Giá trị đồng EUR đang chao đảo

Thứ tư, 19/05/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Mặc dù quy mô của kế hoạch cứu trợ các nền kinh tế Châu Âu lên đến 750 tỷ EUR không kể 110 tỷ EUR tung ra trước đó để hỗ trợ Hy Lạp bị vỡ nợ, tâm lý hoài nghi vẫn đè nặng lên thị trường tài chính khu vực này và có nguy cơ lan rộng ra nhiều nước khác ngoài khu vực.

Các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) đang đứng trước một tình thế mâu thuẫn: đầu tiên, khủng hoảng nợ của các nước Nam Âu làm thị trường lo ngại. Mâu thuẫn tiếp theo là những biện pháp ban hành để giảm nợ lại gây ra tâm lý mất tin tưởng. Nguyên nhân khiến đồng EUR mất giá kỷ lục so với đồng USD trong vòng 4 năm qua là do trên thực tế các thị trường vẫn hoài nghi về mức độ thành công của giải pháp ngăn ngừa cuộc khủng hoảng nợ lan rộng ra khu vực đồng tiền chung.

 Nền kinh tế các nước EU đang lâm nguy vì giá trị của đồng EUR. Ảnh: AFP

Thực trạng này diễn ra bất chấp việc các Bộ trưởng tài chính EU đã tuyên bố hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp. Giới đầu tư cũng lo ngại các khoản cứu trợ tài chính cho các nước chìm sâu trong nợ nần và quyết định của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) về việc mua trái phiếu chính phủ có thể góp phần làm gia tăng lạm phát. Hơn nữa, các liều thuốc đắng giảm chi ngân sách ở những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có thể đe dọa sinh hoạt kinh tế trong khu vực EUR mà tỷ lệ tăng trưởng rất thấp so với Mỹ và nhất là Châu Á. Thêm vào đó, giới đầu tư mong đợi những biện pháp tài chính nghiêm ngặt nhưng mặt khác, họ lại sợ kinh tế tăng trưởng thấp.

Sự chao đảo của đồng EUR đã tác động ngay lập tức thị trường tài chính quốc tế đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Từ Tokyo, Bombay, Hongkong, Đài Bắc cho đến Thượng Hải và Sydney, ngày 18-5 các sàn giao dịch trượt giá từ hơn 2% đến gần 4%. Đây là sự trượt giá đáng kể nhất kể từ đầu năm 2010 đến nay. Không những vậy, nó còn tạo ra tâm lý hoang mang cho mọi người khi sử dụng đồng EUR.

Đánh giá về những diễn biến nói trên, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cho rằng, thị trường tài chính đang ở trong tình trạng mà ông gọi là “khó khăn nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”. Đã vậy, từ bên kia bờ Đại Tây Dương, cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ là ông Paul Volcker đưa ra một lời tuyên bố không ích lợi gì cho EUR khi tiên đoán rằng, eurozone có thể bị “tan vỡ”. Chuyên gia tài chính Nhật Bản Daisuke Karakama của Ngân hàng Mizuho cho rằng “thị trường không tín nhiệm EUR”. Theo ông, con số 750 tỷ EUR mà Châu Âu thống nhất đưa ra để cứu trợ cho Hy Lạp chỉ là “tủ kính” trưng bày, vì hơn phân nửa số tiền này còn chờ Quốc hội các nước chấp thuận.

Một chuyên gia khác của Nhật, Hideaki Inoue, thuộc Ngân hàng Mitsubishi, nhận định là chính sách “thắt lưng buộc bụng” tại Châu Âu sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho các hoạt động kinh tế. Báo chí Tây Ban Nha thuật lại là Tổng thống Pháp đã dọa rút khỏi khu vực đồng EUR để bắt chẹt Thủ tướng Đức phải chấp nhận kế hoạch cứu Hy Lạp vỡ nợ.

Nhằm trấn an dự luận và cố thuyết phục các nhà đầu tư để ổn định thị trường tài chính, các bộ trưởng tài chính eurozone ngày 18-5 khẳng định đồng EUR vẫn là đồng tiền đáng tin cậy bất chấp gần đây đồng tiền này đã mất giá mạnh do lo ngại khủng hoảng nợ của Hy Lạp lan ra khu vực này. Phát biểu trước báo giới sáng 18-5, Chủ tịch cuộc họp bất thường của các Bộ trưởng tài chính đến từ 16 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels từ chiều 17 đến ngày 18-5, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng EUR vẫn là đồng tiền đáng tin cậy”. Ông cũng bác bỏ mọi nguy cơ tăng giá trong khu vực này, đồng thời cho rằng đây là đặc trưng lớn của đồng EUR và là tài sản lớn để đầu tư.

Nhưng liệu sự trấn an đó có làm cho người ta yên tâm hay không vẫn là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ. Trong khi giá trị đồng EUR đang chao đảo thì đồng USD lại lên ngôi. Nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt mua trái phiếu của chính phủ Mỹ. Một số ngành sản xuất như xe hơi của Mỹ khởi sắc. Sự thay đổi cán cân này cũng là một thách thức lớn cho các nước sử dụng EUR trước đây vốn tạo thế cân bằng với đồng USD và thậm chí còn có ý tưởng thay thế đồng USD khi Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính kể từ năm 2007.

Lê Diệu Nguyên