“Giải cứu” nguồn nước

Thứ bảy, 23/12/2017 10:33

Đà Nẵng nằm ở hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Trong chiến lược phát triển, Đà Nẵng phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020 với 6 tiêu chí đã được Bộ TN&MT ban hành, gồm: Tiêu chí về nước; tiêu chí về không khí; tiêu chí về chất thải rắn; tiêu chí về không gian xanh; tiêu chí về giao thông vận tải và tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng mới tái tạo.

Việc ô nhiễm nguồn nước dẫn đến hệ lụy cá chết đang là thách thức đối với Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết và các chiến lược phát triển, môi trường nước tại Đà Nẵng đang trở thành một vấn đề nóng, có nguy cơ thiếu hụt về số lượng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy, làm thế nào để “giải cứu” nguồn nước? Đó cũng là vấn đề chính được bàn luận tại hội thảo “Môi trường nước tại Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp”, do Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật (LHHKH&KT) TP Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững – Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội, tổ chức ngày 22-12.

Trên ô nhiễm, dưới cạn kiệt

Theo ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch LHHKH&KT TP, nguồn nước đang “chết yểu” do sự tác động của thiên nhiên và con người. Thiếu nước sinh hoạt, nước bị nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước… đã “kéo” sự phát triển của TP chựng lại. Thách thức đầu tiên mà TP đối mặt là nguồn nước mặt trên địa bàn TP vốn có hạn đang bị nhiễm mặn. Báo cáo của Tiến sĩ Tô Thúy Nga, ĐH Bách khoa Đà Nẵng chỉ rõ rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng làm xâm nhập mặn tăng đặc biệt là phía sông Thu Bồn và phần lớn sông Vĩnh Điện, kể cả khi có cống ngăn mặn Cầu Đỏ. “Có thể nói tình trạng nhiễm mặn đã ở mức báo động, ngay cả sông Hàn, Vu Gia cũng xảy ra tình trạng này. Cứ theo đà mức độ nhiễm mặn ngày càng tăng đồng nghĩa trong các năm tới nguồn nước ngọt sẽ thiếu hụt nghiêm trọng”, Tiến sĩ Nga cho hay. Trong khi đó, bà Phan Thị Hiền, Chi cục Bảo vệ môi trường cũng chỉ ra rằng nguồn nước mặt tại Đà Nẵng đang bị “bào mòn” dần bởi ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm khu vực vịnh Đà Nẵng là rất đáng quan ngại khi hàm lượng dầu mỡ cao diễn ra trên toàn khu vực vịnh, ô nhiễm nhất là vị trí Âu thuyền Thọ Quang. Ngoài ra, ô nhiễm dầu mỡ có dấu hiệu gia tăng ở vị trí biển gần cửa sông Cu Đê, biển gần cửa sông Phú Lộc và cảng Tiên Sa.

Không những thế, nguồn nước ngầm tại TP hiện cũng đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt do lượng nước tái tạo có hạn nhưng việc sử dụng thì quá phung phí. “Chưa nói đến ý thức người dân trong sử dụng nước sạch còn hạn chế. Hiện, nhiều công trình xây dựng đang “tận diệt” nguồn nước ngầm khi liên tục bơm hút ngày đêm, thậm chí nhiều công trình còn không có giấy phép”, bà Nguyễn Thị Phương, ĐH Duy Tân phân tích.

Nhìn nhận trực tiếp vấn đề, ông Mai Mã – Giám đốc Cty thoát nước và Xử lý nước thải cho hay ô nhiễm môi trường nước đang diễn ra trên địa bàn TP. Thực trạng cá chết liên tục ở các ao hồ, ô nhiễm ở các cửa xả ra biển khó kiểm soát là những ví dụ điển hình. Nguyên nhân chính dẫn đến điều đó là do việc xử lý nguồn nước thải còn nhiều hạn chế, bất cập. “Hiện tại rất nhiều khu vực trên địa bàn TP có mật độ dân cư đông đúc. Tuy nhiên, hệ thống thu gom và xử lý nước thải vẫn chưa bao phủ kịp cũng như chưa đấu nối đồng bộ. Vì vậy, một lượng lớn nước thải chưa được thu gom chảy tràn ra sông biển, ao hồ”, ông Mã nói. Cũng theo ông Mã, hiện địa bàn TP có 6 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung gồm: Hòa Cường, Phú Lộc, Sơn Trà cũ, Sơn Trà mới, Ngũ Hành Sơn và Hòa Xuân. Tổng công suất thiết kế là 140.500 m3/ngày đêm với nhiều công nghệ xử lý khác nhau. “Tuy có nhiều trạm nhưng một số trạm vẫn đang sử dụng công nghệ kỵ khí, không có hệ thống khử trùng cũng như một số trạm xử lý quá tải. Điều đó đã đặt ra “bài toán” khó tìm lời giải bởi tiềm lực Cty có hạn”, ông Mã trao đổi.

Đừng để “cánh én” lẻ loi

Đó là quan điểm được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo. Bởi, ngoài BĐKH, một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước rơi vào thực trạng hiện tại là do bàn tay con người. Cụ thể, nạn hút cát trộm ở các sông, chặt phá rừng, lén xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường... đang nhan nhản. Vấn đề đã có sự vào cuộc ngăn chặn nhưng chưa quyết liệt, chỉ là sự việc đã rồi và mức xử phạt hành chính còn quá nhẹ, không đủ răn đe.

Về giải pháp cứu nguồn nước ngầm, ông Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và Dải biển Việt Nam nêu quan điểm không được “bê-tông hóa” Sơn Trà. Theo ông Diệm, Sơn Trà hiện đang có mạch nước ngầm với trữ lượng lớn chưa bị nhiễm mặn. Còn đối với vấn đề xử lý hệ thống thoát nước thải ra biển ông Diệm chỉ rõ: “Việc tách hệ thống xả nước mưa và nước thải bẩn ra biển là rất khó, nhưng khó cũng phải làm. Không để nước thải không đạt tiêu chuẩn, chưa xử lý cứ ào ạt chảy ra biển như hiện nay. Ngoài ra, phải dùng nguồn nước mưa, xây hồ điều hòa để xử lý rác thay vì đưa trực tiếp ra biển rồi mới xúm nhau vào nhặt. Hơn nữa, nguồn nước trữ đó có thể dùng để tưới cây xanh, thay vì phung phí nguồn nước sạch để tưới như lâu nay”.

Theo ông Mã, chủ trương phát triển bền vững của TP sẽ hướng đến xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm ở biển Mỹ An và Mỹ Khê khi TP đầu tư cống bao gom nước thải vào hồ trữ sau đó đưa về xử lý. “Cty cũng đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo máy thu gom rác tự động để tránh ô nhiễm ở các cửa xả ra biển. Đồng thời sẽ huy động nguồn lực, nâng cấp các trạm xử  lý nước lên chuẩn loại A, hạn chế thấp nhất tình trạng quá tải ở các trạm”, ông Mã trao đổi.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng nêu rõ, để có thể “giải cứu” nguồn nước cần có sự chung tay từ mỗi người dân, trên tinh thần nêu cao trách nhiệm, sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Những hoạt động vận động cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường, nghiêm cấm chặt phá rừng… cần được phối hợp, nhân rộng, không để xảy ra thực trạng “cánh én” lẻ loi.

PHI NÔNG