Giấc mơ mở cửa kho báu (2)

Thứ năm, 02/04/2015 10:31

* Kỳ cuối: Vùi chôn phận người

(Cadn.com.vn) - 31 năm theo đuổi giấc mơ kho báu núi Mã Cú, ông Nguyễn Hồng Công phải đón nhận một cái chết bi thảm nơi đất khách quê người. Còn với cụ Trần Văn Tiệp (đến nay đã hơn 100 tuổi) đã đổ gần như cả gia tài vào quá trình hơn 20 năm tìm kiếm kho báu trên núi Tàu. Những kho báu thì vẫn bặt vô âm tín như trêu ngươi những phận người.

Kết thúc bi thương

Nhớ về cái chết của ông Nguyễn Hồng Công vào cuối năm 2013, chúng tôi lại nhớ khuôn mặt đầm đìa nước mắt của chị Đinh Thị Tâm trước cái lán gỗ nhỏ của ông Công nằm nép mình trong núi. Chị Tâm không phải là bà con thân thích, nhưng trước cái chết đơn độc của ông Công, chị Tâm rơi nước mắt vì thương cảm. “Cũng tội ông ấy, bỏ vợ, bỏ quê hương để đi tìm kho báu. Giờ lại chết một mình trong rừng sâu”, chị Tâm xót xa nói.

Cụ Tiệp đã dốc cả gia tài cho việc tìm kiếm kho báu.

Tháng 10-2013, ông Công được người dân xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình phát hiện là đã chết nhiều ngày trước trong căn lán của mình nằm sâu trong núi Mã Cú. Cái chết của ông đã kết thúc 31 năm ròng rã theo đuổi giấc mơ tìm kho báu. Ông Công rời TPHCM và đặt chân đến núi Mã Cú đi tìm kho báu Vua Hàm Nghi từ năm 1982. Đến năm 1987, ông Công làm đơn gửi UBND tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó (nay là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế) để xin phép được tìm kiếm kho báu tại núi Mã Cú. Lúc đó, nhiều người cũng tin vào một kho báu với hàng tấn vàng bạc, châu báu đang chôn giấu tại đây nên trong 2 năm 1987 - 1988 nhiều người đã đổ về đây đào tìm nát cả một góc núi Mã Cú. Nhiều người đã huy động cả máy móc đến đây để đào bới nhưng cuối cùng cũng rút về trong thất bại.

Sau đó một vài năm, mọi người dường như đã quên kho báu vua Hàm Nghi, duy chỉ còn ông Công là vẫn bám trụ trong núi. Một mình ông, bằng phương pháp thủ công vẫn hằng ngày đào bới. Sau lần xin phép năm 1987, đến năm 1989, khi tỉnh Bình Trị Thiên tách tỉnh, ông Công lại làm đơn gửi UBND tỉnh Quảng Bình cho gia hạn tìm kiếm kho báu. Lượng đất đá ông Công đào khoét trong núi Mã Cú là khá lớn, đến nỗi một trận lụt năm 1993, đất đá do ông Công đào lên đã trôi ra lấp cạn cả một dòng suối.

Thời gian trôi đi, người dân địa phương ít nhắc đến kho báu mà chỉ nhắc đến một ông già “gàn” đang ngày đêm đào bới trong núi. Rồi bỗng nhiên năm 1997, dư luận lại một phen xôn xao khi ông Công làm bản tường trình gửi UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng mình đã tìm ra kho báu. Ông Công kê ra rằng, trong 14 năm tìm kiếm ông đã tiêu tốn khoảng 5 tỷ đồng, và yêu cầu được chia 10% số tài sản tìm được nếu không đóng thuế; còn nếu chịu thuế thì xin được hưởng 25%. Tuy nhiên, đoàn liên ngành lúc ấy được lập ra để bảo vệ kho báu đã bị “hớ” bởi không có kho báu nào được tìm thấy cả.

Núi Tàu nhìn từ phía trước.

Từ lần đó, lòng tin vào việc ông Công tìm ra kho báu dường như đã không còn đối với nhiều người, thì đến năm 2011, ông Công lại gửi tiếp một bản tường trình cho biết “sắp chạm tay vào kho báu”. Ông đề nghị được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu, thay vì 10% mà ông Trần Sự (Chủ tịch UBND tỉnh trước đây) ký năm 1989. Các ngành chức năng một lần nữa xác minh và khẳng định không có kho báu nào được tìm ra cả.

