Giấc mơ cá tầm trên cao nguyên

Thứ sáu, 12/06/2015 11:41

(Cadn.com.vn) - Món trứng cá tầm (Caviar) được xem là "vàng đen" trên thế giới, thịt của nó trở thành thứ mặt hàng đắt đỏ và đem lại nhiều lợi nhuận. Ở một vùng núi của huyện Kbang (Gia Lai), cá tầm phát triển tốt giữa lòng hồ cao hơn 700m so với mực nước biển và người chăn nuôi đang mơ đến một ngày được xuất khẩu thứ "vàng đen" này. Thế nhưng, giấc mơ này vẫn đang còn bao dang dở!

Đưa cá tầm lên cao nguyên

Khi dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại hồ chứa Vĩnh Sơn C nằm ở xã Đăk Rong, H. Kbang, Gia Lai" được triển khai, ít ai nghĩ rằng loại cá xứ lạnh này có thể sinh trưởng ở nơi này. Ông Võ Tấn Hưng- Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng H. Kbang, Chủ nhiệm dự án nuôi cá tầm cho biết: "H. Kbang nằm bao bọc giữa những dãy núi lớn và có độ cao trung bình từ 600-800m so với mực nước biển và có nhiều nguồn nước lạnh phong phú. Và hồ C thủy điện Vĩnh Sơn với diện tích 320ha, có độ cao hơn 700m so với mực nước biển, có nhiệt độ trung bình cả năm dưới 270C thì đây là điều kiện tự nhiên đáp ứng để nuôi loài cá tầm".

Lòng hồ Vĩnh Sơn C (xã Đăk Rong, H. Kbang, Gia Lai) thích hợp để nuôi cá tầm thương phẩm.

Sau khi khảo sát và lập dự án, với nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Gia Lai 2 tỷ đồng và vốn của 10 hộ dân tham gia dự án đóng góp 2 tỷ đồng; cùng với sự chuyển giao công nghệ của Cty Hàng Hải và Dầu khí Việt-Xô (Vietxomaripet), tháng 5-2013, 10.000 con cá tầm giống được thả nuôi vào những lồng trên hồ chứa Vĩnh Sơn C. Kỹ thuật viên và các hộ tham gia dự án được tập huấn từ kỹ thuật nuôi, cho ăn, phòng trừ dịch bệnh cũng như được đi học hỏi kinh nghiệm ở các mô hình khác. Với thời gian dự án kéo dài trong 36 tháng sẽ đạt mục tiêu 18 tấn cá tầm thương phẩm tiêu thụ thị trường trong và ngoài nước. Và điều quan trọng là hoàn thiện quy trình nuôi cá tầm thương phẩm phù hợp với điều kiện tại Gia Lai.

10.000 con cá tầm giống Sterlet (A. ruthenus) là loài được đánh giá cao do chất lượng tuyệt hảo của thịt cũng như cung cấp các loại trứng cá muối và thạch cá (làm từ bong bóng cá) tốt nhất lớn nhanh với điều kiện khí hậu, môi trường thích hợp ở đây. Qua 2 năm từ khi triển khai dự án đến nay, 9.000 con cá tầm (khoảng 1.000 con đã chết) phát triển tốt và bình quân đạt 4-5kg/con, tính sơ đã có khoảng 40 tấn cá tầm thương phẩm. Đưa chúng tôi bằng chiếc xuồng nhỏ ra 20 ô lồng đang nuôi cá tầm, anh Lê - kỹ sư thủy sản phụ trách chăm đàn cá ở đây hồ hởi khoe: "Với công nghệ được chuyển giao và điều kiện chăm sóc đầy đủ, có con giờ đã đạt trọng lượng 10kg. Số cá chết đều do nguyên nhân khách quan như: do hồ chứa xả lũ gây bùn khiến cá chết vì không kịp cung cấp đủ ô-xy. Còn lại chúng phát triển rất tốt ở đây". Những tấm lưới từ các ô lồng kéo lên, những con "quái vật cổ đại" này quẫy tung nước với làn da đen bóng và khỏe mạnh. Dù đàn cá phát triển nhanh và khỏe mạnh đến thế nhưng những hộ dân tham gia dự án cũng như anh Lê vẫn canh cánh nỗi lo. Bởi đàn cá vẫn chưa tìm được đầu ra tiêu thụ.

