"Giai đoạn mới" trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine

Thứ tư, 12/10/2022 14:01
Việc Nga phát động một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa mà Moscow cho là nhằm vào các cơ sở quân sự của Ukraine ở hơn 10 thành phố xa chiến tuyến đã khiến Kiev và nhiều nước phương Tây bất ngờ. Động thái này cũng đánh dấu sự khởi động của "một giai đoạn mới trong" chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Nga phát động một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa nhằm vào thủ đô Kiev. Ảnh: Guardian
Nga phát động một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa nhằm vào thủ đô Kiev. Ảnh: Guardian

Cuộc giao tranh bất ngờ chuyển hướng

Trong những tuần gần đây, các bên tham chiến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã có nhiều thay đổi về chiến thuật. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, cuộc giao tranh tại Ukraine đã bất ngờ chuyển hướng từ một trận chiến pháo binh dữ dội dọc các chiến tuyến, dự kiến kéo dài đến mùa Đông sang một cuộc xung đột đa cấp độ, leo thang nhanh chóng.

Từ việc Ukraine tiến hành phản công và đạt được một số bước tiến trên chiến trường đến lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin, vụ đánh bom xe trên cầu Crimea. Sau đó là việc Nga phát động một loạt cuộc tập kích bằng tên lửa mà Moscow cho là nhằm vào các cơ sở quân sự của Ukraine ở hơn 10 thành phố xa chiến tuyến. Tất cả đã làm thay đổi bản chất và nhịp độ của cuộc xung đột, đồng thời khiến Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với câu hỏi liệu có nên tiến xa hơn trong việc giúp Ukraine đáp trả Nga.

Các quan chức Nga cũng nêu bật bước ngoặt mới của nước này trong cuộc xung đột. Trong bài bình luận trên Telegram ngày 10-10, ông Viktor Bondarev - người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga cho biết, cuộc tập kích tên lửa nhằm vào một loạt thành phố ở Ukraine đánh dấu sự khởi động của "một giai đoạn mới" trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và Nga sẽ có nhiều hành động kiên quyết hơn trong thời gian tới.

Sức ép đối với các đồng minh của Ukraine

Các cuộc tấn công mới của Nga dường như cho thấy căng thẳng leo thang đáng kể, làm gia tăng sức ép lên Mỹ và các nước châu Âu còn chần chừ trong việc cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất cho Ukraine. Chính quyền Ukraine đã tăng cường sức ép với các đồng minh về việc cung cấp các vũ khí tầm xa hơn và các hệ thống phòng không hiện đại hơn.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Kiev, trong đó có các hệ thống phòng không tiên tiến. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cũng nhận định với CNN rằng, EU cần hành động nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp thêm các trang thiết bị quân sự giữa bối cảnh xung đột leo thang

Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công của Nga và tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ cho Ukraine, nhưng hiện chưa rõ họ có tăng tốc việc chuyển giao các gói viện trợ cho Kiev hay không. Ưu tiên cao nhất của Washington là tránh cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và phương Tây. Nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ tiếp tục bày tỏ sự thận trong trước những diễn biến xảy ra quá nhanh trong những ngày qua. "Những bước ngoặt trong chiến tranh thường là những ngã rẽ nguy hiểm. Bạn không thể đoán trước được điều gì sẽ diễn ra".

Nga cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, Moscow có thể tiến hành "các biện pháp đáp trả" nhằm vào Mỹ và châu Âu do "sự can dự ngày càng tăng" của những nước này vào cuộc xung đột ở Ukraine. "Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng, trong đó có cả những biện pháp bất đối xứng", Hãng Thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời ông Ryabkov cho hay. "Rõ ràng một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ và NATO không nằm trong các lợi ích của Nga. Chúng tôi đang đưa ra cảnh báo và hy vọng Washington cũng như các nước phương Tây khác nhận ra mối nguy hiểm của sự leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát", ông Ryabkov tuyên bố.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov mới đây cũng nhận định, những thông báo gần đây của Washington về việc sẵn sàng cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự, bao gồm cả những mẫu mới nhất, đã cho thấy Mỹ cũng là một phần của cuộc xung đột. "Quyết định của Nga khi tiến hành không kích bằng vũ khí chính xác vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine là sự phản ứng trước các hành vi khủng bố được thực hiện ở đất nước chúng tôi. Trách nhiệm cho những hành động này hoàn toàn thuộc về chính quyền Kiev", ông Anatoly Antonov bình luận.

AN BÌNH

Nga khẳng định không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân

Ngày 11-10, hãng tin Sputnik cho biết trả lời câu hỏi về những thông tin cho rằng Moscow chuẩn bị thực hiện các vụ tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nêu rõ Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào. Cùng ngày, hãng tin RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Ryabkov để ngỏ khả năng Nga thực hiện các biện pháp đáp trả phù hợp trước sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc xung đột Ukraine.