Giá dầu giảm khiến kinh tế Iran lao đao

Thứ tư, 11/02/2015 13:39

(Cadn.com.vn) - Sự sụt giảm mạnh của giá dầu toàn cầu trong những tháng gần đây đang đe dọa những thành công của Tổng thống Hassan Rouhani cũng như đẩy Iran trở lại suy thoái.

Nước cộng hòa Hồi giáo không lạ gì các cuộc khủng hoảng tài chính nhưng kể từ khi ông Rouhani lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2013, triển vọng kinh tế của Tehran có bước khởi sắc. Chính phủ của ông Rouhani đã nỗ lực ngăn chặn lạm phát tràn lan và ổn định tiền tệ, nhằm "sửa chữa" những hỗn loạn tài chính trong 8 năm dưới thời lãnh đạo của người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.

Tháng 10-2014, thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran tuyên bố, kinh tế tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2011, chứng minh cho nhiều người thấy rằng ông Rouhani là người mà đất nước thực sự cần. Nhưng vài tháng sau đó, Iran phải đối mặt với những thách thức mới trong việc giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn thu từ dầu thô tại thời điểm giá dầu rơi tự do.

"Dầu trượt giá cản trở triển vọng phát triển của Iran trong ngắn hạn", Amir-Ali Amiri, thành viên sáng lập ACL, một Cty đầu tư có trụ sở tại London và Tehran, cho biết. "Đất nước đang trong tình trạng ảm đạm về kinh tế và niềm tin của các nhà đầu tư đang giảm đi bởi Iran đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của mình, cùng với giá dầu thấp. Hiện mọi người đang xem xét và chờ đợi những gì cuộc đàm phán hạt nhân sẽ mang lại", ông Amiri cho biết thêm.

Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tại Iran gia tăng trong bối cảnh giá dầu giảm. Ảnh: BBC

Cú sốc kinh tế

Chính phủ Iran hiện đang nỗ lực cân bằng ngân sách cho năm sắp tới, bắt đầu từ tháng 3. Năm nay, các quan chức cho biết Iran dự kiến sẽ thu được từ 20- 25 tỷ USD từ việc bán dầu - chưa bằng 1/4 so với năm 2011. Thậm chí năm 2016, con số này có thể sẽ thấp hơn. Điều này khiến các kế hoạch chi tiêu lớn bị đóng băng và một số bộ phải cắt giảm ngân sách.

Tháng 12-2014, Tổng thống Rouhani phác thảo dự thảo ngân sách dựa trên giá dầu 72 USD/thùng, nhưng hiện giá dầu còn dưới 50 USD/thùng, nên các kế hoạch tài chính không thể được thực hiện. Tuần trước, một cố vấn của ông Rouhani thừa nhận giá dầu giảm đã gây ra "cú sốc đối với nền kinh tế Iran". Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều cách để đối phó với tình trạng này, như cải cách trợ cấp, thu thêm thuế, nhưng sẽ gây ra tác dụng phụ. Việc tăng thuế giá trị gia tăng sẽ khiến giá nhiên liệu và thực phẩm tăng. Hiện, giá bánh mì tại Iran đã tăng 30% kể từ tháng 12-2014.

Đối với nhiều người Iran, đây là thời điểm rất đáng lo ngại. "Tôi rất lo lắng. Vấn đề giá dầu luôn khiến mọi người bận tâm nhưng tôi cố gắng không nghĩ về nó. Tôi đang làm việc nhiều hơn để kiếm thêm thu nhập, song tôi không đủ khả năng chi trả nhiều khoản", Ali, một kỹ sư IT 32 tuổi, cho biết.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12-2014. Nhiều người phải làm 2-3 việc để kiếm sống, nhưng đôi khi họ không được trả lương. Arash bị nợ hơn 11.000 USD khi một Cty ở Tehran đã không trả lương cho anh trong 8 tháng qua. Một nhà văn cho biết ông phải vay mượn tiền từ bạn bè và đang tìm cách rời khỏi đất nước tìm một cuộc sống mới tại Australia hoặc Canada.

"Nền kinh tế kháng chiến"

Các quan chức Tehran cáo buộc Saudi Arabia - đối thủ của Iran trong khu vực - đang cùng với Mỹ âm mưu đưa giá dầu đi xuống. Tuy nhiên, chính phủ vẫn tin tưởng họ có thể vượt qua "cơn bão", bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng khác và áp dụng biện pháp "nền kinh tế kháng chiến" - chính sách tăng cường năng lực trong nước và giảm nhập khẩu hàng hóa từ các nước phương Tây, như thực phẩm, thuốc men và thiết bị công nghiệp.

Dữ liệu hải quan gần đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu các chất khí, hóa dầu và hàng hóa phi dầu mỏ từ tháng 2 đến tháng 12-2014 thu về 42 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước - một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của Iran có thể phục hồi nhanh.

Tuy nhiên, Iran đang đối mặt với nhiều sự không chắc chắn so với trước đây. "Mọi thứ đều không chắc chắn cho đến khi chúng ta biết những gì xảy ra trong cuộc đàm phán hạt nhân. Nếu thỏa thuận được thực hiện, đó sẽ là một bước tiến lớn đối với nền kinh tế. Còn nếu không, người Iran sẽ phải mất rất nhiều thứ", một nhà phát triển bất động sản giàu có đến từ Tehran cho biết.

An Bình
(Theo BBC)