Thế giới chao đảo vì giá dầu
(Cadn.com.vn) - Dầu mỏ mất khoảng 50% giá trị kể từ hồi tháng 6-2014 do những quan ngại về “cung thừa cầu” và quyết định không cắt giảm sản lượng của OPEC dù giá dầu lao dốc.
Giá dầu nhích lên đôi chút vào phiên giao dịch ngày 6-1, sau khi khiến các nhà xuất khẩu “vàng đen” khốn đốn vì chạm mức thấp nhất kể từ năm 2009 với giá dưới 50 USD/thùng.
Theo đó, giá dầu thô tăng 16 cent, ở mức 53,27 USD/thùng sau khi giảm xuống dưới 52,26 USD/thùng vào hôm 5-1, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2009. Trong khi đó, giá dầu thô ở Mỹ ngày 6-1 cũng tăng 13 cent, lên mức 50,17 sau khi xuống dưới mức 50 USD, lần đầu tiên kể từ tháng 4-2009. “Mọi người vẫn tin lời hứa từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, những gì chúng tôi nhận được về cơ bản là nhu cầu yếu... trong bối cảnh Châu Âu có nguy cơ khủng hoảng”, một nhà phân tích cảnh báo.
DẦU MỎ TIẾP TỤC ĐÀ MẤT GIÁ
Dầu mỏ mất khoảng 50% giá trị kể từ hồi tháng 6-2014 cho đến nay.
Việc giá dầu thô tiếp tục lao dốc như thế này khiến thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2015 với sự mất giá thảm hại nhất trong nhiều tháng qua của các chỉ số chứng khoán chủ lực. Tại sàn giao dịch New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất giá 325,27 điểm (1,82%), xuống còn 17.507,72 điểm. Chỉ số Standard&Poor 500 và chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite cũng lần lượt mất giá 1,8% và 1,47%.
Giới phân tích cho rằng, một loạt các yếu tố kết hợp đẩy giá dầu xuống vực thẳm. “Đó là do những mối lo ngại về diễn biến chính trị ở Hy Lạp, sản lượng cao từ Nga, Iraq, Mỹ và một đồng USD mạnh hơn”, Reuters dẫn lời chuyên gia Mark Keenan, người đứng đầu Viện nghiên cứu hàng hóa tại Societe Generale nhận định. Những lo ngại về nguồn cung dầu dư thừa càng tăng khi số liệu cho thấy, sản lượng dầu trong năm 2014 ở Nga là cao nhất kể từ thời hậu Liên Xô cũ. Trong khi đó, xuất khẩu từ quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai OPEC - Iraq - cũng chứng kiến thời kỳ cao nhất kể từ năm 1980.
Hiện, đồng EUR rơi xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua so với đồng USD do lo ngại đảng cực tả Syriza ở Hy Lạp sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 25-1 tới, vốn có thể khiến Athens rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Nỗi lo lắng về những biến động chính trị tại Hy Lạp càng khiến các nhà đầu tư bán tống bán tháo những tài sản rủi ro trên khắp toàn cầu để mua trái phiếu an toàn.
Giá dầu tiếp tục rớt giá ngay trong những ngày giao dịch đầu năm 2015. Ảnh: Fox |
PHẢI THAY ĐỔI NGUỒN CUNG?
Một số nhà kinh tế mong đợi giá dầu rẻ có thể thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng và trở thành phao cứu sinh nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, việc dầu mỏ mất giá gần 50% như thế này cũng làm dấy lên mối lo ngại giảm phát. Reuters cho rằng, đây có thể là tin tuyệt vời cho người lái xe, nhưng lại là vấn đề nan giải cho các nhà hoạch định chính sách.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) chú trọng thiết lập chính sách để kéo mọi việc trở lại quỹ đạo của nó, Châu Âu nỗ lực tránh giảm phát. Các thương nhân hiện đang chờ đợi khách hàng tiềm năng: người tiêu dùng ở Mỹ. Ngân hàng United Overseas của Singapore cho biết, biên bản cuộc họp mới nhất của FED tuyên bố “sẽ thống trị thị trường dầu mỏ trong tuần này”.
Giới phân tích dự đoán, giá dầu thô sẽ dao động ở mức 60-90 USD/thùng trong tương lai gần và nhấn mạnh, OPEC có thể sử dụng công cụ duy nhất để kéo giá dầu khỏi vực thẳm: đó là thay đổi nguồn cung dầu mỏ.
Khả Anh