng các nhà đầm ở trong rừng. Cũng như ở nhà sàn của mình, các nhà đầm trong rừng, già trang bị đầy đủ các vật dụng từ xoong nồi, chén bát đến chăn chiếu, củi lửa... Mọi thứ sẵn sàng, khi có khách, chỉ cần mang thêm thực phẩm tươi sống nữa là mọi thứ đều ổn. Hoạt bát, hiểu biết và cách nói chuyện rất có duyên, hóm hỉnh đã khiến cho già làng A Jring Đeng thu hút du khách đến với già, đến với Kon Brăp Du. 12 năm làm du lịch, già không nhớ đã đón bao nhiêu đoàn khách, chỉ khiêm tốn áng chừng mỗi năm khoảng 100 khách. "Còn tiền a, già chỉ lấy tiền thức ăn là chính, còn ngủ nghỉ, tiền công dẫn đường thì chủ yếu khách tự gửi, tùy lòng thôi. Miễn sao khách vui là già và dân làng mừng rồi" - già Đeng cười vui.
Già Đeng bảo rằng, trước giờ, bà con chỉ sống với nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng, múa xoang... mộc mạc như cỏ như cây trong sân, ngoài rẫy. Nhưng để những điều ấy trở thành nét đẹp thực sự thu hút khách du lịch thì phải giữ, phải chăm. Bởi vậy, bước chân vào ngôi nhà sàn của gia đình già, chúng tôi cảm nhận được sự kỳ công, nâng niu, lưu giữ văn hóa dân tộc Ba Na ở từng góc nhà, từng vật dụng... Chỉ tay về bếp lửa luôn sáng rực, già A Jring Đeng nói, trong ngôi nhà truyền thống của người Ba Na thì bếp lửa ở góc nhà phải luôn luôn sáng vì đó là linh hồn, là biểu hiện cho sự ấm no, hạnh phúc. "Mỗi lần du khách đến, già lại giới thiệu về ý nghĩa của bếp lửa, về các vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Ba Na. Bản thân già còn sưu tầm thêm các câu chuyện cổ, dân ca của người Ba Na; truyền thuyết về tên làng, tên núi, tên suối ở làng để kể, giải thích nên ai nấy đều thích thú" - già Đeng hào hứng.
Không chỉ chăm chút cho chính gia đình mình, với vai trò già làng, già Đeng đã đứng ra vận động bà con dân làng muốn du khách biết đến làng và đến thăm làng thì trước hết phải cùng nhau lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Vậy là, già vận động bà con dựng lại ngôi nhà rông đậm chất truyền thống. Khác với lâu nay, dân làng khi làm nhà rông thường vẫn theo kiểu, có sao làm vậy thì nay già chủ động thiết kế ra bản vẽ, phân tích khối lượng gỗ, kích thước các cột, lượng tranh cần lấy một cách cụ thể, sau đó phân công công việc cho bà con dân làng. "Khách đến làng khi bước chân vào nhà rông cũng đều trầm trồ khen ngợi nhà rông đẹp, nhà rông to nhất nhì trong vùng là già mừng lắm rồi" - già tự hào.
Già còn thuyết phục, vận động bà con giữ gìn, không đổi bán cồng chiêng như những nơi khác. Làng Kon Brắp Du nhờ vậy mà hiện vẫn còn 16 bộ cồng chiêng. Sau đó già đi vận động thanh thiếu niên trong làng, thành lập đội cồng chiêng, múa xoang do chính già đứng ra truyền dạy. Không chỉ vui trong cộng đồng làng, biểu diễn khi có các đoàn khách đến thăm, đội cồng chiêng - xoang của làng dưới sự dẫn dắt của già A Jring Đeng thường tham gia biểu diễn trong huyện, trong tỉnh để lại ấn tượng đẹp nhờ các tiết mục luôn được dàn dựng công phu.
Nhìn già Đeng say sưa, hào hứng khi giới thiệu về nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na, về cảnh sắc, về tên núi, tên làng Kon Brăp Du bằng lối nói chuyện rất hóm hỉnh, chúng tôi hiểu rằng, chính tình yêu quê hương và tâm huyết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã khiến cho cách làm du lịch của già trở nên dung dị, đời thường. Và, cũng nhờ cách làm ấy của già cùng với sự nỗ lực của bà con dân làng đã góp phần đưa làng Kon Brăp Du trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Kon Tum.
Hoài Nguyên