Giai đoạn II

Thứ bảy, 04/07/2015 08:00

(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bước vào giai đoạn II, trong đó chú trọng đòi hỏi tăng cường các nỗ lực pháp lý.

Trong khi hầu hết người Trung Quốc thường tập trung sự chú ý vào thị trường chứng khoán đầy biến động trong những ngày gần đây, một cuộc cải cách yên ả nhưng cơ bản đang âm thầm diễn ra liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Hôm 26-6, tại các phiên họp của Bộ Chính trị, ông Tập  nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật và các quy định trong các chiến dịch chống tham nhũng.

Trong bài phát biểu, ông Tập cho rằng, mặc dù Trung Quốc có những thành tựu to lớn trong chiến dịch chống tham nhũng kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 18, tình hình chung là vẫn còn nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh, chiến dịch chống tham nhũng sẽ không dừng lại. Theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay là việc xây dựng các thể chế, trong đó bao gồm các luật và quy định đồng thời khẳng định, đảng sẽ không cho phép xảy ra cái gọi là hiệu ứng "cửa sổ bị vỡ". Thông điệp mà ông Tập đưa ra đã quá rõ ràng: giai đoạn đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng đã qua, và nhiều "con hổ" lớn như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, đã bị ngã ngựa. Đó là thành công lớn.

Giờ đây, hầu hết các quan chức chính phủ Trung Quốc đang sợ bị dính án tham nhũng, và rất sợ  "những cái tên thần chết", đặc biệt như Vương Kỳ Sơn - lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI). Ông Vương hiện là nhân vật đứng thứ 6 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong 7 người nắm quyền lãnh đạo tối cao ở đất nước tỷ dân. Thật vậy, ông Vương Kỳ Sơn  được đánh giá là bàn tay thép truy quét tham nhũng ở Trung Quốc và là nhân vật đứng sau sự thành công rất lớn của chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" này cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Tập và ông Vương thường nhấn mạnh, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn thứ hai của chiến dịch chống tham nhũng, được cho rằng là "quan trọng hơn rất nhiều". Chìa khóa để thành công trong bước này là xây dựng thể chế hiệu quả để ngăn chặn tham nhũng xảy ra ở Trung Quốc, có nghĩa là các quan chức sẽ "không thể nhúng tay vào tham nhũng", ngay cả khi họ muốn làm như vậy.

Hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện nhiệm vụ này, cả về việc lên kế hoạch và thực hiện một cách mạnh mẽ trong thực tế. Các tổ chức cần phải sáng tạo. Ví dụ, CCDI khuyến khích người dân thường Trung Quốc tham gia bắt đầu chiến dịch "chụp những hình ảnh tham nhũng", có nghĩa là người dân nên sử dụng điện thoại di động để chụp ảnh các quan chức chính phủ nghi nhúng chàm. Họ có thể đưa các hình ảnh lên trang mạng của CCDI để cơ quan này có thể bắt đầu điều tra càng sớm càng tốt.

Theo lý thuyết 3 giai đoạn của chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập, thành công của giai đoạn thứ hai này cuối cùng sẽ dẫn đến giai đoạn thứ ba: "Thậm chí không nghĩ về tham nhũng". Nỗ lực này, về cơ bản là thay đổi văn hóa chính trị của Trung Quốc, và đây là nhiệm vụ khó khăn nhất.

Thanh Văn