Sau lần đó, ông Công vẫn lặng lẽ một mình kiếm tìm trong núi. Đến tháng 10-2013 người dân xã Hóa Sơn phát hiện ông đã chết trong lán do kiệt sức, thi thể đã có dấu hiệu phân hủy. Cả cơ quan chức năng và người dân đều không ai biết địa chỉ hay số điện thoại người thân của ông nên đề nghị CA tỉnh Quảng Bình khám nghiệm tử thi và chôn cất theo phong tục địa phương, kết thúc một phận người 31 năm theo mộng kho báu.

Căn lán nơi ông Công đã đón nhận cái chết bi thảm do kiệt sức tại núi Mã Cú.

Giấc mơ vẫn chôn vùi

Khi ông Công một mình đơn độc trong việc kiếm tìm kho báu thì cụ Trần Văn Tiệp lại được người thân giúp cả về tinh thần và kinh tế trong việc vén màn bí mật kho báu núi Tàu. Nằm cạnh QL1A, ở xã Phước Thể, Tuy Phước, Bình Thuận, núi Tàu là một núi thấp, thực vật chủ yếu là thân bụi. Nơi cụ Tiệp đào tìm kho báu là phía núi hướng ra biển. Cụ Tiệp dốc hết tiền con cháu gửi về từ nước ngoài, bán cả nhà cho công cuộc tìm kiếm kho báu. Trong 20 năm khoan thăm dò, nổ mìn để mở đường đến kho báu, cụ Tiệp đã nhiều lần được UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn tìm kiếm. Cụ cũng phải ký quỹ hoàn thổ cho núi Tàu khi việc tìm kiếm kết thúc. Hàng trăm mũi khoan thăm dò, hàng chục lần nổ mìn và nhiều lần tưởng chừng như đã chạm tay vào kho báu nhưng cuối cùng kho báu núi Tàu vẫn là điều bí ẩn. Hàng chục tỷ đồng đã được cụ Tiệp đổ vào công cuộc tìm kiếm kho báu núi Tàu.

Có những lúc tuyệt vọng với kho báu thì cụ Tiệp lại được một nhà “ngoại cảm” khơi lại hy vọng bằng hàng loạt sự kiện bí ẩn mà đến nay không biết do tình cờ hay do nhà “ngoại cảm” sắp đặt. Ví như tìm được thanh kiếm nạm rồng mà mọi người tin là của Nhật Hoàng hay phiến đá hình gan gà nhỏ xíu được đào lên với nhiều đường cong, uốn éo kỳ lạ, trông như đồ trưng cúng trên bàn thờ vua chúa ngày xưa. Nhưng cuối cùng nhà ngoại cảm lại “lặn” mất khi đã moi được của cụ Tiệp một số tiền. Thậm chí có người còn cho rằng họ nắm giữ tấm bản đồ được vẽ lại từ 3 thế hệ có thể tìm ra đường vào kho báu. Nhưng cuối cùng cuộc tìm kiếm kho báu của cụ Tiệp vẫn rơi vào vô vọng. Đến đầu năm 2015, khi thấy không có dấu hiệu của kho báu, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn yêu cầu cụ Tiệp ngưng tìm kiếm kho báu núi Tàu và hoàn thổ như cam kết.

Trở lại núi Tàu lần này, mới chỉ đầu hè nhưng cái nắng của đất Bình Thuận đã rất gay gắt. Phía trước núi Tàu gần QL1A một vài cụm hoa tím đã nở. Phía sau nơi tìm kiếm kho báu của cụ Tiệp kết thúc đất đá vẫn ngổn ngang chưa được hoàn thổ. Tìm lại quán nước đầu năm ngoái mà mình đã ghé, tình cờ chúng tôi lại gặp một công nhân từng tham gia tìm kiếm kho báu cho cụ Tiệp trên núi Tàu. Anh này từ chối cung cấp tên thật mà chỉ cho biết là tên Ba. “Tôi nghe nói cụ (Tiệp) vẫn đang xin tỉnh gia hạn tìm tiếp đó chớ chưa dừng hẳn đâu. Cụ đổ quá nhiều tiền vào đây rồi” - anh Ba nói.

Nếu lần này UBND tỉnh Bình Thuận cho dừng hẳn việc tìm kiếm kho báu tại núi Tàu, thì giấc mơ về kho báu vua Hàm Nghi ở Quảng Bình của ông Nguyễn Hồng Công và “kho báu Yamashita” của cụ Trần Văn Tiệp mãi mãi là bí ẩn chôn vùi trong lòng núi. Giấc mơ về kho báu kết thúc, để lại đắng cay cho những phận người đã dành một phần đời và hàng tỷ đồng cho việc tìm kiếm chúng.

Uyên Như