Đàn cá tầm 9.000 con đang sinh trưởng nhanh ở vùng đất này.

Giấc mơ từ một dự án

9.000 con cá tầm ở đây đã qua thời điểm để xuất thành thương phẩm (chế biến lấy thịt) bởi tầm 2-2,5kg/con thì đã xuất lồng nhưng đến giờ thị trường đầu ra vẫn không có. Ông Võ Tấn Hưng chia sẻ: "Hiện định hướng chúng tôi sẽ thông qua Vietxomaripet để tìm kiếm thị trường bán cá để người ta lấy trứng. Họ sẽ đưa máy siêu âm qua, cá đực sẽ bán chế biến thành thương phẩm bán tại thị trường Việt Nam hoặc xuất đi, còn số cá cái sẽ tiếp tục được nuôi lấy trứng. Theo dự tính, 9.000 con cá tầm tại đây sẽ có khoảng 1/2 là cá cái và với thể trọng bây giờ nếu tiếp tục chăm sóc sẽ cho thu về 9 tấn trứng. Với giá thị trường ở Việt Nam bây giờ là 25 triệu đồng/1kg thì sẽ thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ: khoảng 120 tỷ đồng".

Những con cá tầm đã đạt kích thước lớn nhưng đầu ra vẫn còn là điều trăn trở.

Nói là thế nhưng lợi nhuận này sẽ vào tay của một bên mua lại khác. Dự định của ông chủ nhiệm dự án và các hộ dân khác là sẽ bán đứt số cá trên theo giá thương phẩm (tức tương đương 250.000 đồng/kg). Sau khi trừ các chi phí sẽ thu lợi về: 3 tỷ đồng. Một con số dù nhỏ nhưng đã tạm gọi là thành công của dự án này. "Khó khăn của chúng tôi bây giờ không phải là đầu tư, chăm sóc mà là vấn đề đầu ra cho các sản phẩm của cá tầm", ông Hưng băn khoăn. Thế nên, hiện tại đàn cá tầm vẫn chỉ cho ăn cầm chừng và... chờ bên Vietxomaripet mua lại. Được biết, dù chưa kết thúc dự án nhưng 10 hộ dân góp vốn đang nóng lòng không biết đàn cá tầm sẽ được xuất đi lúc nào, trong khi đó mỗi ngày đàn cá này "xơi" từ 6-7 triệu đồng tiền thức ăn. Đến thời điểm này, số tiền nợ thức ăn cho đàn cá đã lên đến khoảng 800 triệu đồng".

Theo ông Hưng tính toán, thời gian tới nếu nhà đầu tư nước ngoài vào đây mua đứt toàn bộ số cá trên và thuê đất làm dự án của họ để lấy trứng cá tầm tại đây với quy mô lớn hơn thì cá tầm sẽ tạo nên ngành mới thu hút lao động địa phương. Điều nghịch lý khi trong tay chúng ta có đầy đủ điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đây đem lại cho cá tầm nguồn sống tốt và trứng cá, thịt cá chất lượng hơn những nơi khác nhưng đầu ra vẫn là bài toán chưa có lời giải. Ông Hưng chua xót so sánh: "Người ta đã có đầu ra rồi, người ta chỉ còn bỏ tiền ra đây thôi! Còn mình thì chỉ có chơi theo kiểu cò con!". Thế nên, dự án đã thành công ngoài sự mong đợi nhưng giấc mơ về một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ loài cá này vẫn còn dang dở. Chia tay, ông Hưng - người ấp ủ với cá tầm này vẫn lạc quan: "Cuộc chơi còn dài! Biết đâu mai đây ở xã vùng sâu của H. Kbang này lại tự sản xuất ra thứ "vàng đen" hảo hạng ra thế giới".

Minh Tân