Giá thuốc sẽ “hợp lý”

Thứ sáu, 20/11/2015 07:46

(Cadn.com.vn) - Sáng 19-11, tại phiên họp của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa ủy quyền của Chính Phủ đã đọc tờ trình về Dự án Luật dược (sửa đổi). Trả lời báo giới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Dự án Luật dược (sửa đổi) sẽ góp phần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động này, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá hợp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng cho biết, so với Luật dược hiện hành, Luật dược (sửa đổi) có khá nhiều điểm mới. Đối với chính sách phát triển công nghiệp dược, Dự thảo Luật bỏ quy định định hướng đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược mà chỉ tập trung ưu tiên, nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; ưu tiên sản xuất thuốc vừa mới hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Các quy định này nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam thực sự có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh; bảo đảm phù hợp với năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới.

Đối với dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, Luật bổ sung chính sách kết hợp đầu tư ngân sách với huy động các nguồn lực khác cho phát triển, nuôi trồng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; ưu tiên mua thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước tuân thủ nguyên tắc thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu. Việc quy định các chính sách này nhằm tận dụng tối đa nguồn dược liệu sẵn có phục vụ cho sản xuất trong nước; khuyến khích xuất khẩu; khuyến khích việc cung ứng và sử dụng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phù hợp với xu hướng sử dụng thuốc của thế giới.

Về giá thuốc, Dự thảo Luật không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách Nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả do việc đưa ra tiêu chí các nước có điều kiện y tế tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa là không khả thi. Dự thảo Luật quy định việc quản lý giá thuốc với các biện pháp quản lý cụ thể, thống nhất với Luật giá, Luật đấu thầu và các văn bản khác có liên quan, trong đó điểm mới cơ bản quy định việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định mang tính đặc thù về điều kiện kinh doanh (điều kiện thấp hơn so với thuốc hóa dược), đăng ký (thời hạn cấp giấy đăng ký lưu hành ngắn hơn rất nhiều so với thuốc hóa dược), thử thuốc trên lâm sàng (được miễn thử thuốc trên lâm sàng) để ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền; chỉ công nhận thuốc cổ truyền của Việt Nam nhằm hạn chế thuốc nước ngoài đăng ký vào Việt Nam dưới dạng thuốc cổ truyền. Đồng thời, để tiêu chuẩn hóa người hành nghề dược, dự thảo bổ sung 3 vị trí phải có Chứng chỉ hành nghề dược gồm: Người phụ trách về bảo đảm chất lượng thuốc đối với cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; dược sĩ làm công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; dược sĩ trực tiếp tư vấn sử dụng thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc.

Điểm mới đặc biệt trong Dự thảo Luật chính là bổ sung 1 Chương về dược lâm sàng, trong đó quy định nội dung hoạt động dược lâm sàng, quyền, nghĩa vụ của dược sĩ làm công tác dược lâm sàng, điều kiện bảo đảm để triển khai hoạt động dược lâm sàng và tổ chức triển khai hoạt động dược lâm sàng. Trong số 7 hoạt động dược lâm sàng, nội dung tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn và giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý là những nội dung cơ bản.

T.P
(lược ghi)