"Già làng" của lễ hội đình làng
Đình Túy Loan được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia Làng vào năm 1999. Tại đây, hàng năm thường rộn ràng với Lễ hội đình làng Túy Loan, thu hút khách du lịch gần xa. Gắn bó với đình làng gần cả cuộc đời, cụ ông Đặng Khôi (còn gọi là ông Năm Khôi, 94 tuổi) được xem là "hồn cốt" của lễ hội đình làng.
Cảnh rước sắc phong về đình. |
Theo các bậc cao niên làng cổ Túy Loan, Làng cổ Túy Loan được khai phá dưới thời vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Từ quá trình khai phá, lập làng, nhân dân đã xây dựng các thiết chế văn hóa tín ngưỡng cổ truyền, trong đó có ngôi đình làng. Trải qua nhiều đổi thay theo thời cuộc, đình Túy Loan hiện nay được xây dựng dưới thời vua Thành Thái (năm Canh Tý (1890) trên cơ sở mô phỏng theo quy mô, kiểu thức của ngôi đình cũ xây dựng thời Đồng Khánh.
Hơn một thế kỷ trôi qua, tất cả vẫn còn gần như nguyên trạng, Đình trầm mặc uy nghiêm dưới bóng cây đa cổ thụ và bến nước trước sân. Hằng năm cứ đến "xuân kỳ, thu tế", vào hai ngày 11-12 tháng 8 (âm lịch) và các ngày đầu năm mới dân làng lại long trọng thiết lễ tế đình, rước sắc phong, tổ chức các trò chơi dân gian như hát bài chòi, hát bội, thi đua ghe, thi trâu cày, thi chế biến các món ăn truyền thống quê hương, bắt lươn, trèo chuối...
Trao đổi với chúng tôi vào những ngày giáp Tết Tân Sửu -2021, cụ Khôi- nguyên Trưởng ban Trùng tu và Quản lý Đình làng Túy Loan cho hay: "Hằng năm, thể theo nguyện vọng của dân làng, chúng tôi tổ chức lễ hội đầu năm để nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, giáo dục thế hệ cháu con biết trân trọng giữ gìn phát huy thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa truyền thống của tiền nhân, duy trì nét đặc trưng văn hóa ẩm thực của quê hương. Tuy nhiên, năm 2020, do dịch Covid-19 xảy ra, chấp hành chủ trương cấp trên, chúng tôi không tổ chức lễ hội.
Vừa qua, ngành chức năng của UBND xã Hòa Phong đã cho tôi hay, năm nay (2021) Lễ hội Đình làng Túy Loan sẽ tổ chức lớn, có lãnh đạo TP Đà Nẵng về tham dự, họ nhờ tôi làm Phó ban tổ chức "Lễ hội đình làng Túy Loan năm Tân Sữu -2021" bởi vì tôi có kinh nghiệm trên 20 năm tổ chức lễ hội đình làng. Nói chung, vai trò của các bậc cao niên rất lớn, đoàn kết, chung lòng chung sức cùng nhau tích cực tham gia đóng góp và vận động con cháu cùng tham để lễ hội đình làng thành công tốt đẹp".
Xin nói về "ông Năm Khôi", người sắp bước qua tuổi gần "bách niên" nhưng minh mẫn, tỏ tường. Ông được xem là "già làng" của Làng cổ Túy Loan bởi ở sự hiểu biết, am tường sâu rộng gần như hầu hết mọi vấn đề. Bà con, du khách ai muốn tìm hiểu về văn hóa làng Túy Loan xưa và nay, về trầm tích văn hóa mảnh đất Hòa Vang từ thời các ông tổ về đây khai phá, lập làng đều được ông giải đáp tỉ mỉ. Ông cũng còn được xem là "hồn cốt" cho lễ hội đình làng bởi thiếu ông, người dân và du khách như thiếu một cái gì rất thiêng liêng và trân quý.
Ông Đặng Khôi, được xem là "hồn cốt" của lễ hội đình làng Túy Loan. |
Còn nhớ cách đây gần hai chục năm, ông Năm Khôi ra tận Hà Nội gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin, trình bày về lịch sử, về giá trị của di tích đình làng Túy Loan. Bộ này đã tổ chức các đoàn kiểm tra, về tận làng khảo sát. Sau đó đình làng Túy Loan được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Như nắng hạn gặp mưa, ông Năm Khôi và các ông trong làng trình xin thành phố về việc mở lễ hội, duy trì một bản sắc văn hóa làng.
Thế là suốt 20 năm ông Năm Khôi làm Trưởng ban Trùng tu và Quản lý đình làng, Trưởng ban tổ chức lễ hội... Ông Năm Khôi với chiếc xe đạp "cà tàng" đạp xe đi vận động kinh phí tổ chức. Kinh phí nhiều thì mở hội to, kinh phí ít thì làm hội nhỏ. Con cháu, bạn bè bốn phương tụ về, hoan hỉ. Lễ tiến hành ở đình làng với phần cúng, phần lễ rước, cầu mùa, cầu quốc thái dân an. Năm nay-2021, "ông Năm" còn khỏe và minh mẫn nên "được giao" chức Phó trưởng ban Lễ hội đình làng Túy Loan năm Tân Sửu-2021.
Do gia tăng về dân số, hiện nay, làng Túy Loan có trên 1.000 hộ, được chia làm 4 thôn: Túy Loan Tây 1 và 2; Túy Loan Đông 1 và 2. Dẫu vậy, dù ở nơi đâu, khi có lễ hội, con cháu Làng cổ Túy Loan, dù làm ăn ở xa đều thu xếp để về thăm lại làng xưa, quê cũ, thắp nén hương để tưởng niệm công đức của tiền nhân, một thời khai cư mở cõi và để ăn cái Tết đậm đà nơi quê hương xứ sở. Đặc biệt, vào dịp lễ hội này, mọi khách vãng lai cũng được dân làng mời dự tiệc đầu xuân với các loại bánh truyền thống dân dã quê hương, ở ngay trước đình làng, khách và chủ tay bắt mặt mừng, chúc nhau nhiều niềm vui, may mắn, mọi việc đều hanh thông trong năm mới.
Tiên Sa