“Giấc mộng” Ruby
(Cadn.com.vn) - Hàng chục héc-ta rừng ở tiểu khu 300 và 306 thuộc xã Cư Klông, H. Krông Năng (Đắc Lắc) đã và đang bị hàng trăm người đổ về tàn phá, cày xới nham nhở từ một tin đồn có chứa đá quý Ruby, Saphia, thạch anh.
Lũ lượt vào rừng đào đá quý
Thông tin trên bắt đầu rộ lên từ khoảng tháng 8-2013. Ngay lập tức người dân kéo nhau vào rừng dựng lán trại, đào đãi. Ban đầu chỉ có vài ba chục người, dần dần số người đến càng lúc càng đông. Cao điểm vào giữa tháng 9-2013, có ngày CAH Krông Năng và CA các xã Cư Klông, Dliê Ya ước tính có tới hơn 500 người. Họ truyền tai nhau: cuối năm 2012, một người đi rừng đã vô tình tìm được 1 viên đá quý tại tiểu khu 300. Viên đá sau đó đã được đem về TPHCM bán được hơn 300 triệu đồng. Tiếp đó, một người đàn ông tên Hải đã phát hiện một bãi lở hứa nhiều loại đá quý nên đưa máy móc vào khai thác và cũng... trúng đậm.
Anh Phùng Văn Duyên (1989, HKTT tại xã Ea Tân, H. Krông Năng), người có hơn 10ha đất rẫy tại khu vực đồi giáp tiểu khu 300 cho biết: Đã hơn 10 năm nay, gia đình anh sống trong rẫy nhưng chưa bao giờ nghe thấy chuyện ở đây có đá quý. Từ tháng 8, bỗng nhiên thấy nhiều người lũ lượt mang dụng cụ băng rừng vào đây tìm đá. Có ngày, anh Duyên ước tính kể cả số người vào ra và số người dựng lán trại tại chỗ cũng phải lên đến gần 1.000 người. Đa số trong số này vào được vài ngày, không tìm được đá thất vọng lại quay ra. Thỉnh thoảng, từ đâu đó trong số những người thợ đào đá lại rộ lên tin đồn người này trúng viên Ruby lớn, người kia đào được viên đá bán hơn 100 triệu đồng, thế nhưng chưa bao giờ anh Duyên được tận mắt nhìn thấy đá quý.
CA địa phương truy quét. |
Ngày 23-12, theo chân CAH Krông Năng và CAX Dliê Ya, chúng tôi vào bãi khai thác đá số 1, thuộc tiểu khu 300, xã Cư Klông. Từ trung tâm xã Dliê Ya (xã tiếp giáp với Cư Klông) vào đến tiểu khu 300 phải đi khoảng 12km đường lầy lội, trong đó một nửa là đường đất, một bên núi cao, một bên vực thẳm, ô-tô không đi được, muốn vào đến nơi phải đi bộ hoặc dùng xe máy quấn xích vào bánh. Vượt qua đoạn đường rừng đầy khổ ải, chúng tôi tới được bãi khai thác đá số 1. Đập vào mắt chúng tôi là cánh rừng bị băm nát, đào xới loang lổ.
Dọc theo hai bờ con suối là hàng trăm hang hố, vỉa đào nham nhở bị người dân bỏ lại. Nhiều lán, trại vẫn còn sót lại chưa kịp dỡ bỏ. Dòng suối đục ngầu, cả một vùng rừng tan hoang. Anh Mai Thành Trung, Phó trưởng CAX Diê Ya cho biết: Cứ mỗi lần bị truy quét, người dân lại bỏ bãi này chạy đi tìm bãi đá khác, cứ thế mỗi lúc tiến sâu hơn vào rừng. Đến nay đã có tất cả 5 bãi khai thác, trong đó có 2 bãi thuộc địa phận Krông Năng, Đắc Lắc, 3 bãi còn lại thuộc về H. Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Mỗi bãi cách nhau khoảng 3-4km đường rừng khiến cho công tác tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Lén lút đào đá cả ngày lẫn đêm. |
Chỉ là lời đồn thổi?
Trước tình hình người dân tập trung khai thác đá trái phép tại tiểu khu 300 và 306, ngay từ tháng 9-2013, CAH Krông Năng đã lập chốt, phối hợp với chính quyền địa phương để tuần tra, truy quét, xử lý các đối tượng. Mỗi ca trực có 10 CBCS, thường xuyên chốt chặn các ngả đường vào vùng rừng tiểu khu 300 và tuần tra, kiểm soát. Thượng tá Phạm Văn Châu, Trưởng CAH Krông Năng cho biết: Tính đến nay, CA huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hơn 100 đợt truy quét, đưa hàng trăm đối tượng ra khỏi rừng. Qua công tác vận động, hiện tại, phần lớn người dân từ các nơi khác đến đây tập trung cũng đã ra về. Nhờ đó, tình hình ANTT ở địa bàn đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn cố gắng bám trụ, nằm lại rải rác ở trong rừng, lén lút khai thác dọc vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắc Lắc – Gia Lai.
Còn theo Trưởng CAX Cư Klông Huỳnh Cao Nguyên, trên thực tế việc nhiều người trúng đậm khi khai thác đá ở đây chỉ là lời đồn. Đá người dân đào được chỉ là đá màu, đá vụn. Tỷ lệ người tìm được cũng rất ít, 100 người mới có 1-2 người tìm được. Người dân đổ vào rừng đào đá chủ yếu là dân từ các tỉnh ngoài như Cà Mau, Ninh Bình, Đà Lạt, Phú Yên... chứ dân tại chỗ họ biết không có đá nên không tham gia. Vào tháng 9, tháng10, có nhiều đầu nậu đá lái ô-tô BKS từ TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng… lên tận đây để thu mua đá. Họ thường mua nguyên lô với giá 7-8 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, tỷ lệ đá quý trong số đá màu người dân tìm được không nhiều nên họ cũng không mua nữa. Gần đây, người dân đào được đá màu thường đem ra thị trấn Krông Năng, thị xã Buôn Hồ bán lại, giá chỉ từ 1-2 triệu/kg, không đủ chi phí cho cả tuần lê lết trong bùn đất nên đa số bỏ cuộc. Điều đáng lo ngại nhất là thời gian gần đây, do lực lượng CA và chính quyền H. Krông Năng xử lý mạnh tay, nhiều người dân tìm cách dạt sang địa phận rừng của tỉnh Gia Lai để khai thác đá, khi lực lượng chức năng lơ là, họ lại quay trở lại. Sắp tới, xã dự kiến sẽ báo cáo với UBND huyện, tìm cách phối hợp với các huyện của tỉnh Gia Lai để xử lý thì mới giải quyết dứt điểm được.
Cho đến nay, chưa có một thăm dò chính thức nào cho thấy rừng Cư Klông có chứa trữ lượng đá quý lớn như lời đồn thổi. Để chấm dứt tình trạng khai thác đá tràn lan, mỗi người dân cần nhận thức rõ hành vi trái pháp luật của mình, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trả lại màu xanh cho môi trường sinh thái rừng ở Cư Klông.
Lục Hà